Sau khi Đại sư Hoằng Nhất đến chùa Thừa Thiên liền cùng với Hoà thượng Chuyển Trần dẫn một số người lên núi. Ngài vào trong động xem xét kỹ lưỡng, nét mặt nghiêm trang, tán thán: "Cảnh định này các bậc Đại Đức từ xưa đến nay rất hiếm có", liền đến trước Sư, khẻ búng ngón tay ba lần. Mọi người theo gót Hoà thượng Chuyển Trần hướng về phía động đá Bích Tiêu tham quan. Động Bích Tiêu là nơi ẩn tu của Lão Hoà thượng Hoằng Nhân, - Pháp sư của Ngài Quảng Khâm. Lão Hoà thượng và Ngài đã cùng hẹn nhau tu khổ hạnh tại núi này; một người tu thiền ở động phía dưới núi, một người tu niệm Phật ở động phía trên. Mọi người lên tới động Bích Tiêu,
trong lúc pha trà chưa xong thì Sư đã xuất định, đi lên núi ra mắt đảnh lễ Đại sư Hoằng Nhất, Hoà thượng Chuyển Trần và Hoà thượng Hoằng Nhân.
Ngài Hoằng Nhất khiêm tốn không tự cho là trưởng bối, cũng đáp lễ lại với Sư. Sư nói: "Đại Sư đến đây, xin được biết có điều gì dạy bảo? " Ngài
Hoằng Nhất trả lời: "Không dám! Không dám! Phiền nhiễu việc tu hành của Sư, thật đắc tội". Cùng nhau hàn huyên một lúc, Ngài Hoằng Nhất thấy sự tình đã xong ổn nói với Sư: "ở đây chẳng có việc gì, xin thỉnh Sư trở lại an nghỉ".
Suýt chút nữa ngọn lửa lấy đi sinh mạng. Đại định chấn động thế gian, chỉ đôi câu nói giản đơn và mọi sự trôi qua. Ngài Hoằng Nhất ngại làm phiền thêm việc tu hành của Sư, bèn lần theo con đường nhỏ ở núi sau, đi vòng ra khỏi núi. Quả là từ xưa đến nay những bậc đại đức tu hành đều giản đơn thuần phác như vậy, khiêm cẩn mà chu đáo.
Sư từ sau lần nhập đại định ấy vẫn nhất mực sách tấn, nỗ lực tham thiền cho đến khi chứng đạo, ở trong động trước sau mười ba năm. Đối với nhiều người, đừng nói chi sống một mình gian khổ 13 năm trong núi, ngay ở trong nhà đầy đủ tiện nghi mà một mình đối diện với chính mình, cô tịch trong vòng một ngày đêm cũng đã thấy rất bực bội, huống gì một mình ngồi trong động núi hoang vắng suốt 13 năm? Chỉ xét về cái năng lực chịu nổi sự vắng lặng đã là điều mà hạng phàm phu chúng ta không thể tưởng tượng. Lại còn nội tâm thể nghiệm cả một quá trình chịu đựng cái khó chịu đựng, làm nổi
cái khó làm. Dĩ nhiên, cảnh giới chứng đắc trong đó Pháp sư tự tại an lạc trong pháp hỷ đâu phải là cái cảnh mà chúng ta có thể hình dung được, và chúng ta cũng không có cách gì cùng chia sẻ với Người. ấy là cái phần thưởng đền bù cho công tu khổ hạnh của Người. Quy luật trong thiên nhiên xưa nay vốn bình đẳng, cái mất ở chỗ này sẽ tìm thấy nó ở nơi khác, không thể cùng một lúc có được cả hai. Việc tu hành cũng vậy, không có bất kỳ
tiện nghi (ưu tiên) nào để mà chiếm, cũng không có thể cho sự xảo trá giả dối; tất cả phải đi từng bước thực tiễn, cày cấy được bao nhiêu thì thu hoạch được bấy nhiêu.
Sau khi chứng ngộ Người thường suy nghĩ: nếu không xuống núi độ sanh thì cũng giống như cửa động bị đá chắn, dù cho bên trong có vật gì quý báu cũng không đem ra được để cho thế nhân cùng thọ hưởng, cùng lắm là tự túc cho riêng mình và chỉ làm một con người ích kỷ mà thôi. Như vậy thì không những phụ ơn Phật mà còn trái với thệ nguyện ban đầu. Thế là Người kiên
quyết dẹp bỏ cái khối đá trong lòng, mạnh dạn hướng về chúng sinh trong biển khổ, làm thuyền từ hải đăng cứu độ.
Lúc bấy giờ đúng vào năm 1945, năm kháng chiến chống Nhật thắng lợi, Người đã 55 tuổi. Sau khi Người trở về chùa Thừa Thiên, tự nhiên nổi lên dư luận xôn xao trong đại chúng, có người nhìn "con người sơn động" quần áo lam lũ trước mặt mình với đôi mắt hiếu kỳ, có kẻ nhìn bằng đôi mắt hoài nghi; thử hỏi con người tầm thường, mặt mày trông chẳng có gì gọi là thoát tục như Sư làm sao có thể chứng ngộ một cách siêu việt? Nhưng đa số đồng đạo nhìn Sư với ánh mắt thương cảm và kính phục. Người ta chú ý nhất ở chỗ: áo Sư ba cái vá thành một cái, kín bên này thì trống bên kia, ăn một bữa thay cho ba bữa, mà còn bữa có bữa không; trong lòng ai nấy đều lấy làm cảm khái "tu khổ hạnh đâu phải là chuyện dễ!" Sư chẳng quan tâm người ta nhìn mình bằng đôi mắt như thế nào, nói với mình bằng lời nói ra sao; vẫn giữ thái độ trung hậu, khiêm cung, nét mặt hoà ái với mọi người, không thấy có gì khác biệt khi chưa lên núi và sau khi xuống núi. Sư vẫn y nhiên làm công việc của mình: ban ngày cùng với đại chúng chấp tác công việc, chiều lại lên chánh điện toạ thiền, an nhiên tự tại. Nhìn bề ngoài chẳng thấy Sư biểu lộ vẻ gì rạng rỡ sau mười ba năm gột rũa!
---o0o---