a) Định giá doanh nghiệp
Một câu hỏi luôn được các cấp QTDN đặt ra khi tiến hành M&A với DN khác đó là mua ở mức giá bao nhiêu thì có lợi nhất? Và việc định giá DN cũng sẽ ảnh hưởng tới quyết định “mua hay từ bỏ” thương vụ này. Nên việc định giá DN thường được các bên tham gia thương vụ M&A rất quan tâm.
Thông thường, các bên trong thương vụ M&A đều có cách đánh giá khác nhau về giá trị DN bị M&A: bên bán có khuynh hướng định giá công ty của mình ở mức cao nhất có thể, trong khi bên mua sẽ cố gắng trả giá thấp nhất trong khả năng có thể. Để đưa ra một mức giá công bằng và được các bên chấp nhận, các chuyên gia đã đưa ra nhiều phương pháp định giá DN và mỗi phương pháp cho một đáp án khác nhau, con số cao nhất có thể cách xa con số thấp nhất. Tuy nhiên, trong hoạt động M&A, giá trị của một DN
(Value) được “định” với một số giả thuyết chủ quan, khác với giá (Price) là giá trị thuận mua vừa bán. Mức giá các nhà QTDN quan tâm là mức giá cuối cùng mà người mua và người bán có thể gặp nhau. Mục đích định giá của bên mua và bên bán là chỉ để tính bài toán giá trị với một số giả thuyết chủ quan tương đối hợp lý, nhưng sẽ có lợi cho bên họ để làm khởi điểm cho cuộc thương thuyết M&A. Các nhà QTDN sẽ giao cho các chuyên gia định giá làm công việc định lượng này nhưng giá cuối cùng của thương vụ thường được quyết định bởi những yếu tố định tính.
•Trong các phương pháp định giá DN, giá trị lớn nhất của DN là con người thì thường chưa được tính đến – một điểm bất cập trong các phương pháp định giá. Chính vì vậy, nhân sự, hệ thống tổ chức quản lý, văn hoá DN là những yếu tố không dễ dàng định lượng nhưng lại là giá trị định tính được thuyết phục trong cuộc thương thuyết M&A. Mặc dù vậy, bên mua hay sáp nhập không thể coi nhẹ việc định giá DN bằng định lượng vì đấy là giá khởi đầu cho một thương vụ M&A.
b) Định giá thương hiệu
Giá trị thương hiệu là một yếu tố vô hình, giá trị này chỉ có thể định được ở một mức độ tương đối cho những DN đã có một quá trình hoạt động ổn định lâu dài và đã được niêm yết. Việc định giá thương hiệu một cách chính xác là vô cùng quan trọng trong quá trình đàm phán và quyết định giá cuối cùng cho cả hai bên khi tiến hành M&A. Vì nếu bên mua hay nhận sáp nhập không nắm bắt được chính xác giá trị thương hiệu DN, bên bán có thể đưa ra mức giá chào bán quá cao so với thực tế và rất khó đi đến một mức giá chung. Có nhiều cách định giá thương hiệu, có thể tính giá trị thương hiệu bằng tổng giá trị cổ phiếu của công ty trừ đi tổng giá trị tài sản, hoặc theo cách tính dựa trên tổng giá trị thu nhập hàng năm cho một khoảng thời gian trong tương lai. Hoặc cũng có thể tính giá trị thương hiệu giống như ngân hàng Vietcombank định giá bằng cách lấy giá trung bình của các nhà đầu tư nước ngoài nộp thầu trừ cho tổng giá trị tài sản của Vietcombank. Tuy nhiên,
đây cũng chỉ là một cách tính tương đối vì giá trị tài sản cũng chỉ được định ở một mức độ tùy theo từng cách tính.