Khái niệm, phân loại doanh thu và thu nhập khác trong doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty Cổ phần TEC Việt Nam (Trang 45 - 47)

2.1.1.1. Khái niệm

Doanh thu và thu nhập khác là một trong những chỉ tiêu quan trọng đối với các doanh nghiệp. Chỉ tiêu doanh thu và thu nhập khác cung cấp cho các đối tượng sử dụng những thông tin cần thiết, làm căn cứ đánh giá một cách khái quát kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định, để từ đó ra các quyết định kinh tế đúng đắn. Có thể xem xét và ghi nhận những khoản được coi là doanh thu và thu nhập khác của doanh nghiệp dưới dạng sự gia tăng của dòng vốn lưu động, có thể coi doanh thu và thu nhập khác là lợi tức hay được xác định là các luồng tiền vào hoặc tiết kiệm luồng tiền ra, hoặc là những lợi ích kinh tế tương lai dưới hình thức gia tăng giá trị tài sản. Hiện nay, có rất nhiều quan điểm và cách hiểu về doanh thu và thu nhập khác:

Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 “doanh thu và thu nhập khác” (Ban hành kèm theo quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2001 của BTC về việc ban hành và công bố bốn Chuẩn mực kế toán Việt Nam): “Doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu”, “Thu nhập khác là khoản thu góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu từ hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu”

Theo thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26 tháng 08 năm 2016 của BTC về Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp “Doanh thu được hiểu là lợi ích kinh tế thu được làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ngoại trừ phần đóng góp thêm của

các cổ đông. Doanh thu không bao gồm các khoản thu hộ bên thứ ba”, “Thu nhập khác là các khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế mà khoản thu nhập này không thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp”

Như vậy, qua các khái niệm trên, tác giả nhận thấy doanh thu và thu nhập khác là số tiền thu được hoặc sẽ thu được từ các giao dịch và các nghiệp vụ phát sinh doanh thu hay thu nhập khác như bán sản phẩm hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng, các hoạt động thanh lý tài sản... Ở các doanh nghiệp áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì thu nhập khác cũng như doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ không bao gồm thuế GTGT, còn ở các doanh nghiệp áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp thì doanh thu và thu nhập khác là giá thanh toán của số hàng đã bán và dịch vụ đã được thực hiện.

Các khoản giảm trừ doanh thu bao gồm: Chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại, thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp và thuế nhập khẩu. Các khoản giảm trừ doanh thu là cơ sở để tính doanh thu thuần và kết quả kinh doanh trong kỳ kế toán. Các khoản doanh thu phải đựơc theo dõi chi tiết riêng trên từng tài khoản kế toán phù hợp nhằm cung cấp thông tin kế toán để lập báo cáo tài chính.

2.1.1.2. Phân loại

Theo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, gồm:

- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ: là toàn bộ số tiền doanh nghiệp thu được và sẽ thu được từ các giao dịch và nghiệp vụ phát sinh doanh thu như sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng bao gồm cả các khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giờ bán (nếu có).

- Doanh thu hoạt động tài chính: Doanh thu hoạt động tài chính là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được từ hoạt động tài chính hoặc kinh doanh về vốn, ví dụ như tiền lãi từ hoạt động cho vay, cổ tức lợi nhuận được chia cho giai đoạn sau ngày đầu tư, thu nhập từ mua bán chứng khoán, lãi tỷ giá hối đoái…

- Thu nhập khác: Thu nhập khác là các khoản thu nhập được tạo ra từ các hoạt động khác ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, thường bao gồm: Thu nhập từ nhượng bán, thanh lý TSCĐ; thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng; thu tiền bảo hiểm được bồi thường; thu được các khoản nợ phải thu đã xóa sổ tính vào chi phí kỳ trước, khoản nợ phải trả nay mất chủ được ghi tăng thu nhập, thu các khoản thuế được giảm, được hoàn lại; thu nhập quà biếu, quà tặng bằng tiền, hiện vật của các tổ chức, cá nhân tặng cho doanh nghiệp.

Trong ba loại doanh thu trên, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là bộ phận doanh thu lớn nhất và có tính chất quyết định đối với hoạt động của doanh nghiệp thương mại.

Phân loại theo thời gian

- Doanh thu thực hiện: là toàn bộ tiền bán sản phẩm, hàng hóa; cung cấp dịch vụ; tiền lãi và các hoạt động khác nhận được trong kỳ;

- Doanh thu chưa thực hiện: là khoản nợ phải trả của công ty cho khách hàng do đã nhận tiền của khách hàng nhưng chưa cung cấp hàng hóa hay dịch vụ cho khách hàng. Doanh thu chưa thực hiện gồm doanh thu nhận trước như: Số tiền của khách hàng đã trả trước cho một hoặc nhiều kỳ kế toán về cho thuê tài sản; khoản lãi nhận trước khi cho vay vốn hoặc mua các công cụ nợ và các khoản doanh thu chưa thực hiện khác như: Khoản chênh lệch giữa giá bán hàng trả chậm, trả góp theo cam kết với giá bán trả tiền ngay, khoản doanh thu tương ứng với giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc số phải chiết khấu giảm giá cho khách hàng trong chương trình khách hàng truyền thống...

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty Cổ phần TEC Việt Nam (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(174 trang)
w