Trước tình hình dịch bệnh và những thông tin đầu tiên về đại dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay từ năm 2005 đến nay các nhà sản xuất vắc xin tại Việt nam dưới sự tài trợ của nhiều tổ chức quốc tế đang nỗ lực phấn đấu phát triển công nghệ sản xuất vắc xin cúm nói chung và vắc xin cúm đại dịch nói riêng. Có thể điểm qua như sau:
Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số I thuộc bộ Y tế (Vabiotech) từ giữa năm 2004 phát triển kỹ thuật sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 cho người trên tế bào thận khỉ tiên phát. Chủng sản xuất ban đầu sử dụng là một chủng tái tổ hợp từ chủng virus A/Vietnam/1203/2004 với 1 chủng tái hợp từ chủng virus phòng thí nghiệm do trường đại học Tokyo, Nhật Bản cung cấp. Hiện nay, loại vắc xin này đã qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng pha III trên người tình nguyện. Tuy nhiên, vì là công nghệ mới, vắc xin được sản xuất trong phòng thí nghiệm nên vắc xin cũng chỉ dừng ở mức độ đề tài nghiên cứu.
Viện Vắc xin và sinh phẩm Y tế (IVAC): Từ năm 2006 đến 2009, thực hiện đề tài nhánh cấp nhà nước “Nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 trên trứng gà có
phôi”, Viện đã sử dụng chủng NIBRG-14 nghiên cứu sản xuất thử nghiệm thành
công ở qui mô phòng thí nghiệm các lô vắc xin cúm A/H5N1. Chủng NIBRG-14 được tạo bằng kỹ thuật di truyền đảo ngược từ chủng virus A/H5N1 hoang dại độc lực cao A/Vietnam 1194/2004 và chủng virus cúm phòng thí nghiệm PR8. Chủng do Viện NIBSC –Vương quốc Anh cung cấp và được sự công nhận của TCYTTG. Kết quả nghiên cứu cho thấy vắc xin cho đáp ứng miễn dịch trên động vật thí nghiệm đạt yêu cầu theo khuyến cáo của TCYTTG. Trên cơ sở thành công của đề tài, năm 2007, Viện đã được TCYTTG chọn là một trong các cơ sở nằm trong chiến lược dự trữ vắc xin cúm đại dịch cho toàn cầu và được tài trợ xây dựng một nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO để sản xuất vắc xin cúm với công suất 1 -3 triệu liều vắc xin/năm. Tiếp theo, năm 2011, Tổ chức PATH (Mỹ) đã tiếp tục tài trợ nguồn kinh phí để vận hành nhà máy. Sản phẩm vắc xin cúm A/H1N1 sản xuất trên dây chuyền công nghệ của
nhà máy hiện nay đang được thử nghiệm lâm sàng trên người. Tiếp tục chiến lược sản xuất vắc xin cho đại dịch, từ tháng 10/2011 đến nay nhà máy bắt đầu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 bằng chủng NIBRG-14, hướng tới thử nghiệm lâm sàng dự kiến thực hiện vào năm 2013 cho loại vắc xin này. Nếu thử nghiệm lâm sàng thành công, Vắc xin sẽ được đăng ký cấp phép sản xuất ở qui mô công nghiệp với công suất 1-3 triệu liều/năm, đủ đáp ứng cho nhu cầu phòng chống dịch cho các đối tượng có nguy cơ cao.
Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu phát triển dạng vắc xin nuôi cấy trên tế bào VERO, sử dụng chủng NIBRG-14. Tuy nhiên dạng vắc xin này cũng mới chỉ dừng ở mức độ đề tài nghiên cứu.