Tổng quan các công trình nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập ròng từ dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh lâm đồng (Trang 25 - 29)

2.5.1. Tổng quan nghiên cứu nước ngoài

Nghiên cứu các ngân hàng tại các quốc gia phát triển

Molyneux và Thornton (1992) đã nghiên cứu lợi nhuận của ngành ngân hàng của các nước khác nhau. Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu của khoảng 18 quốc gia châu Âu trong giai đoạn 1986-1989. Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ tích cực đáng kể giữa lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và các mức lãi suất, quyền sở hữu của ngân hàng trung ương và chính phủ.

Dietricha và Wanzenried (2010) nghiên cứu yếu tố quyết định lợi nhuận ngân hàng (yếu tố của ngân hàng cụ thể, yếu tố ngành và môi tường kinh tế vĩ mô) trước và trong cuộc khủng hoảng ở Thụy Sĩ từ 1999 – 2009 cho 453 NHTM. Tác giả sử dụng biến phụ thuộc là lợi nhuận ròng/tổng tài sản bình quân và lợi nhuận ròng/tổng vốn chủ sở hữu bình quân để đánh giá lợi nhuận ngân hàng. Các biến độc lập được sử dụng trong bài nghiên cứu gồm: 12 biến ngân hàng cụ thể (vốn chủ sở

hữu/tổng tài sản, tỷ lệ thu nhập – chi phí, dự phòng rủi ro tín dụng/tổng dư nợ, tốc độ tăng trưởng tiền gửi hàng năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng của thị trường, quy mô ngân hàng, tổng thu nhập từ lãi/tổng thu nhập, tuổi ngân hàng, hình thức sở hữu ngân hàng, quốc tịch, vùng miền, loại ngân hàng), 6 biến kinh tế vĩ mô (thuế, tăng trưởng dân số, tăng trưởng GDP thực, LIBOR 6 tháng, vốn hóa thị trường chứng khoán, tỷ lệ ngân hàng tập trung). Kết quả nghiên cứu cho thấy, tác động tiêu cực của dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng dư nợ đến lợi nhuận là lớn hơn trong cuộc khủng hoảng. Hơn nữa, nếu dư nợ cho vay của ngân hàng đang phát triển nhanh hơn so với thị trường thì sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận, ít nhất là trước cuộc khủng hoảng. Các biến kinh tế vĩ mô và các yếu tố ngành trong phân tích có một tác động đáng kể đến các biến phụ thuộc. Kết quả nghiên cứu này cho thấy góc nhìn toàn diện về các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM. Nhân tố được chia thành 02 nhóm bao gồm ảnh hưởng của các chỉ tiêu tài chính và các yếu tố vĩ mô. Trong nghiên cứu này không sử dụng chỉ tiêu thu nhập lãi ròng của NHTM để đo lường hiệu quả hoạt động thay vào đó nghiên cứu có đề cập đến tổng thu nhập từ lãi/tổng thu nhập, tỷ lệ thu nhập – chi phí ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà trực tiếp có mối quan hệ với lợi nhuận ròng của các NHTM. Nghiên cứu trong phạm vi hoạt động chung của các NHTM song chưa nhắc đến đối tượng cụ thể là hoạt động ngân hàng bán lẻ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên nội dung của nghiên cứu này là nền tảng kế thừa quan trọng trong nghiên cứu của tác giả khi nghiên cứu đối tượng cụ thể trong phạm vi không gian hẹp như chi nhánh BIDV Lâm Đồng.

Trujillo-Ponce (2013) đã nghiên cứu các nhân tố nội sinh và ngoại sinh tác động đến lợi nhuận của NHTM ở Tây Ban Nha trong giai đoạn từ 1990 đến 2009. Kết quả nghiên cứu cho thấy lợi nhuận của ngân hàng được lượng hoá bởi chỉ số ROA (được tính bằng tỷ số giữa lợi nhuận và tổng tài sản của ngân hàng) chịu tác động cùng chiều của tỷ lệ dự phòng rủi ro trên tổng dư nợ (LLP_TL), tỷ lệ lợi nhuận ngoài lãi trên tổng tài sản (NII_TA), tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản (EQ_ASS), logarit tự nhiên của tổng tài sản (LNTA), logarit tự nhiên của tổng sản

phẩm trong nước (LNGDP), sự tăng trưởng của cung tiền (MSG), tỷ lệ lạm phát hàng năm (INFL); chịu tác động ngược chiều của tỷ lệ chi phí ngoài lãi trên tổng tài sản (NIE_TA). Tuy nhiên các yếu tố ngoại sinh như LNGDP, MSG, INFL có tác động đến ROA ít hơn so với tác động của các biến nội sinh. Kết quả nghiên cứu của tác giả chỉ đo lường hiệu quả hoạt động của ngân hàng thông qua tỷ lệ lợi nhuận ròng, lợi nhuận ngoài lãi trên tổng tài sản (NII_TA). Tuy nhiên qua việc đo lường này cũng thấy được phần nào ảnh hưởng của các nhân tố đến thu nhập lãi ròng/tổng tài sản. Mô hình này là căn cứ quan trọng đối với nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập lãi ròng của các NHTM nói chung và thu nhập lãi ròng từ hoạt động ngân hàng bán lẻ nói riêng.

Petria N, Capraru B, Ihnato I (2015), nghiên cứu này đánh giá các yếu tố quyết định đến khả năng sinh lời của các ngân hàng trong khối EU giai đoạn 2004- 2011. Các nhà khoa học đã chia các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng thành hai nhóm lớn: các yếu tố ngân hàng (nội bộ), yếu tố ngành công nghiệp và kinh tế vĩ mô (bên ngoài). Nghiên cứu lấy các chỉ số đại diện cho lợi nhuận các ngân hàng bao gồm lợi nhuận trên tài sản bình quân (ROAA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE). Các kết quả thực nghiệm phù hợp với các kết quả mong đợi. Tín dụng và rủi ro thanh khoản, hiệu quả quản lý, đa dạng hóa kinh doanh, tập trung thị trường / đối thủ cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế có ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng cả ROAA và ROAE. Một kết quả thú vị và có giá trị là ảnh hưởng tích cực của cạnh tranh đến lợi nhuận ngân hàng trong khối EU.

Nghiên cứu các ngân hàng tại các quốc gia đang phát triển

Alper và Anbar (2011) thực hiện nghiên cứu tác động của các biến cụ thể cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô đến lợi nhuận của NHTM ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2002 đến năm 2010. Tác giả sử dụng 2 biến phụ thuộc để đo lường lợi nhuận ngân hàng là lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), các biến độc lập được chia làm 2 loại biến là biến đặc điểm ngân hàng cụ thể và biến chỉ số kinh tế vĩ mô. Các biến đặc điểm ngân hàng cụ thể là các chỉ số tài chính ngân hàng như quy mô ngân hàng, vốn chủ sở hữu, cho vay khách hàng, tính thanh

khoản, tiền gửi của khách hàng và cấu trúc thu nhập – chi phí; các biến kinh tế vĩ mô là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân thực tế hàng năm, lạm phát và lãi suất thực. Kết quả nghiên cứu cho thấy ROA có mối tương quan thuận với quy mô ngân hàng và chỉ số thu nhập ngoài lãi vay. ROA cũng có tương quan nghịch với khoản cho vay khách hàng.Trong khi đó, ROE có mối tương quan thuận với quy mô ngân hàng và có mối tương quan nghịch với lãi suất thực. Công trình nghiên cứu này là một trong những công trình nghiên cứu cơ bản nền tảng đối với nghiên cứu đến đo lường hiệu quả hoạt động của NHTM. Nghiên cứu chưa làm rõ cơ cấu lợi nhuận và chi phí của doanh nghiệp đặc biệt là thu nhập lãi ròng và phi lãi. Do đó tính kế thừa trong nghiên cứu của tác giả chỉ là một số chỉ tiêu cơ bản thường xuất hiện là các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời và các yếu tố vĩ mô.

Ali K, Akhatar F. M và Ahmed Z.H (2011) đã nghiên cứu các chỉ số tài chính và chỉ số kinh tế vĩ mô tác động đến lợi nhuận của NHTM Pakistan giai đoạn 2006 – 2009. Các tác giả sử dụng hai biến phụ thuộc là lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Nghiên cứu sử dụng 6 biến độc lập là các chỉ số tài chính của các ngân hàng như quy mô ngân hàng, hiệu quả hoạt động, vốn chủ sở hữu, rủi ro tín dụng, hiệu quả quản lý tài sản, cấu trúc danh mục đầu tư. Hai biến độc lập đại diện cho các yếu tố kinh tế vĩ mô là GDP và lạm phát. Dữ liệu nghiên cứu là NHTM Pakistan giai đoạn 2006 – 2009 bao gồm 88 mẫu quan sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy ROA và ROE có mối quan hệ tương quan thuận với hiệu quả quản lý tài sản và tốc độ tăng trưởng GDP; ROA có mối tương quan nghịch với vốn chủ sở hữu, rủi ro tín dụng và lạm phát; ROE có mối tương quan nghịch với biến hiệu quả hoạt động. Nghiên cứu này phản ánh được ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô và nội tại ngân hàng đến hiệu quả hoạt động; tuy nhiên đo lường hiệu quả hoạt động trong nghiên cứu này là hiệu quả sử dụng tài sản và hiệu quả sử dụng vốn song chưa nhắc đến cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng thương mại như lợi nhuận lãi ròng, lợi nhuận phi lãi.

Shingjergji và Hyseni (2015) đã thực hiện nghiên cứu đề tài liên quan đến hệ thống ngân hàng Albania. Hệ thống ngân hàng Albania đã có chuyển biến đáng kể

trong 23 năm; vào năm 1992 toàn hệ thống chỉ có 3 ngân hàng quốc doanh nhưng cho đến năm 2014 đã có 16 ngân hàng tư nhân. Mục đích của nghiên cứu là phân tích các yếu tố quyết định chính đến các chỉ tiêu tỷ lệ an toàn vốn trong hệ thống ngân hàng Albania sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong nghiên cứu này sử dụng một mô hình hồi quy bình phương nhỏ nhất thông thường để kiểm tra mối quan hệ giữa các biến phụ thuộc và độc lập với dữ liệu được thu thập hàng quý, từ quý đầu tiên của năm 2007 cho đến ba tháng cuối của năm 2014 với tổng cộng 31 quan sát. Biến phụ thuộc là tỷ lệ an toàn vốn (CAR); các biến độc lập là lợi nhuận trên tài sản (ROA), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ lệ nợ xấu (NPL), quy mô của ngân hàng (tổng tài sản), hệ số vốn chủ sở hữu (EM) và tỷ lệ cho vay với tiền gửi (LTD). Kết quả cho thấy rằng chỉ số lợi nhuận như ROA và ROE không có bất kỳ ảnh hưởng đến CAR; trong khi nợ xấu, LTD và EM có tác động tiêu cực và đáng kể đối với CAR trong hệ thống ngân hàng Albania. Quy mô ngân hàng có tác động tích cực đến CAR, có nghĩa là các ngân hàng có quy mô lớn có hệ số CAR cao hơn.

Như vậy, đã có rất nhiều các nghiên cứu ở nước ngoài nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Nhưng các nghiên cứu này thường nghiên cứu chung cho toàn hệ thống ngân hàng của một quốc gia hoặc của nhiều quốc gia. Chưa có nghiên cứu nào đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của một NHTM cụ thể. Đặc điểm chung của các nghiên cứu này xem xét ảnh hưởng của các yếu tố nội tại của ngân hàng, các yếu tố kinh tế vĩ mô và môi trường pháp lý đến lợi nhuận của ngân hàng. Kết quả nghiên cứu thực hiện là khác nhau do mẫu nghiên cứu và môi trường nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, đặc điểm chung của các nghiên cứu đã cho phép phân loại các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập ròng từ dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh lâm đồng (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)