biên giới phát sinh từ cháy rừng.
Theo tác giả Yulia Yamineva và Seita Romppanen (2017), ÔNMTKK là một vấn đề toàn cầu và các biện pháp pháp lý hiện tại không đáp ứng được yêu cầu giải quyết. Do đó, cần phải tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực với sự tham gia giữa các quốc gia và các bên liên quan để cải thiện chất lượng không khí. Một số nội dung hợp tác như: Tăng cường kiến thức và ảnh hưởng toàn cầu của ÔNMTKK; các nước đang phát triển cần cải thiện việc thu thập và giám sát dữ liệu, nâng cao năng lực và có cơ chế phối hợp; Chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển chính sách quốc gia về ÔNMTKK; Đối thoại chính sách về cách giải quyết ÔNMTKK toàn cầu.
Ở Việt Nam, vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới mới được quan tâm trong vài thập kỷ gần đây. Một số nghiên cứu có đề cập đến vấn đề này đã được thực hiện như nghiên cứu của tác giả Nguyễn Phúc Thủy Hiền (năm 2014) về “Nghĩa vụ kiểm soát ô nhiễm không khí tầm xa” cho rằng ô nhiễm từ một vùng thuộc chủ quyền của một quốc gia có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho những quốc gia láng giềng, thậm chí cho cả thế giới, do tính thống nhất của môi trường. Vì vậy, các quốc gia có nghĩa vụ kiểm soát và quản lý các nguồn thải trong phạm vi chủ quyền quốc gia có khả năng gây ô nhiễm môi trường xuyên biên giới và toàn cầu. Nghiên cứu cũng đưa ra dẫn chứng về hợp tác khu vực trong việc kiểm soát ÔNMTKK tầm xa ở châu Âu, nơi tình trạng mưa axit ở mức độ trầm trọng nhất. Từ năm 1975, Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu đã đề cập đến việc ban hành chính sách chung về kiểm soát ÔNMTKK, sau đó Công ước Geneva về ÔNMTKK tầm xa ban hành vào năm 1979.
Nghiên cứu của các tác giả Dương Hồng Sơn, Lê Ngọc Cầu, Lê Văn Quy, Lê Văn Linh (2015) về “Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của ÔNMTKK xuyên biên giới đến miền Bắc Việt Nam” cho thấy, vào mùa đông khoảng 40% - 50% nồng độ các chất ô nhiễm ở miền Bắc có nguồn gốc ngoài lãnh thổ từ phía Bắc và phía Đông Bắc. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả kiến nghị một số giải pháp như: cho phép xây dựng các đề tài, dự án chuyên sâu nghiên cứu về các vấn đề ÔNMTKK xuyên biên giới; tăng cường hợp
tác trong nghiên cứu và quản lý ÔNMTKK với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam...
2. KINH NGHIỆM GIẢI QUYẾT Ô NHIỄM GIẢI QUYẾT Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ XUYÊN BIÊN GIỚI CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
Pháp luật quốc tế về ÔNMTKK xuyên biên giới
Luật pháp quốc tế về ÔNMTKK xuyên biên giới còn rất phân tán. ÔNMTKK xuyên biên giới được giải quyết thông qua khung pháp lý của khu vực như Công ước CLRTAP năm 1979 về ÔNMTKK xuyên biên giới tầm xa, Hiệp định của các quốc gia Đông Nam Á về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới… Khung pháp lý liên quan đến ÔNMTKK cũng được tiếp cận theo ngành trong lĩnh vực hàng không và vận tải biển.
- Hàng không: Công ước Chicago năm 1994 về hàng không dân dụng quốc tế không đề cập rõ ràng đến vấn đề BVMT. Các tiêu chuẩn quốc tế (về khí thải động cơ máy bay, bao gồm khói (carbon đen) và khí thải hydrocacbon, carbon monoxide và NOx) được đưa vào các phụ lục của Công ước.
- Vận tải biển: Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã thông qua một số quy định nhằm giảm thiểu ÔNMTKK do vận chuyển quốc tế như tại Phụ lục VI của Công ước MARPOL có giới hạn kiểm soát phát thải đối với các chất ô nhiễm cụ thể, bao gồm SOx, NOx, PM và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Như vậy, luật pháp quốc tế về ÔNMTKK còn rời rạc, dẫn đến những khoảng trống đáng kể trong phạm vi địa lý, phương pháp tiếp cận khu vực hay ngành đều chưa có hiệu quả, không giải quyết
được các tác động toàn cầu của ÔNMTKK.
Kinh nghiệm giải quyết ô nhiễm không khí xuyên biên giới
Thông qua các nghiên cứu về thực tiễn một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Mexico, Canađa, Hồng Kông và Quảng Đông, để giải quyết ÔNMTKK xuyên biên giới, các quốc gia đã thực hiện ba nhóm hoạt động chính:
Thứ nhất, pháp luật đơn phương về kiểm soát ÔNMTKK. Mỹ, Mexico, Canađa, Hồng Kông và Quảng Đông đều đã có những chính sách, quy định pháp luật cụ thể nhằm kiểm soát ÔNMTKK tại từng quốc gia, hạn chế xảy ra ÔNMTKK xuyên biên giới.
Đạo luật giảm thiểu khói bụi ở biên giới của Mỹ năm 1998 cho phép các quan chức biên giới liên bang cấm các phương tiện đi lại ở biên giới nếu không được đăng ký ở California. Các xe đã đăng ký tại California phải kiểm tra Smog II định kỳ hàng năm.
Để đối phó với chất lượng không khí ngày càng xấu đi, chính quyền Quảng Đông đã thực hiện nhiều hành động cụ thể như các kế hoạch 5 năm về BVMT trong đó có nội dung về giảm ÔNMTKK; đánh thuế khí thải (lưu huỳnh điôxít (SO2) bị đánh thuế ở mức 200 NDT/tấn); cấm bán xăng pha chì vào năm 1997. Ngoài ra, bản sửa đổi Luật Phòng chống và Kiểm soát ÔNMTKK của CHND Trung Hoa (có hiệu lực từ tháng 9/2000) đã quy định biện pháp kiểm soát bổ sung đối với các phương tiện giao thông, khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch hơn. Một số điều khoản chính là: áp dụng phí phát thải; thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch (LPG,
khí đốt tự nhiên, điện); khử lưu huỳnh. Đặc biệt, Luật này quy định trách nhiệm pháp lý: Người gây ô nhiễm phải bồi thường cho các cá nhân hoặc nhóm người bị thiệt hại và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp nghiêm trọng mà hành vi vi phạm pháp luật về môi trường cấu thành tội phạm.
Thứ hai, hợp tác giữa các quốc gia cùng biên giới để giải quyết ÔNMTKK chung. Cũng như các quốc gia trên thế giới hợp tác chống ÔNMTKK trên toàn cầu, các quốc gia trên cũng đã hợp tác trong ngăn ngừa và giải quyết các vấn đề ÔNMTKK xuyên biên giới. Các hình thức hợp tác mà Mỹ - Mexico thực hiện khá phong phú, từ tiếp cận pháp lý đa phương cho đến hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ, xây dựng cơ sở hạ tầng môi trường và sự tham gia của khu vực tư nhân, phương pháp tiếp cận của Liên minh cùng các tổ chức, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề biên giới. Tại Hồng Kông và Quảng Đông thì đã xây dựng khung pháp lý chung về MTKK và hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ nhưng cũng chưa thật sự hiệu quả.
Thứ ba, áp dụng cơ chế Trọng tài trong giải quyết tranh chấp ÔNMTKK xuyên biên giới. Trường hợp tranh chấp do ÔNMTKK giữa Canađa và Mỹ là vụ việc đầu tiên được xét xử bởi các cơ quan tài phán quốc tế về bồi thường thiệt hại đối với hành vi gây ÔNMTKK xuyên biên giới.
Tranh chấp Trail Smelter do ÔNMTKK xuyên biên giới từ nhà máy luyện kim của Công ty khai thác và luyện kim Cominco ở Trail, British Columbia (tỉnh ở cực Tây của Canađa, tiếp giáp biên giới với Washington của Mỹ ở phía Nam) liên quan đến các chính phủ liên bang của cả Canađa và Mỹ. Khói từ lò luyện gây ra thiệt hại cho rừng, hoa màu xung quanh và cả qua biên giới Canađa – Mỹ khiến cư dân bức xúc, khiếu nại đến Cominco và yêu cầu bồi thường. Ban đầu Cominco đồng ý bồi thường 350.000 đô la cho người dân địa phương trước ngày 1/1/1932. Tuy nhiên, lời đề nghị này đã bị người dân địa phương từ chối, chính quyền Washington đã đưa ra trọng tài và được giải quyết vào năm 1941.
Phán quyết của trọng tài đã yêu cầu Cominco bồi thường thêm 78.000 đô la cho người dân và Cominco có trách nhiệm điều chỉnh và kiểm soát ô nhiễm mà ngành công nghiệp luyện kim tạo ra, nhà nước cần có các quy định quản lý thực thi đối với các tập đoàn nhằm hạn chế lượng khí thải gây hại. Như vậy, trọng tài đã áp đặt thành công trách nhiệm của
nhà nước đối với ÔNMTKK xuyên quốc gia và đặt ra yêu cầu không quốc gia nào có thể gây ra tác hại do ÔNMTKK cho lãnh thổ khác.