NHTM là một tổ chức trung gian tài chính làm cầu nối giữa khu vực tiết kiệm với khu vực đầu tư của nền kinh tế, do vậy những biến động của môi trường kinh tế, chính trị và xã hội có những ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các ngân hàng. Nổi bật trong phần nhân tố kinh tế này là tăng trưởng kinh tế GDP và chỉ số lạm phát (Nguyễn Thu Nga và cộng sự, 2018). Tăng trưởng kinh tế có tác động mạnh mẽ đến chỉ tiêu lợi nhuận của ngành ngân hàng nói chung. Tăng trưởng ngân hàng chắc chắn sẽ chậm trong bối cảnh kinh tế khó khăn và điều đó sẽ là thách thức lớn cho ngành ngân hàng trong việc đạt kế hoạch lợi nhuận đặt ra. Và trong bối cảnh lạm phát tăng cao, việc huy động vốn của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Để huy động được vốn, hoặc không muốn vốn từ ngân hàng mình chạy sang ngân hàng khác, thì phải nâng lãi xuất huy động sát với diễn biến của thị trường vốn, nhưng nâng lên bao nhiêu là hợp lý, luôn là bài toán khó đối với mỗi ngân hàng. Lạm phát tăng cao, ngân hàng nhà nước (NHNN) phải thắt chặt tiền tệ để giảm khối lượng tiền trong lưu thông,
nhưng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh vẫn rất lớn, các ngân hàng chỉ đáp ứng cho một số ít khách hàng với những hợp đồng đã ký hay những dự án thật sự có hiệu quả, với mức độ rủi ro cho phép. Mặt khác do lãi suất huy động tăng cao, thì lãi suất cho vay cũng cao, điều này đã làm xấu đi về môi trường đầu tư của ngân hàng, rủi ro đạo đức sẽ xuất hiện. Ngược lại, khi nền kinh tế có tăng trưởng cao và ổn định, các khu vực trong nền kinh tế đều có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh do đó nhu cầu vay vốn tăng làm cho các NHTM dễ dàng mở rộng hoạt động tín dụng của mình đồng thời khả năng nợ xấu có thể giảm vì năng lực tài chính của các doanh nghiệp cũng được nâng cao.