Nghiên cứu của các tác giả Nur Alam Siddik, Sajal Kabiraj, và Shanmugan Joghee (2016) về “ Tác động của cơ cấu vốn đến hiệu suất của các ngân hàng đối với nền kinh tế đang phát triển: Bằng chứng từ Bangladesh”. Trong khuôn khổ của nghiên cứu này, các tác giả đã nỗ lực lấp đầy sự thiếu hụt của các nghiên cứu thực nghiệm kiểm tra tính liên kết của cấu trúc vốn với hiệu suất hoạt động của các ngân hàng ở Bangladesh. Sử dụng dữ liệu của 22 ngân hàng trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2014, nghiên cứu này đã kiểm tra thực nghiệm tác động của cấu trúc vốn đến hiệu suất của các ngân hàng Bangladesh được đánh giá bằng các chỉ số tài chính như lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trên tài sản và thu nhập trên mỗi cổ phiếu. Kết quả từ quá trình phân tích của các tác giả đã chỉ ra những bằng chứng cho thấy có sự tác động nghịch đảo của cơ cấu vốn đối với hiệu suất hoạt động của ngân hàng. Những tác động tiêu cực này có thể được giải thích bởi đặc điểm của thị trường trái phiếu và vốn chủ sở hữu kém phát triển ở các nước đang phát triển, như Bangladesh, chẳng hạn như thông tin bất cân xứng, sự phụ thuộc mạnh mẽ vào các khoản nợ vay dẫn đến chi phí nợ cao. Kết quả thực nghiệm của nghiên cứu này cho thấy rằng các nhà quản lý tài chính sẽ cố gắng tăng cường cơ cấu tài trợ từ lợi nhuận giữ lại chứ không dựa nhiều vào vốn vay trong cơ cấu vốn của họ. Tuy nhiên, họ có thể sử dụng vốn vay nếu như đó là sự lựa chọn cuối cùng. Với mục tiêu tối đa hóa hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, các nhà quản lý cần nỗ lực để đạt được mức độ tối ưu của cấu trúc vốn và nỗ lực để duy trì nó càng lâu càng tốt. Những tác động tiêu cực này cũng gợi ý rằng các quy tắc và chính sách lập pháp phải được thiết kế để giúp các công ty giảm mạnh sự phụ thuộc vào việc sử dụng nợ quá nhiều. Các kết luận thực nghiệm của nghiên cứu này có ý nghĩa đối với các nước đang phát triển như Bangladesh vì kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra cần có sự chú trọng của những người đứng đầu các ngân hàng và các nhà hoạch định chính sách để cân nhắc việc theo đuổi các chính sách nhằm giảm sự phụ thuộc vào nợ và xác định cơ cấu vốn tối ưu cho doanh nghiệp. Nghiên cứu này cũng có những đóng góp
vào khoa học thực nghiệm bằng cách xác nhận lại kết quả của các nghiên cứu trước đây.
Nghiên cứu của Tedy Saputra, Noer Azam Achsani và Lukytawati Anggraeni (2015) về “Ảnh hưởng của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: Bằng chứng thực nghiệm từ ngành tài chính Indonesia”. Trong bài nghiên cứu này, các tác giả điểm qua những lý thuyết và những nghiên cứu trước có liên quan đến ảnh hưởng của cấu trúc vốn đến hoạt động của doanh nghiệp. Các tác giả đã nhận ra rằng có sự khác biệt về kết quả thu được, rằng cơ cấu vốn có thể có hiệu quả tích cực, tiêu cực hoặc thậm chí không ảnh hưởng đến hiệu suất của doanh nghiệp. Do đó, nghiên cứu này sẽ xem xét lại tác động của cơ cấu vốn trên các công ty tài chính niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Indonesia. Có hai lý do mà các tác giả đưa ra như là động lực thúc đẩy thực nghiện nghiên cứu này. Thứ nhất, nhiều nghiên cứu trước đây đã nghiên cứu cấu trúc vốn của các doanh nghiệp từ nhiều các quốc gia thuộc nhiều khu vực khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng loại bỏ lĩnh vực tài chính khỏi mẫu. Đó là do các đặc điểm khác biệt của cấu trúc vốn của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính so với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác. Thứ hai, các ngành công nghiệp tài chính là một lĩnh vực rất quan trọng đối với một quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Indonesia. Indonesia là một nước mà sự phát triển của nền kinh tế đang phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng, điều đó cho thấy cần có sự chú trọng đặc biệt vào ngành tài chính của Indonesia. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu báo cáo tài chính từ các công ty tài chính được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Indonesia từ năm 2009 đến năm 2013. Các công ty tài chính này được phân thành năm phân ngành và các công ty được chọn làm mẫu nghiên cứu phải có tiêu chí, cụ thể là:
Được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Indonesia từ năm 2009 – 2013 và hoạt động liên tục trong giai đoạn đó;
Có báo cáo tài chính được kiểm toán trong giai đoạn 2009 – 2013; Luôn luôn có nguồn vốn và hiệu quả hoạt động khả quan.
Sau quá trình sàng lọc, 55 mẫu được lấy từ năm phân ngành tài chính trong đó bao gồm 24 ngân hàng, 9 quỹ đầu tư, 5 công ty chứng khoán, 10 công ty bảo hiểm và 7 công ty tài chính khác. Nghiên cứu này sử dụng phân tích hồi quy dữ liệu bảng điều tra để điều tra hiệu quả của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Các tác giả sử dụng dữ liệu bảng – một sự kết hợp của dữ liệu chéo và dữ liệu chuỗi thời gian để xây dựng dữ liệu nghiên cứu. Hai mô hình hồi quy được sử dụng để phân tích tác động của cơ cấu vốn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong năm phân ngành tài chính tại Sở giao dịch chứng khoán Indonesia là:
ROAit= α0 + α1LDTAit + α2TDTAit + α3TDTEit + α4SIZEit + α5AGit + eit (1) Với α1, α2, α3, α4, α5> 0
ROEit= β0 + β1LDTAit + β2TDTAit + β3TDTEit + β4SIZEit + β5AGit + eit (2) Với β1, β2, β3, β4, β5> 0
Trong đó:
ROA = Tỷ suất lợi nhuận ròng trên tài sản
ROE = Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu LDTA = Tỷ số nợ dài hạn trên tổng tài sản
TDTA = Tỷ số tổng nợ trên tổng tài sản TDTE = Tỷ số tổng nợ trên vốn chủ sở hữu
SIZE = Quy mô của doanh nghiệp được đo bằng logarit tự nhiên của tổng tài sản AG = Tốc độ tăng trưởng của tài sản được đo bằng chênh lệch tài sản năm hiện hành và năm trước đó chia tài sản năm trước
Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng cơ cấu vốn có tác động tiêu cực đến hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp được đo bằng ROA, phù hợp với lý thuyết Trật tự phân hạng. Cơ cấu vốn có tác động khác nhau đối với từng phân ngành tài
chính. Cụ thể là cơ cấu nguồn vốn có tác động tiêu cực đến các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán và các công ty tài chính khác trong khi nó lại có tác động tích cực đến các ngân hàng và các công ty bảo hiểm. Hơn nữa, kết quả cho thấy các công ty thuộc lĩnh vực tài chính ở Indonesia đang có tỷ lệ sử dụng đòn bẩy cao và ngành ngân hàng thuộc nhóm có tỷ lệ sử dụng đòn bẩy cao nhất với 89% tổng nợ trên tổng tài sản.
Nghiên cứu của hai tác giả Ebenezer Bugri Anarfo và Elijah Appiahene (2017) về “Tác động của cấu trúc vốn đến lợi nhuận hoạt động của các ngân hàng ở Châu Phi”. Bài nghiên cứu sử dụng phân tích hồi quy và dữ liệu phân tích từ 37 quốc gia trong khu cực Châu phi cận Sahara trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015, nghiên cứu đã sử dụng tỷ lệ nợ (DR) làm thước đo cấu trúc vốn và khả năng lợi nhuận của các ngân hàng được đo bằng cách sử dụng chỉ số đo lường hiệu quả điều chỉnh rủi ro lợi nhuận trên tài sản (RAROA), chỉ số đo lường hiệu quả điều chỉnh rủi ro lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (RAROE) và tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM). Nghiên cứu sử dụng 8 biến số làm yếu tố quyết định lợi nhuận của các ngân hàng bao gồm: tỷ lệ nợ, quy mô của một ngân hàng, tính hữu hình của tài sản, tốc độ tăng trưởng của các ngân hàng, thuế, tăng trưởng GDP, lãi suất và tỷ lệ lạm phát. Nghiên cứu sử dụng tỷ lệ nợ như một biến đại diện cho cấu trúc vốn của ngân hàng. Mục tiêu chính là kiểm tra xem cơ cấu vốn có ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng hay không và cũng để kiểm tra bản chất của mối quan hệ giữa cấu trúc vốn và khả năng sinh lời của ngân hàng. Những kết quả cho thấy rằng, cấu trúc vốn của ngân hàng là một nhân tố bất lợi đối với khả năng đạt được lợi nhuận của ngân hàng. Điều này ngụ ý rằng các ngân hàng ở châu Phi sẽ đạt được lợi nhuận tối đa bằng cách giảm tỷ lệ nợ và sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để tăng lợi nhuận vì tỷ lệ nợ cao làm giảm khả năng sinh lời của họ. Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách nên giảm thuế suất doanh nghiệp vì nó làm giảm lợi nhuận của ngân hàng. Khi thuế giảm và các ngân hàng trở nên có lợi nhuận cao hơn, nó cung cấp cho họ môi trường tạo điều kiện để tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và do đó làm giảm thất nghiệp ở châu Phi. Các ngân hàng cần phải tăng lãi suất của họ một chút
bởi vì nó có tác động tích cực làm tăng tỷ lệ thu nhập lãi cận biên của họ. Tóm lại, kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng cơ cấu vốn của các ngân hàng là một yếu tố thúc đẩy lợi nhuận. Các biến khác ảnh hưởng đáng kể đến khả năng lợi nhuận của các ngân hàng là quy mô, tài sản hữu hình, mức tăng trưởng, thuế và lãi suất.
Ngoài ra, một số nghiên cứu liên quan ngoài ngành ngân hàng có thể kể đến là nghiên cứu của Mohammad Reza Ebrati, Farzad Emadi, Reza Saadati Balasang và Ghorban Safari (2013) về “Tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: Bằng chứng từ Sở giao dịch chứng khoán Tehran”. Mục tiêu của nghiên cứu này là nghiên cứu thực nghiệm tác động của cơ cấu vốn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Phương pháp phân tích hồi quy được sử dụng trong việc nghiên cứu ước lượng mối quan hệ giữa mức đòn bẩy nợ và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Các tác giả đã sử dụng các chỉ tiêu tài chính dựa trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp bao gồm: lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận trên tài sản (ROA), giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu với giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu (MBVR), thu nhập ròng trên cổ phiếu (EPS) và hệ số Tobin's Q. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên mẫu 85 công ty niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tehran và hoạt động thuộc các lĩnh vực dược phẩm, xi măng, máy móc thiết bị và thiết bị điện, số liệu được tổng hợp dựa trên báo cáo thường niên của các công ty trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2011. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, được đo bằng ROE, MBVR và Tobin's Q có liên quan đáng kể và tương quan tích cực với cơ cấu vốn của doanh nghiệp trong khi các chỉ số hiệu năng được đo lường bằng ROA và EPS lại cho thấy mối quan hệ tiêu cực với cấu trúc vốn.
Hay là nghiên cứu khác của tác giả Mykhailo Iavorskyi (2013) và cộng sự về “Ảnh hưởng của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: Dẫn chứng từ Ukraina”. Nghiên cứu này góp phần làm rõ mối quan hệ giữa cấu trúc vốn và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Giả thiết chính được sử dụng trong nghiên cứu là đòn bẩy tài chính có những ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của doanh
nghiệp thông qua các nhà quản lý kỷ luật, lá chắn thuế và các hiệu ứng báo hiệu. Tác giả sử dụng mẫu gồm 16,5 nghìn công ty Ukraina trong giai đoạn 2001-2010, là giai đoạn mà Ukraina có nhiều biến chuyển về mặt kinh tế. Bắt đầu từ năm 2001, đất nước có sự ổn định dần về mặt kinh tế, dòng vốn đầu tư nước ngoài bắt đồ đổ vào hệ thống ngân hàng trong giai đoạn 2004 – 2008 và khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra bắt đầu từ năm 2008. Tác giả sử dụng bộ dữ liệu tài chính của các doanh nghiệp được cung cấp bởi Ủy ban Thống kê Quốc gia Ukraina. Dữ liệu bao gồm bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty với các hình thức kết hợp khác nhau trong giai đoạn 2001-2010, cũng như các thông tin cụ thể khác của doanh nghiệp (ngành, loại tổ chức, v.v.). Tác giả và cộng sự đã sử dụng 3 biện pháp để đo lường hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp: lợi nhuận trên tài sản (ROA), lợi tức bán hàng (hoặc lợi nhuận EBIT) và tổng năng suất (TFP). Lợi nhuận trên tài sản được xác định là lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) chia cho giá trị sổ sách trung bình của tài sản, và biên EBIT được xác định là thu nhập trước thuế và lãi vay chia cho doanh thu thuần. TFP được ước tính bằng cách sử dụng phương pháp Olley và Pakes (1996). Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng thói quen sử dụng nợ của các doanh nghiệp Ukraina không theo lý thuyết dòng tiền tự do của cơ cấu vốn. Đặc biệt, việc sử dụng đòn bẩy nợ cho thấy chúng có ảnh hưởng xấu đến hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp được đo lường bằng lợi nhuận trên tài sản, biên lợi nhuận hoạt động và tổng năng suất. Điều này có thể được giải thích bởi: Lãi suất thực cao gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính trong tương lai của các công ty Ukraina trong trường hợp tài trợ bằng nợ. Tác dụng của lá chắn thuế không tác dụng nhiều trong trường hợp ở Ukraine bởi vì nhiều công ty lợi dụng sự sơ hở trong pháp luật và chuyển lợi nhuận của công ty về các nước khác để tránh phải trả thuế ở Ukraina.