Một lý thuyết được áp dụng rộng rãi và có tính thực tiễn hơn là lý thuyết Đánh đổi cấu trúc vốn (Static Trade-off Theory). Theo đó, các công ty phải tự quyết định về đòn bẩy tài chính trên cơ sở cân bằng lợi ích thu được từ vốn vay và những rủi ro tài chính. Theo Brigham và Houston (2004), cấu trúc vốn tối ưu của một công ty là cấu trúc vốn mà nhờ đó giá trị doanh nghiệp sẽ tăng lên và chi phí vốn sẽ giảm, được xác định bởi sự cân bằng lợi ích của việc sử dụng nợ, được hiểu là việc tiết kiệm thuế và chi phí nợ. Hơn nữa, lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn cho thấy rằng các doanh nghiệp có nhiều tài sản hữu hình hơn nên sử dụng vốn vay bổ sung, vì các tài sản hữu hình này sẽ được thế chấp. Ngoài ra, giá trị tài sản vô hình là dễ bị mất giá trong trường hợp có rủi ro tài chính. Một nghiên cứu khác nghiêng về việc tập trung vào việc tận dụng ưu điểm của việc sử dụng lá chắn thuế trong tài trợ nợ và tài trợ vốn chủ sở hữu, Schepens (2016) lập luận rằng việc đưa ra những quyết đinh về cơ
cấu vốn có sự cân bằng lợi ích trong việc xử lý nợ và vốn chủ sở hữu sẽ làm gia tăng đáng kể tỷ lệ vốn ngân hàng, do sự gia tăng giá trị vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, giá trị của doanh nghiệp dùng vốn vay sẽ được tăng thêm nhờ nguồn giảm trừ thuế, nhưng sẽ gánh rủi ro tài chính, mà rủi ro này sẽ tăng theo tỉ lệ nợ. Giá trị của doanh nghiệp sẽ tăng đến một ngưỡng nhất định, rồi giảm dần do rủi ro tài chính tăng dần. Cơ cấu vốn tối ưu sẽ đạt được khi tại đó, giá trị công ty là lớn nhất, tức chi phí vốn ở mức thấp nhất và do đó, tối đa hóa được lợi nhuận của công ty.