Xuất phát từ tầm quan trọng của việc cần phải đẩy mạnh khả năng cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại thời kỳ hội nhập, tại Việt Nam trong thời gian qua đã có một số tác giả trong nước quan tâm nghiên cứu về vấn đề này, tuy nhiên phần lớn các nghiên cứu này chỉ dừng lại ở các nghiên cứu định tính. Phổ biến là các nghiên cứu của các nghiên cứu sinh như: Lê Thị Hương (2002) “Nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư của NHTM Việt Nam”, Lê Dân (2004) “Vận dụng phương pháp thống kê để phân tích hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM Việt Nam”. Hay bài nghiên cứu của TS Phạm Thanh Bình (2005) “Nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống NHTM Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế”. Đối với nghiên cứu về NHLD Việt Thái nói riêng, có bài nghiên cứu của Nguyễn Lê Phương Thảo (2010) “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHLD Việt Thái”. Hầu hết những nghiên cứu này chỉ đánh giá thực trạng hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, từ đó nêu lên các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh đơn thuần, mà chưa đi vào tiếp cận về mặt định lượng để xác định và ước lượng mức độ tác động của các nhân tố đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Về các nghiên cứu định lượng, theo tìm hiểu của tác giả, trước đây đã có những nghiên cứu về đề tài này mang tính định lượng như Nguyễn Việt Hùng (Luận án tiến sĩ 2008): tác giả đã không sử dụng phương pháp phân tích các chỉ số tài chính để phân tích hiệu quả hoạt động kinh doanh của các NHTM mà sử dụng phương pháp tiếp cận tham số (SFA) và tiếp cận phi tham số (DEA) dựa trên các biến đầu vào và đầu ra. Tác giả đã sử dụng phương pháp hồi quy Tobit để phân tích các nhân tố tác động đến độ đo hiệu quả này. Các biến được lựa chọn trong mô hình hồi quy gồm: BANKSIZE, TCTR (tổng chi phí/tổng doanh thu), DLR (tỷ lệ tiền gửi/cho vay), ETA (vốn chủ sở hữu/tổng tài sản), LOANTA (tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản), NPL (nợ quá hạn/tổng dư nợ), FATA (tỷ lệ tư bản hiện vật/tổng tài sản). Kết quả rút ra là kết quả hoạt động tăng khi tổng tài sản tăng thể hiện qua mối quan hệ dương giữa biến BANKSIZE và hiệu quả hoạt động kinh doanh, hay nếu ngân hàng sử dụng tốt nguồn vốn huy động thì sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động qua biến DLR, thế nhưng không phải ngân hàng nào cho vay nhiều thì hiệu quả sẽ cao do biến LOANTA có quan hệ ngược chiều với hiệu quả kỹ thuật ước lượng … Từ đó tác giả đã đề xuất rằng trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM VN thì cần phải giảm thiểu rủi ro thanh khoản, tăng cường năng lực của cán bộ quản lý, cán bộ tín dụng, tăng cường và đa dạng hóa các đối tượng cho vay, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ mới để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tiếp theo đó, nghiên cứu của Liễu Thu Trúc và Võ Thành Danh (2012) cũng đã sử dụng phương pháp ước lượng tổng năng suất nhân tố TFP để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động thông qua hai loại hiệu quả: hiệu quả kinh tế và hiệu quả theo quy mô trên 22 NHTMCP trong 2006-2009. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu quả kinh tế của NHTMCP đang có xu thế tăng nhưng hiệu quả phân bổ và hiệu quả kỹ thuật đạt ở mức tương đối thấp… Và giải pháp được tác giả đưa ra là các NHTMCP cần tăng dần quy mô để đạt đến mức hiệu quả quy mô cao hơn; ngoài ra bên cạnh mục tiêu tăng doanh số cho vay, việc tiết giảm chi phí thậm chí còn quan trọng hơn để các NHTMCP đạt được hiệu quả hoạt động kinh doanh cao hơn. Hai nghiên cứu này sử dụng phương pháp đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh thông
qua yếu tố đầu vào - đầu ra, cách tiếp cận này mới so với cách tiếp cận truyền thống dựa trên các biến số tài chính ROA, ROE, NIM vẫn thường thấy trong các nghiên cứu trước đó.
Theo nghiên cứu (Nguyễn Kim Thu và Đỗ Thị Thanh Huyền 2014) phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thu nhập lãi thuần của các ngân hàng thương mại việt nam bao gồm: vị thế ngân hàng, mức ngại rủi ro, rủi ro tín dụng, tương tác giữa rủi ro tín dụng và rủi ro lãi suất, chi phí lãi suất ngầm và chất lượng quản lý. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức ngại rủi ro có quan hệ tỷ lệ thuận với tỷ lệ thu nhập lãi thuần, rủi ro tín dụng cũng có ảnh hưởng tỷ lệ thuận lên tỷ lệ thu nhập lãi thuần, chất lượng quản lý có quan hệ tỷ lệ nghịch với tỷ lệ thu nhập lãi thuần, chi phí lãi suất ngầm có quan hệ tỷ lệ thuận với tỷ lệ thu nhập lãi thuần; biến tương tác giữa rủi ro tín dụng và rủi ro lãi suất không có quan hệ với tỷ lệ thu nhập lãi thuần; không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong tỷ lệ thu nhập lãi thuần giữa các ngân hàng thương mại nhà nước và các NHTMCP Việt Nam. Phương pháp nghiên dựa trên mô hình của Ho và Saunders (1981) và các phát triển tiếp theo trong nghiên cứu của McShane và Sharpe (1985) và Angbazo (1997). Ngoài ra biến giả cũng được sử dụng để tính toán sự khác biệt trong tỷ lệ thu nhập lãi thuần giữa SOCBs và JSCBs.
Luận án tiến sỹ của tác giả Châu Đình Linh (2017), “Mức độ ảnh hưởng của nợ xấu đến hiệu quả ngân hàng tại hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam”. Nghiên cứu đã đo lường hiệu quả ngân hàng qua mô hình hiệu quả chi phí DEA (cost efficiency DEA). Xác định mức độ ảnh hưởng của nợ xấu đến hiệu quả chi phí tại hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong thời kỳ nghiên cứu. Nghiên cứu cũng đã hệ thống hoá (i) Hiệu quả và hiệu quả ngân hàng; (ii) cách tiếp cận tham số và tiếp cận phi tham số trong đo lường hiệu quả ngân hàng; (iii) phương pháp đo lường hiệu quả ngân hàng theo cách tiếp cận phi tham số DEA; (iv) các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả ngân hàng; (v) và cơ sở lý thuyết về mối quan hệ giữa nợ xấu với hiệu quả ngân hàng.
Ở nước ngoài, nghiên cứu của Huong Minh To and David Tripe (2002) trong đó kết quả cho thấy thời gian hoạt động thể hiện kinh nghiệm và bề dày hoạt động của ngân hàng nước ngoài có ảnh hưởng đáng kể đến quy mô, lợi nhuận, tăng trưởng tài sản của ngân hàng đó. Một nghiên cứu khác nữa là của Heffernan và Fu (2008) đã lựa chọn biến phụ thuộc đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng gồm EVA (economic value added), NIM, ROAA và ROAE. Và các biến độc lập được đưa vào mô hình định lượng của bài nghiên cứu là CI (cost to income), EA (equity/total assets), LIQ (liquid assets/deposit plus short-term funding), LLR (loan loss reserves/gross loan, LOGTA (logarit tự nhiên của tổng tài sản), NLA (dư nợ cho vay/tổng tài sản), OIA (thu nhập hoạt động trên tài sản bình quân), tỷ lệ lạm phát và GDP. Kết quả bài nghiên cứu đưa ra là chỉ số CI có quan hệ có ý nghĩa ngược chiều với các biến phụ thuộc ngoại trừ ROA, biến tổng tài sản lại không có quan hệ có ý nghĩa với hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng, chỉ số LLR thì có quan hệ có ý nghĩa cùng chiều với các biến phụ thuộc, đặc biết GDP và tỷ lệ lạm phát có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Trung Quốc…
Kế thừa và phát huy từ các nghiên cứu trong và ngoài nước, tác giả áp dụng nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng TNHH Indovina trong bối cảnh tại Việt Nam. Thời gian nghiên cứu sau cuộc khủng hoảng kinh tế (2010 – 2018). Các biến trong mô hình nghiên cứu được xác định dựa trên cơ sở các nghiên cứu của Nguyễn Việt Hùng (2008); Nguyễn Kim Thu và Đỗ Thị Thanh Huyền 2014); Heffernan và Fu (2008). Tuy nhiên, nghiên cứu của chính tác giả chỉ ở phạm vi một ngân hàng nên biến Quy mô ngân hàng không được chọn và phương pháp để xác định sự ảnh hưởng của các nhân tố đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của IVB là phương pháp bình phương nhỏ nhất (OLS). Đồng thời, để đảm bảo kết quả nghiên cứu không bị chệch và hiệu quả, các kiểm định về khuyết tật của mô hình được sử dụng và đặc biệt là kiểm định về tính đồng liên kết của các biến trong mô hình (Bounds Test) sẽ được thực hiện.