6. Bố cục của luận văn
2.1.1. Quan điểm về “nghèo, đói”
Nghèo đói là một hiện tượng kinh tế - xã hội mang tính chất toàn cầu. Nó không chỉ tồn tại ở các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển, mà nó còn tồn tại ngay tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên tuỳ thuộc vào điều kiện tự nhiên, thể chế chính trị xã hội và điều kiện kinh tế của mỗi quốc gia mà tính chất, mức độ nghèo đói của từng quốc gia có khác nhau. Nhìn chung mỗi quốc gia đều sử dụng một khái niệm để xác định mức độ nghèo đói và đưa ra các chỉ số nghèo đói - để xác định giới hạn nghèo đói. Giới hạn nghèo đói của các quốc gia được xác định bằng mức thu nhập tối thiểu để người dân có thể tồn tại được, đó là mức thu nhập mà một hộ gia đình có thể mua sắm được những vật dụng cơ bản phục vụ cho việc ăn, mặc, ở và các nhu cầu thiết yếu khác theo mức giá hiện hành.
Liên Hợp quốc đã đưa ra hai khái niệm chính về nghèo đói: Nghèo tuyệt đối, là tình trạng không được hưởng những nhu cầu cơ bản tối thiểu để duy trì cuộc sống. Nghèo tương đối, là tình trạng không được hưởng những nhu cầu cơ bản tối thiểu như ăn, ở, mặc, vệ sinh, y tế và giáo dục. Nghèo tương đối được xem như là việc cung cấp không đầy đủ các tiềm lực vật chất và phi vật chất cho những người thuộc về một số tầng lớp xã hội nhất định so với sự sung túc của xã hội đó.
Trong “Báo cáo phát triển thế giới 1990” của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra định nghĩa “Nghèo khổ là không có khả năng đạt được mức sống tối thiểu”. Những người có thu nhập dưới 1/3 mức sống trung bình của xã hội thì được coi là nghèo khổ. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới thì hiện nay trên
thế giới có khoảng 1,3 tỷ người sống dưới mức nghèo khổ, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Tại hội nghị bàn về xoá đói, giảm nghèo tổ chức tại Băng Cốc (Thái Lan) tháng 9/1993 đã đưa ra khái niệm về nghèo đói như sau: “Đói nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thoả mãn những nhu cầu cơ bản của con người đã được xã hội thừa nhận tuỳ theo trình độ phát triển kinh tế xã hội và phong tục tập quán của các địa phương” [73].
Ở Việt Nam, khái nghiệm nghèo, đói được tách riêng. Nghèo là tình trạng chỉ được thỏa mãn một phần các nhu cầu cơ bản tối thiểu của cuộc sống và có mức sống thấp hơn so với mức sống trung bình của cộng đồng xét trên mọi phương diện. Đói là tình trạng có mức sống dưới mức sống tối thiểu và thu nhập không đủ bảo đảm nhu cầu về vật chất để duy trì cuộc sống. Những hộ đói thường thiếu ăn, đứt bữa từ 1 - 3 tháng/năm, thường vay mượn cộng đồng và thiếu khả năng chi trả. Giá trị đồ dùng trong nhà không đáng kể, nhà ở dột nát, con thất học, bình quân thu nhập dưới 13kg gạo/người/tháng (tương đương 45.000 đồng).
Qua các định nghĩa trên, ta có thể đưa ra định nghĩa chung về nghèo đói:
“Đói nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không có những điều kiện về cuộc sống như ăn, mặc, ở, vệ sinh, y tế, giáo dục, đi lại, quyền được tham gia vào các quyết định của cộng đồng” [73].
Tóm lại, không có một khái niệm chung về nghèo đói cho tất cả các Quốc gia, cũng không có khái niệm nghèo đói cho tất cả các vùng lãnh thổ của một Quốc gia, hoặc chung cho cả hai vùng, nông thôn và thành thị. Do đó, mỗi nước dựa trên các tiêu chí khác nhau.
Ở Việt Nam, do xuất phát từ một nước nông nghiệp, nên chuẩn nghèo đói ở Việt Nam, thời gian từ năm 1996 về trước tính theo mức chi tiêu bằng lương thực (quy gạo) là chính, về sau mới được tính theo giá trị bằng tiền.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực tế, Bộ LĐ - TB&XH đã công bố chuẩn nghèo đói quốc gia như sau:
Giai đoạn 1997 - 2000
Bộ LĐ - TB&XH đã ra công văn số 1751/LĐTB&XH ngày 20 - 5 - 1997 quy định lại chuẩn nghèo:
- Hộ đói: Dưới 13kg gạo/người/tháng tương đương với 45.000đ
- Hộ nghèo: Là hộ có thu nhập dưới 15kg gạo/người/tháng tương đương với 55.000đ đối với vùng nông thôn miền núi và hải đảo; dưới 20kg gạo/người/tháng tương đương với 70.000đ đối với nông thôn đồng bằng trung du; dưới 25kg gạo/người/tháng tương đương với 90.000đ đối với vùng thành thị.
Giai đoạn 2001 - 2005
Theo Quyết định số 1143/2000/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐ - TB&XH về việc điều chỉnh chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2001 - 2005 thì chuẩn nghèo được tính theo mức thu nhập bình quân đầu người trong hộ cho từng vùng. Cụ thể:
- Vùng nông thôn miền núi, hải đảo: 80.000đ/người/tháng (960.000đ/năm) - Vùng nông thôn đồng bằng: 100.000đ/người/tháng (1.200.0000đ/năm). - Vùng thành thị: 150.000đ/người/tháng (1.800.000đ/năm).
Những hộ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới mức quy định trên được xác định là hộ nghèo.
Giai đoạn 2006 - 2010
Chuẩn nghèo được quy định như sau:
-Vùng nông thôn: Dưới 200.000 đồng/người/tháng. -Vùng thành thị: Dưới 260.000 đồng/người/tháng.
Xã nghèo là xã có tỷ lệ hộ đói nghèo trên 40%, không có hoặc còn thiếu các hạng mục cơ sở hạ tầng như trạm y tế, trường tiểu học, điện sinh hoạt, đường ô tô tới trung tâm xã, chợ xã hoặc liên xã, nước sạch sinh hoạt.
- Địa bàn cư trú gồm các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao hẻo lánh, vùng biên giới, hải đảo. Khoảng cách từ các xã đến các khu động lực phát triển lớn hơn 20 km.
- Cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng hoặc còn tạm bợ.
- Các yếu tố xã hội chưa đạt mức tối thiểu, dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ và thất học trên 60%, tập tục lạc hậu...
- Điều kiện sản xuất khó khăn, thiếu thốn, sản xuất mang tính tự nhiên, hái lượm, chủ yếu là phát rừng làm nương rẫy, du canh du cư.
- Số hộ nghèo đói trên 60% số hộ của xã. Đời sống khó khăn, nạn đói thường xuyên xảy ra.
Như vậy, theo từng giai đoạn, chuẩn nghèo ở nước ta đã được điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn đó. Chuẩn nghèo tăng theo từng giai đoạn chứng tỏ nền kinh tế - xã hội đất nước ngày một phát triển và đã bước đầu phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, đồng thời cũng chứng tỏ những thành công rất lớn của nước ta trong công tác xóa đói giảm nghèo sau hơn 20 năm tiến hành đổi mới đất nước.
Đói nghèo là một thứ giặc, người đói nghèo là nạn nhân trực tiếp của xã hội. Vì vậy, mọi cấp, mọi ngành, mọi người phải quyết tâm chống đói nghèo với mọi khả năng lương tâm và trách nhiệm của mình. Đặc biệt đói nghèo là một vấn đề xã hội lớn phức tạp, vừa cấp bách vừa lâu dài, là mục đích của phát triển kinh tế - xã hội là yếu tố quan trọng góp phần ổn định xã hội, tạo đà cho kinh tế phát triển bền vững, lâu dài. Công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân.