Đặc điểm chung của mẫu nghiên cứu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chỉ số khối cơ thể và chu vi cơ tứ đầu đùi ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn ổn định (Trang 68 - 69)

4.1.1. Phân bố bệnh nhân theo tuổi

Nghiên cứu của chúng tôi được tiến hành trên 52 bệnh nhân nam BPTNMT giai đoạn ổn định sau khi hết đợt kịch phát điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu nội, Nội Trung Cao, Lão Khoa BVĐK tỉnh Bình Định và nhóm chứng gồm 52 người khỏe mạnh, cùng độ tuổi, cùng giới.

Tuổi trung bình của nhóm bệnh BPTNMT là 78,6 ± 6,45, tập trung chủ yếu ở độ tuổi > 75 chiếm tỷ lệ 69,2%, trong đó tuổi nhỏ nhất là 57, lớn nhất là 91 tuổi. Tuổi trung bình của nhóm chứng là 77,1 ± 5,60, tập trung chủ yếu ở độ tuổi > 75 với tỷ lệ 67,3%, trong đó tuổi nhỏ nhất là 63, lớn nhất là 87 tuổi. Phân bố theo nhóm tuổi giữa nhóm chứng và nhóm bệnh tương đối đồng đều. Không có sự khác biệt tuổi trung bình giữa nhóm chứng và nhóm bệnh (p > 0,05).

Kết quả của chúng tôi tương tự với kết quả nghiên cứu của Fritsch (75 ± 16) [43], và Kian-Chung Ong (70,8 ± 7,9) cũng như các tác giả trong nước và ngoài nước khác tuổi trung bình nói chung là > 60 tuổi [14],[41],[52], [54],[60].

Điều này có thể là do việc phát hiện sớm BPTNMT bằng phế dung kế chưa được thực hiện rộng rãi trong cộng đồng ở nhiều quốc gia nên khó phát hiện giai đoạn bắt đầu có sự biến đổi chức năng hô hấp ở bệnh nhân trẻ hút thuốc lá hoặc tiếp xúc các chất khí độc, vì lúc này bệnh nhân chưa có biểu hiện triệu chứng rõ và chưa biết mình mắc bệnh. Phần lớn BPTNMT được phát hiện khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng hoặc vào viện. Còn ở mẫu chúng tôi được tiến hành tại bệnh viện ở những bệnh nhân giai đoạn nặng, có cơn bộc phát cấp được điều trị ổn định nên tuổi trung bình thường cao hơn nhiều.

4.1.2. Phân bố bệnh nhân theo địa dƣ

Kết quả bảng 3.2 cho thấy theo nghiên cứu của chúng tôi nông thôn chiếm tỷ lệ 57,7% thành thị chiếm tỷ lệ 42,3%, tương tự kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Như Nguyện [15]. Trong khi đó theo Feixu và cộng sự nghiên cứu tỷ lệ lưu hành BPTNMT ở Nanjing Trung Quốc lại đưa ra kết luận rằng sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị không có ý nghĩa thống kê [42]. Sở dĩ có sự khác biệt này là do tác giả Feixu nghiên cứu ở cộng đồng, trong khi mẫu của chúng tôi còn nhỏ, lại tập trung ở bệnh viện trên những bệnh nhân vừa điều trị ổn định sau đợt kịch phát cấp. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy việc quản lý và điều trị dự phòng ngăn ngừa đợt bộc phát cấp theo GOLD chưa được quan tâm đúng mức nhất là ở khu vực nông thôn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chỉ số khối cơ thể và chu vi cơ tứ đầu đùi ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn ổn định (Trang 68 - 69)