Theo số liệu thống kê, dân số của toàn huyện đến ngày 10/1/2007 là 71.062 người, với 12.864 hộ, bình quân 5,5 người/hộ, trong đó hộ sản xuất nông lâm nghiệp chiếm 97,24% tổng số hộ. Trên địa bàn có 16 dân tộc sinh sống trên 18 xã, thị trấn. Trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là người H’mông: 53%. Dân số nông thôn 63.644 người, chiếm 93,15% tổng dân số. Mật độ dân số trên toàn huyện là 89,22 người/km2, nhưng phân bố không đồng đều. Dân số tập trung đông ở thị trấn, thị tứ và ven các trục giao thông chính.
Tổng số lao động trong toàn huyện là 35.533 người, chiếm 52% tổng dân số, trong đó lao động nông thôn chiếm trên 90% tổng lao động xã hội toàn huyện. Về chất lượng lao động, Yên Minh được đánh giá tương đối thấp so với các vùng khác trong tỉnh, công nhân lành nghề, cán bộ kỹ thuật còn rất ít, mức sống của nhân dân còn thấp. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,75% (năm 2000 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 2,02%) bình quân mỗi năm giảm 0,05%. Công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và các chương trình y tế quốc gia được thực hiện có hiệu quả.
Thông qua chương trình 135 của Chính phủ với tổng vốn đầu tư là xấp xỉ 49 tỷ cho xây dựng 148 công trình. “Chương trình mái nhà, bể nước, con bò” với 4.232 hộ được hỗ trợ vay 6.305 tỷ đồng. “Di dân ra biên giới” với tổng số vốn đầu tư 900 triệu đồng thuộc 4 xã vùng biên, dự án “Định canh - định cư” với tổng số vốn đầu tư 4.151,3 triệu đồng giúp nhân dân ổn định cuộc sống tăng gia sản xuất. Các chủ trương chính sách xã hội, xây mới và mở rộng các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động như: Công nhân cho mỏ quặng, các cơ sở sản vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, sản xuất gạch, ngói, cho hộ gia đình cá nhân vay vốn đầu tư làm ăn đã làm giảm bớt lượng lao động nhàn dỗi trong huyện. Tuy nhiên lượng lao động nông nhàn trong huyện vẫn còn ở mức cao.
Trong những năm qua thu nhập bình quân của người dân có mức tăng lên, đời sống được nâng cao, nhưng tỷ lệ hộ đói nghèo theo tiêu chí mới còn cao với tổng số 7.519 hộ.