Những pháp lý liên quan tới hoạt động bán hàng
Theo hệ thống chuẩn mực quốc tế, Doanh nghiệp vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế: Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS 15 “ Doanh thu từ các hợp đồng với khách hàng” được ban hành bởi Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế IASB vào tháng 05/2014 có hiệu lực áp dụng cho các năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2018. Chuẩn mực này giới thiệu một mô hình ghi nhận doanh thu duy nhất cho các hợp đồng với khách hàng.
Tại Việt Nam, trong lĩnh vực kế toán, hoạt động kinh doanh hàng hóa được hướng dẫn thực hiện bởi các quy định pháp lý sau:
Chuẩn mực kế toán:
- Chuẩn mực kế toán số 02: Hàng tồn kho (VAS 02).
Chế độ kế toán:
- Thông tư 200/2014/TT-BTC (hướng dẫn chế độ kế toán của doanh nghiệp).
- Thông tư 133/2016/TT-BTC (hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhở và vừa).
Khái niệm doanh thu
Theo chuẩn mực số 14 ban hành ngày 31/12/2001 của Bộ Tài Chính:
“Doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp thu được trong kì kế toán, phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu”.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là toàn bộ doanh thu bán hàng thực tế thực hiện trong một kì kế toán hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Bao gồm thu được tiền hoặc chưa thu được tiền sau khi doanh nghiệp đã giao sản phẩm, hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ cho khách hàng và được khách hàng chấp nhận thanh toán.
Doanh thu = Số lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ tiêu thụ trong kì x Đơn giá.
Nguyên tắc, điều kiện ghi nhận doanh thu: Doanh thu được hiểu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu (CMKT 14)
Nguyên tắc ghi nhận doanh thu:
Doanh thu bán hàng là một chỉ tiêu quan trọng trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp, phản ánh quy mô kinh doanh, khả năng tạo ra tiền của doanh nghiệp, đồng thời liên quan mật thiết đến việc xác định lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, trong kế toán việc xác định doanh thu phải tuân thủ các nguyên tắc kế toán cơ bản như sau:
- Cơ sở dồn tích: doanh thu được ghi nhận vào thời điểm phát sinh, không phân biệt đã thu tiền hay chưa thu tiền.
- Phù hợp: khi ghi nhận doanh thu phải ghi nhận một khoản chi phí phù hợp.
- Thận trọng: doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế.
- Một hợp đồng kinh tế có thể bao gồm nhiều giao dịch, kế toán phải nhận biết các giao dịch để áp dụng các điều kiện ghi nhận doanh thu phù hợp với quy định của Chuẩn mực kế toán “ Doanh thu”.
- Doanh thu phải được ghi nhận phù hợp với bản chất hơn là hình thức hoặc tên gọi của giao dịch và phải được phân bổ theo nghĩa vụ cung ứng hàng hóa, dịch vụ (ví dụ: trường hợp bán hàng tặng hàng thì bản chất giao dịch là giảm giá hàng bán, sản phẩm được tặng miễn phí cho khách hàng về hình thức gọi là khuyến mãi nhưng về bản chất là bán vì khách hàng sẽ không được hưởng nếu không mua sản phẩm).
- Đối với giao dịch làm phát sinh nghĩa vụ của người bán ở thời điểm hiện tại và trong tương lai, doanh thu phải được phân bổ theo giá trị hợp lý của từng nghĩa vụ và được ghi nhận khi nghĩa vụ được thực hiện.
- Doanh thu không bao gồm các khoản thu hộ bên thứ ba, ví dụ: các loại thuế gián thu phải nộp, các khoản phụ thu, phí thu thêm ngoài giá bán đơn vị không được hưởng.
Điều kiện ghi nhận doanh thu:
Theo CMKT 14 thì doanh thu được ghi nhận khi đồng thời thỏa mãn cả năm điều kiện: - Doanh thu đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm, hàng
hóa người mua.
- Doanh nghiệp không còn nắm giữ quyền quản lý, quyền kiểm soát hàng hóa. - Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn.
- Doanh nghiệp đã thu được hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ bán hàng. - Xác định được chi phí liên quan đến bán hàng.
Các phương thức bán hàng và cung cấp dịch vụ & Các phương pháp thanh toán
- Phương pháp bán hàng trực tiếp: Theo phương thức này, người bán giao hàng hóa trực tiếp cho người mua tại kho, quầy hay tại bộ phận sản xuất. Hàng hóa khi bàn giao cho người mua, được người mua thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán thì xem như đã được tiêu thụ.
- Phương pháp chuyển hàng, chờ chấp nhận: Là phương thức mà bên bán chuyển hàng cho bên mua đến một địa điểm ghi trong hợp đồng. Số hàng này vẫn thuộc quyền sở hữu của bên bán, chỉ khi nào được bên mua kiểm nhận, thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán thì số hàng chuyển giao mới được coi là tiêu thụ.
- Phương thức bán hàng trả chậm, trả góp: Theo hình thức này, người mua được trả tiền hàng thành nhiều lần. Doanh nghiệp thương mại, ngoài số tiền thu theo giá bán thông thường còn thu thêm người mua một khoản lãi do trả chậm.
- Phương thức bán hàng đại lý kí gửi: Theo hình thức này, doanh nghiệp giao hàng cho cơ sở đại lý, bên nhận đại lý sẽ trực tiếp bán hàng, thanh toán tiền hàng và được hưởng hoa hồng đại lý.
Các chính sách bán hàng
Bán hàng theo chương trình dành cho khách hàng truyền thống:
- Khi mua hàng hóa khách hàng được tích điểm thưởng, để khi đạt đủ số điểm theo quy định sẽ được một lượng hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc được giảm giá chiết khấu.
Bán hàng theo chương trình tặng hàng khuyến mãi, hàng làm mẫu:
- Tặng hàng mà không yêu cầu khách hàng phải mua hàng, ví dụ: tặng hàng khách hàng tiềm năng dùng thử
- Tặng hàng kèm theo yêu cầu khách phải mua hàng, ví dụ: khách mua 5 sản phẩm tặng thêm 1 sản phẩm.