Quan sát thời điểm một người lìa đời để tìm dấu hiệu của linh hồn cũng là ý tưởng mà nhiều nhà khoa học khác quan tâm. Trong một nghiên cứu công bố năm 2009, TS Lakhmir S. Chawla, Đại học George Washington (Mỹ) đã theo dõi 7 trường hợp bệnh nhân giai đoạn cuối khi bác sĩ ngừng các phương tiện trợ sinh (thuốc, máy thở) để họ ra đi nhẹ nhàng. Chawla quan sát chỉ số BIS (chỉ số lưỡng phổ, có giá trị
từ 0 - 100, tương ứng với từng mức độ từ hôn mê sâu đến tỉnh táo hoàn toàn). Khi chưa ngừng thiết bị trợ sinh, BIS ở mức xấp xỉ 40 hoặc cao hơn. Khi ngừng thiết bị, BIS giảm xuống dưới 20 trong vài phút và tim ngừng đập. Nhưng điều bất ngờ là sau đó, chỉ số BIS ở cả 7 bệnh nhân chết tim đều tăng vọt lên mức từ 60 - 80. Thời gian này kéo dài từ 1 - 20 phút rồi đột ngột giảm và về gần mức 0.
Một nghiên cứu khác của David Auyoung ở Trung tâm Y khoa Virginia Mason, Mỹ, mô tả 3 bệnh nhân tổn thương não. Trước khi ngừng thiết bị trợ sinh, BIS của cả 3 người ở mức xấp xỉ 40, trong đó có một người BIS gần bằng 0. Sau khi rút thiết bị, BIS tăng vọt lên gần 80 và ở mức này trong 30 - 90 giây, sau đó giảm thẳng về gần 0. Bệnh nhân được tuyên bố là đã chết.
Những kết quả nghiên cứu này khiến giới khoa học rất băn khoăn. Điều bí ẩn là tại sao hoạt động điện não có thể bùng nổ sau thời điểm rút
thiết bị trợ sinh, khi mà các mô não đã chết về mặt chuyển hóa, không còn nhận được máu và oxy. Một số quan điểm cho rằng, nguyên nhân là do mức kali ngoại bào dư thừa dẫn đến hiện tượng này. Quan điểm khác nghi ngờ nguyên nhân là hiện tượng chết nơ-ron do canxi. Tuy nhiên, mọi cách giải thích đến nay đều chưa làm thỏa mãn các nhà nghiên cứu.
Hiện tượng bùng nổ hoạt động điện não trước khi chết càng khiến một số người tin vào giả thuyết này cũng như sự tồn tại của linh hồn.