- 1521: Nguyên vật liệu chính 1522: Nguyên vật liệu phụ
1.8. Công tác kiểm kê nguyên liệu, vật liệu
Kiểm kê nguyên liệu, vật liệu ở các doanh nghiệp sản xuất nhằm xác định chính xác số lượng, chất lượng và giá trị từng danh mục nguyên liệu, vật liệu hiện có. Kiểm tra tình hình bảo quản, nhập xuất tồn và sử dụng vật liệu để phát hiện kịp thời và xử lý kịp thời các trường hợp hao hụt, hư hỏng, mất mát, ứ đọng, kém phẩm chất... Trên cơ sở đó đề cao trách nhiệm của người bảo quản, sử dụng nguyên liệu, vật liệu từng bước chấn chỉnh và đưa vào nề nếp công tác quản lý và hạch toán vật liệu ở đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động, hạ giá thành sản phẩm.
Công việc kiểm kê nguyên liệu, vật liệu phải tiến hành ít nhất mỗi năm một lần vào cuối năm trước khi lập báo cáo quyết toán năm do ban kiểm kê của doanh nghiệp thực hiện.
Kiểm kê nguyên liệu, vật liệu phải có kế hoạch. Sau khi thành lập ban kiểm kê, phải tổ chức khoá sổ để tính toán số lượng tồn của vật liệu trên sổ kế toán và trên thẻ vật liệu, dùng để đối chiếu với số liệu kiểm kê thực tế. Chính vì tính chất đặc biệt của vật liệu có thể được bảo quản không tập trung, không thể nhanh chóng
cân đo đong đếm do đó kiểm kê vật liệu không thể kiểm kê bất thường như tiền tệ được.
Phương pháp kiểm kê phải thích ứng với từng loại vật liệu. Cần sử dụng các phương tiện đo lường để tính ra khối lượng vật liệu tồn kho. Bên cạnh đó ban kiểm kê còn phải kiểm tra để xác định cả về mặt chất lượng của từng thứ nguyên vật liệu.
Trong quá trình kiểm kê phải lập biên bản kiểm kê vật liệu theo đúng mẫu quy định đối chiếu với tài liệu kế toán để xác định số thừa, thiếu, hư hỏng kém phẩm chất. Biên bản kiểm kê là chứng từ chủ yếu được sử dụng làm căn cứ để hạch toán kết quả kiểm kê.