- Giữ vững tăng trưởng kinh tế, gia tăng sự bền vững cho sự tăng trưởng
Như đã trình bày ở phần thực trạng, nền kinh tế của nước ta có sự tăng trưởng khá ổn định. Trong thời gian tới, cần giữ vững sự tăng trưởng này để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài sự gia tăng về lượng, cũng cần chú trọng về mặt chất. Hay nói cách khác, sự tăng trưởng cần đi liền với bền vững.
Để có thể giữ vững tăng trưởng kinh tế, cần giữ nền kinh tế - xã hội ổn định, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng dòng vốn FDI để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các khuyến nghị liên quan sẽ được tác giả triển khai kĩ hơn trong các phần tiếp theo của khóa luận. Ngoài ra cũng cần khuyến khích việc áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào sản xuất, kinh doanh để gia tăng giá trị cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay dựa khá nhiều vào các tập đoàn đa quốc gia. Với động lực đến từ khối doanh nghiệp nước ngoài này, bất cứ sự thay đổi đến từ khối doanh nghiệp FDI cũng có khả năng tác động tới tốc độ tăng trưởng của nước ta. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều biến động, các nhà đầu
tư nước ngoài rút vốn sẽ gây ra ảnh hưởng tới GDP Việt Nam. Để sự tăng trưởng kinh tế được bền vững, trong thời gian tới, cần tăng cường nội lực, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội phát triển, đồng thời xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp ngoại và nội địa, tránh tình trạng bảo hộ ngược.
- Giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô để đảm bảo sự ổn định khi có khủng hoảng, đồng thời tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Một nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng, ổn định với độ mở kinh tế lớn luôn thu hút
được các nhà đầu tư nước ngoài. Độ mở kinh tế lớn như hiện nay mang lại nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng làm nền kinh tế nước nhà dễ bị ảnh hưởng hơn khi có khủng hoảng. Do đó cần phải xây dựng các biện pháp đủ mạnh để giữ cho nền kinh tế ít bị ảnh hưởng nhất khi khủng hoảng xảy ra, hay nói cách khác là giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô. Mặt khác, nền kinh tế vĩ mô ổn định sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, là nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, trong phần này, tác giả tập trung vào các khuyến nghị nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trước những biến động xấu có thể dự đoán trước.
Trong thời gian tới, cuộc chiến tranh Mỹ - Trung được dự báo là sẽ ảnh hưởng
tiêu cực tới tỉ giá. Cuộc chiến tranh này có thể gây thâm hụt cán cân thương mại do Việt Nam rất có khả năng được Trung Quốc sử dụng làm bên thứ 3 trong cuộc chiến này với mục đích tránh hàng rào thuế quan từ Mỹ. Khi đó, hàng hóa từ Trung Quốc sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, cầu ngoại tệ phục vụ cho hoạt động nhập khẩu tăng. Mặt khác, trong khi Trung Quốc sẵn sàng phá giá đồng nhân dân tệ để cạnh tranh với Mỹ thì Việt Nam luôn cố gắng giữ ổn định giá trị đồng tiền, khiến VNĐ trở nên đắt hơn so với các đồng tiền khác, dẫn tới giá cả của hàng hóa Việt Nam đắt hơn, làm giảm xuất khẩu. Khi xuất khẩu giảm, nguồn thu ngoại tệ giảm và do đó làm giảm cung ngoại tệ. Cầu ngoại tệ tăng trong khi cung ngoại tệ giảm sẽ gây áp lực tăng tỉ giá. Ngoài chiến tranh Mỹ - Trung, việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất theo lộ trình cũng được đánh giá là sẽ gây áp lực tăng tỉ giá. Tuy vào cuối tháng 3 vừa qua, FED công bố sẽ tạm ngừng việc tăng lãi suất nhưng cũng cần có sự chuẩn bị sẵn sàng khi tình trạng này quay trở lại.
Việc điều hành tỉ giá cần linh hoạt để nền kinh tế Việt Nam có thể chống chọi với sự bất ổn này. Cần theo sát và kịp thời điều chỉnh khi tỉ giá có dấu hiệu tiêu cực. Mọi quyết định về tỉ giá trong thời gian này cần thận trọng và khéo léo kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ: Tăng cường dự trữ ngoại hối, điều chỉnh ti giá trung tâm một cách linh hoạt phù hợp với thay đổi của tỷ giá, sử dụng nghiệp vụ thị trường mở để kiểm soát cung - cầu ngoại hối, điều chỉnh lãi suất. Việc độ mở kinh tế lớn, quy mô xuất nhập khẩu ngày càng tăng yêu cầu lượng dự trữ ngoại tệ lớn hơn bao giờ hết.
Lạm phát trong năm nay cũng được dự kiến sẽ tăng do giá điện, giá xăng, giáo
dục,... tăng theo lộ trình. Việc điều hành giá cả cần kịp thời theo sát những biến động của thị trường, linh hoạt kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Hiện tại đã có nghiên cứu về việc sử dụng big data (dữ liệu lớn) vào dự báo CPI tuy nhiên nghiên cứu này vẫn còn hạn chế. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh ứng dụng big data vào phân tích các chỉ số khác của nền kinh tế vĩ mô để kịp thời đưa ra những dự báo, giúp các nhà hoạch định chính sách chủ động hơn và có sự chuẩn bị trước những
biến động bất thường của nền kinh tế.
- Nâng cao hiệu quả của việc tham gia các tổ chức quốc tế
Độ mở của nền kinh tế lớn như hiện nay chính là thành quả của việc tham gia nhiều tổ chức quốc tế. Trong thời gian tới cần tận dụng tốt hơn các cơ hội đến từ các tổ chức này để có thể gia tăng độ mở thương mại.
Gần đây nhất, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
(CPTPP) đã được kí kết và có hiệu lực đối với Việt Nam. Với hiệp định này, các nước
tham gia cam kết xóa bỏ 97% đến 100% số thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, sự xóa bỏ này có thể được hoàn toàn hoặc từng phần tùy theo từng nước. Có thể thấy đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa. Để tận
dụng tốt cơ hội này, cần gia tăng chất lượng hàng hóa để có thể đáp ứng nhu cầu khó tính của người tiêu dùng quốc tế. Từ đó, tăng cường vị thế và uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.