Dựa trên kinh nghiệm tu tập cá nhân, tôi nhận thấy những tư tưởng sai lầm của con người thường xuất phát từ quan điểm cho rằng chúng ta là một cái ngã bị tách biệt không ngừng và mãi mãi khỏi những gì còn lại trên cuộc đời.Đó là quan điểm cho chúng ta là con người nầy, đang sống tại đây, được sinh ra và bị giới hạn bởi những điều kiện của thế gian, hay nói khác đi, chúng ta là một nạn nhân bơ vơ không nơi nương tựa do nhân duyên và hoàn cảnh tạo nên. Trong đời đã bao lần bạn từng nghĩ hay nghe người khác than thở, "Tôi đã làm gì mà phải chịu đau khổ như thế này? Tại sao phải là tôi? Tại sao những điều này xảy đến với tôi?" Và đã bao lần bạn chứng kiến cảnh con người cứ băn khoăn tự hỏi tại sao họ quá cô đơn, xa lạ, lạc lõng, hay tuyệt vọng? Đây là những kinh nghiệm rất chung và thường xảy đến với con người, phải không các bạn? Chúng ta thường sống với cảm giác bị cô lập, tách biệt, cô đơn, và lạc loài trong vũ trụ bao la trong đó không ai lo cho ai, không tình người, không thương yêu, và không công bằng. Khi chúng ta xem cuộc sống của mình như một cá nhân riêng lẻ, bị tách biệt hoàn toàn và mãi mãi khỏi thế gian còn lại, dĩ nhiên chúng ta sẽ cảm thấy xa lạ, sợ hãi, và lo lắng. Những tình cảm nầy sẽ là cơ sở cho suy nghĩ của chúng ta. Và thái độ xuất phát từ nỗi sợ hãi và lo âu nầy sẽ tác động lên cách nhìn của chúng ta về cuộc đời.
Nhìn từ một góc độ nào đó, sự lo âu của chúng ta là chính đáng. Chúng ta là những chúng sinh mỏng manh và nhạy cảm, yếu đuối và có nhiều nhược điểm; và như tất cả chúng ta đều biết, sắc thân nầy sẽ phải chịu rất nhiều đớn đau và khó chịu. Tất cả chúng ta đều lo sợ là một ngày nào đó chúng ta sẽ mắc bịnh hiểm nghèo, hay bị tàn tật và đầy thương tích. Những gì chúng ta dính mắc, tùy thuộc, và yêu thích có thể dễ dàng trở thành cái mà
chúng ta chán ghét. Bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể bị chia cách khỏi những người thân thương và quen thuộc. Vì thế, trong một mức độ nào đó, chỉ vì được sinh ra làm người với khả năng suy nghĩ, bản thân sự suy nghĩ
cũng mang lại cho chúng ta nhiều lo âu và phiền não.
Chúng ta có thể xem thân thể nầy là của riêng như thể toàn bộ cuộc đời chúng ta là được gói ghém trong tấm thân nầy. Chúng ta có thể nghĩ, "Tôi là con người nầy với một cá tính đã bị điều kiện và huân tập bởi cuộc sống, gia đình, nền giáo dục mà tôi thọ hưởng, và giai cấp mà tôi trót được sinh vào." Chúng ta có thể bám víu và đồng hóa con người mình với những giá trị
tiếp thu từ cuộc sống, để từ đó chúng ta sẽ được đánh giá là một người đàng hoàng tử tế hay chỉ là một tên vô lại, một người tài giỏi hay một kẻ hèn kém.
Vì mang trong đầu tư tưởng chúng ta là "một cái gì đó", nên suốt đời chúng ta bị kẹt và dính chặt vào tư tưởng nầy. Từ đó, suốt đời chúng ta sẽ hiểu sai về chính mình -- và điều nầy chắc chắn sẽ làm chúng ta đau khổ.
Chúng ta có khuynh hướng ứng xử với cuộc đời như một cá nhân riêng lẻ và rất dễ bị phiền muộn bởi những gì người khác nói về mình. Nếu bạn nói,
"Tôi không thích khuôn mặt của anh tí nào," tôi sẽ cảm thấy buồn và bị tổn thương. Chúng ta có thể suốt đời bực tức và ganh tỵ với những người hình như có nhiều ân huệ hay của cải hơn chúng ta. Tỵ hiềm và ganh ghét là những vấn đề chung của con người trên thế gian nầy. Nếu chúng ta không nghĩ về bản thân và không tự xem mình là một cá thể biệt lập thì sẽ không còn ganh tỵ và bực tức nữa, phải không các bạn? Ganh tỵ chỉ xuất hiện khi chúng ta chỉ quan tâm hay nghĩ về chính mình. Chúng ta nghĩ, "Hắn đã làm gì để xứng đáng với những đặc ân đó? Tại sao tôi lại không được như thế?"
Đây là những trạng thái tâm luôn biến đổi, sinh rồi diệt. Trong Đạo Phật, chúng tôi phân biệt giữa tâm và những trạng thái tâm. Trạng thái tâm chỉ là những điều kiện tâm lý sinh rồi diệt. Thí dụ như những cảm giác, tình cảm, nhận thức, khái niệm, và những thức như nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức v.v.
đến từ năm giác quan của chúng ta. Vũ trụ bao gồm tất cả những gì chúng ta có thể nhận thức và ý thức được vì thế tự nó vũ trụ là một trạng thái của tâm thức.
---o0o---