Nhân công rẻ và lượng nhân công dồi dào luôn là điểm mạnh trong thu hút FDI trong thời gian qua. Tuy nhiên, cũng chính vì chất lượng lao động thấp, nhân công rẻ khiến Việt Nam trở thành nơi lí tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào những ngành công nghiệp gia công, lắp ráp. Những ngành này tuy mang lại nhiều việc làm nhưng không mang lại nhiều giá trị gia tăng cho Việt Nam, vì thế cần thiết phải tập trung vào chất lượng dòng vốn thay vì số lượng như trước đây.
Với nguồn nhân lực dồi dào có sẵn, trong thời gian tới, để thu hút được những
dòng vốn FDI chất lượng cao, nên chuyển hướng thu hút FDI từ lợi thế nhân công rẻ sang nhân công có chất lượng cao. Thực tế cho thấy, nhân công Việt Nam rẻ nhưng vẫn đắt hơn các nước xung quanh như Lào, Myanmar, Malaysia (World Bank, 2018).
Nếu chỉ dựa vào lợi thế nhân công rẻ mà không tăng chất lượng, rất có thể Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh và không còn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Để khắc phục hiện tượng này, cần đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân
lực. Các nhà lãnh đạo địa phương cần tổ chức các cuộc khảo sát tới các doanh nghiệp
FDI, xác định ngành, nghề cần chú trọng trong việc đào tạo. Từ đó, tăng cường giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực dựa trên nhu cầu của họ, tránh tình trạng thiếu hụt nhân lực có đào tạo ở những ngành, nghề cần thiết mà dư thừa ở những ngành, nghề không
cần thiết. Đồng thời, cần gia tăng sự hiểu biết của lao động về công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để họ có thể bắt kịp sự thay đổi của công nghệ, tạo điều kiện để nắm bắt công nghệ sản xuất, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ hiện đại từ nước chủ đầu tư.
Về phía doanh nghiệp FDI, cần khuyến khích nhiều hơn sự hợp tác của các doanh nghiệp này và các cơ sở giáo dục. Việc hợp tác phải chặt chẽ từ bước thiết kế chương trình giảng dạy, xây dựng giáo trình, kiểm định chất lượng, tạo điều kiện cho học viên có cơ hội thực tập tại chính doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tiếp nhận các lao động này khi chương trình học kết thúc. Bằng cách này, doanh nghiệp FDI sẽ có được các lao động với trình độ như mong muốn, đảm bảo về mặt chuyên môn và tay nghề. Điều này vừa có lợi cho doanh nghiệp FDI, vừa có lợi cho Việt Nam khi cải thiện tình trạng học viên thất nghiệp khi ra trường.
về phía người lao động, cần nâng cao nhận thức với các lao động rằng giáo dục sẽ cho họ có một công việc tốt hơn với mức lương cao hơn, tuyên truyền cho các
lao động về quyền lợi mà họ được hưởng, sự cần thiết của hợp đồng lao động nhằm bảo vệ quyền lợi của họ trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp FDI.
Mặt khác, với tình trạng các lao động trên 35 tuổi bị doanh nghiệp FDI đào thải để thay thế bằng các lao động trẻ và dồi dào ngày càng gia tăng, cần có các biện pháp hỗ trợ đào tạo nghề để họ có thể làm các công việc khác, tăng cường truyền thông để họ có thể tìm kiếm công việc mới. Với trường hợp người lao động bị chèn ép dẫn tới nghỉ việc, cần thêm chế tài yêu cầu các doanh nghiệp FDI thực hiện nghiêm
túc cam kết trong hợp đồng, đền bù cho người lao động khi vi phạm hợp đồng, đảm bảo quyền lợi cho người lao động nhằm hạn chế tình trạng tranh chấp lao động và tình trạng nghỉ việc tập thể.