Do số người ngưỡng mộ càng ngày càng nhiều, Hoà thượng thường cần có thời gian tịnh khẩu, nhưng khi tịnh khẩu vẫn không ngăn được số người lên bái kiến. Đến thứ bảy hay ngày nghỉ đều có những người lần theo bậc đá lên núi, đi ba bước lạy một lạy. Bọn họ hoặc năm ba người hoặc vài chục người hoặc vài trăm người; già có trẻ có, nam có nữ có, cũng có người tàn tật. Ai nấy đều hết lòng thành kính niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà hoặc Bồ Tát Địa Tạng; bất kể trời nắng gay gắt hay gió rét, mưa thu .... họ đều cúi lạy hoặc bò trên đất mà lên, cứ như thế hơn ba tiếng đồng hồ. Lên tới núi họ cúi đầu, vẫy gọi chào Hoà thượng, hoặc được Hoà thượng xoa đầu hỏi thăm vào câu đơn giản; thế là thiên hạ như gặp được của báu, lòng mừng hớn hởn.
Cũng có nhiều phật tử xuất gia hay tại gia chuyên nghiên cứu Phật pháp, đem những điều họ nghi hoặc từ bao năm chưa đả thông được lên núi nhờ Người trực tiếp chỉ dạy. Một vị sư hỏi:
- Khi đóng cửa ẩn tu, có phải càng lúc càng ăn ít đi?
- Không phải vậy, phải bình thường theo lẽ tự nhiên, không nên câu chấp, không còn cái "ta" ấy mới gọi là đóng cửa; còn cái "ta" còn có ý niệm "ăn nhiều ăn ít" thì chẳng phải là tu hành mà là chấp trước.
Có người hỏi: "Người mới xuất gia phải tu như thế nào?"
- Trước tiên phải tu khổ hạnh, tức là: ăn đạm bạc, mặc thô sơ, siêng năng làm việc, bất luận gánh nước, khuân vác, trồng rau, dọn nhà vệ sinh, bửa củi, đun nước vv... đều phải làm; làm nhiều việc nặng nhọc thì trí huệ mới dễ khai mở. Một người khi mới vào chùa phải làm cho tâm an trụ, tốt nhất là chuyên niệm Phật A-Di-Đà.
Hỏi: "Làm việc nặng nhọc là tu khổ hạnh hay sao?".
Đáp: "Nhất thiết không so đo tính toán; trong sinh hoạt hằng ngày không
khởi tâm phân biệt, ấy là tu khổ hạnh".
- Đóng cửa nhập thất có khi không muốn ăn cho nên không ăn, như vậy có được không?
- Cố ý không ăn thì hoả khí bốc lên, không thể tu được; ý nghĩ không muốn ăn khởi lên, như vậy là còn chấp trước, không muốn ăn là còn cái ta không muốn ăn.
- Có lúc không ăn lại cảm thấy nhẹ nhàng.
- Đó chỉ là hiện tượng thoải mái tạm bợ trong vài ngày, vì chúng ta chưa đạt đến chỗ nhất tâm bất loạn, một niệm không sinh, cho nên chấp ý "không ăn", thân thể suy nhược dần.
Trừ những người lên núi tham bái hỏi đạo nối tiếp nhau không dứt trên đường, ngoài ra trong chùa cứ mỗi lần đến ngày sinh nhật của Hoà thượng, mỗi tháng bảy đại hội tín đồ có tuần niệm Phật, mỗi tuần lễ đầu tháng có Pháp hội "Đại bi sám", vào những dịp này cũng đông nghẹt tín chúng. Trong chùa bất luận kẻ già người trẻ, vì tinh thần độ chúng mà ai nấy đều bận rộn rối rít, không khí thật là vui.
Có một tăng nhân thường trú trong chùa cảm thấy ngã chấp của mình quá nặng không phá trừ ngay được. Một hôm đến quỳ trước Người, khẩn cầu xin dạy cho cách gì để khắc phục, Người nhận lời; vị thường trú vui mừng khôn xiết. Một hôm nhằm ngày Pháp hội, đại chúng đang lúc bận rộn bỗng nghe Sư quở trách vị ấy trước mặt mọi người. Không ai rõ lý do, chỉ cảm thấy có cái gì đó khác thường, vì Người từ trước đến giờ chưa khi nào lớn tiếng mà chỉ ôn tồn dạy bảo riêng. ít lâu sau, thấy ông thường trú thu xếp hành trang quỳ trước Sư, nước mắt dầm dề xin từ giã ra đi. Hoà thượng cười bảo: "Ông
đã không nhờ tôi giúp ông phá ngã chấp đấy ư? Tại sao chỉ vì đôi lời châm chích mà đã muốn ra đi!". Ông ta bỗng như tỉnh mộng, gạt nước mắt cười,
cúi đầu đảnh lễ rồi lui ra.
Đôi khi cũng có kẻ nói xấu người khác trước mặt Sư: "Bạch Hoà thượng, Pháp sư X... lấy tiền Tam Bảo đem xuống miền Nam mua đất xây chùa, xin Hoà thượng nên lưu ý".
Người đáp: "ồ! Chỉ xây một ngôi chùa ở miền Nam thì năng lực còn kém,
sao không xây cho thật nhiều, tốt nhất nên ra nước ngoài xây vài ngôi chùa".
Lời thị phi dừng lại trước người trí. Đối với những người chấp sự trợ lý bên dưới, Người đều tuyệt đối tin tưởng.
Hỡi những ai than rằng chùa không giữ được chúng, hãy nên làm theo gương Người thì tốt đẹp biết bao!