Đối với tất cả các mục tiêu CTYTQG, công tác truyền thông GDSK đóng vai trò rất quan trọng và góp phần tích cực cho việc thực hiện các biện pháp chuyên môn kỹ thuật có hiệu quả nhằm xã hội hóa công tác y tế đặc biệt là trong PCSR. Mặc dù nhiều năm qua nước ta đã đạt được những thành quả to lớn trong PCSR, năm 2009 giảm 85% số ca mắc, 90% số ca tử vong và cơ bản khống chế không để dịch sốt rét xảy ra so với thời kỳ bùng nổ dịch sốt rét 1991-1992. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, nhất là di biến động dân giữa vùng sốt rét và không có sốt rét trong nước, giữa các vùng biên giới giáp Lào, Campuchia. Vùng SRLH nặng có dân di cư tự do, dân đi rừng, ngủ rẫy trong khi chúng ta chưa có biện pháp PCSR khả thi cho những nhóm dân này. Từ thực tế đó, hiện nay trọng điểm sốt rét vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, khu IV cũ, Đông Nam bộ - Lâm Đồng và một số tỉnh vùng núi phía Bắc nơi có nhiều khó khăn về mạng lưới y tế cơ sở cũng như điều kiện kinh tế và văn hóa còn hạn chế. Về khó khăn kỹ thuật, tác nhân gây bệnh sốt rét đã kháng hầu hết các thuốc sốt rét hiện dùng, các thuốc chống kháng có hiệu lực cao artemisinine mới đưa vào sử dụng đang có nguy cơ kháng trên diện rộng với KSTSR do P. falciparum, muỗi truyền bệnh sốt rét chính An. minimus, An. dirus cũng đang có xu hướng thay đổi tập tính hoạt động và giảm nhạy với hóa chất. Ý thức tự bảo vệ trong PCSR của người dân chưa cao, tỷ lệ dân nằm màn chống muỗi còn thấp, bên cạnh đó thiên tai, bão lụt thường xuyên xảy ra tạo điều kiện cho bệnh sốt rét phát triển và có khả năng gây dịch bất cứ lúc nào.
Việc tăng cường nâng cao chất lượng các biện pháp PCSR, cùng với việc xây dựng các yếu tố bền vững trong PCSR, trong đó thay đổi được nhận thức của người dân, từ nhận thức chuyển đổi sang hành vi chủ động PCSR và tự bảo vệ cho bản thân, gia đình, cộng đồng là thật sự cần thiết. Do đó, chiến dịch truyền thông
PCSR vào ngày 25-4 hàng năm đã trở thành điểm nhấn quan trọng nâng cao ý thức PCSR của người dân, nhiều hình thức truyền thông được sử dụng (cổ động, truyền thanh, giao lưu trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội thi PCSR, thảo luận nhóm, nói chuyện trực tiếp với cộng đồng, pano, áp phích, tranh lật, tranh lịch, tờ rơi…) đã đem lại hiệu quả không nhỏ trong PCSR.