Một là, xác định các khoản giảm trừ. Kinh nghiệm từ các nước đang phát triển là nên lựa chọn áp dụng hình thức giảm trừ tiêu chuẩn để tính toán đơn giản, tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật. Trong chiến lược cải cách thuế, Việt Nam xác định mức giảm trừ căn cứ vào cơ cấu thu nhập/ chi tiêu của dân cư [26]. Đồng thời từ quy định giảm trừ của các nước phát triển trên thế giới chẳng hạn như Mỹ, Việt Nam cần học hỏi để đưa ra chính sách phù hợp để kích thích người dân tái đầu tư, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Hai là, xác định đối tượng thu nhập chịu thuế và không chịu thuế TNCN. Từ kinh nghiệm của một số quốc gia, cần tiến hành phân loại các khoản thu nhập chịu thuế TNCN theo nguồn hình thành. Căn cứ các tiêu thức liên quan đến lý do chính trị, xã hội, tập quán phong tục của người Việt Nam, hiệp định, hiệp ước quốc tế hoặc nhằm mục đích khuyến khích một hoạt động cụ thể... để xác định các khoản thu nhập không chịu thuế. Có thể miễn, giảm một số loại thu nhập, cho phép miễn giảm một số tiền thuế nhất định dưới hình thức tạm thời chưa thu thuế đối với một số khoản thu nhập đối với một số đối tượng trong những hoàn cảnh nhất định.
Ba là, xác định rõ mức thuế suất và biểu thuế cho các đối tượng nộp thuế. Thuế suất và tỷ lệ động viên về thuế giảm ở mức hợp lý sẽ hạn chế trốn, lậu thuế. Do vậy, nên quy định thuế suất toàn phần áp dụng cho thu nhập từ đầu tư vốn ở mức thông lệ quốc tế (5%), chuyển nhượng bất động sản (2%), thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại (5%), thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán (0,1%). Biểu thuế luỹ tiến áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh với 7 mức thuế suất (5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%). Biểu thuế suất có 7 bậc được coi là nhiều nên cần có lộ trình giảm số bậc thuế suất theo từng bước.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Như vậy, qua việc phân tích, đánh giá những vấn đề lý luận chung về thuế và pháp luật thuế TNCN có thể thấy thuế nói chung và thuế TNCN nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế xã hội, là bộ phận không thể tách rời của NSNN. Nhận thức rõ tầm quan trọng của thuế từ đó Nhà nước đưa ra một hệ thống pháp luật thuế để dễ dàng trong quá trình quản lý và thực thi, đảm bảo tuân thủ theo đúng các nguyên tắc về thuế, hài hòa lợi ích giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Pháp luật thuế TNCN với những đặc trưng cơ bản của thuế TNCN bao gồm các nội dung chủ yếu như: đối tượng chịu thuế, đối tượng miễn thuế, mức thuế suất, miễn giảm thuế, thu nộp thuế TNCN. Thuế TNCN ở Việt Nam hiện nay có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo động viên vào NSNN, đảm bảo công bằng xã hội, thực hiện chức năng phân phối lại thu nhập xã hội.
Đồng thời tại chương 1 của đề tài, tác giả không chỉ phân tích những quy định của pháp luật thuế TNCN tại Việt Nam mà còn đưa ra một số quy định về thuế TNCN tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm để hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế TNCN.
Vấn đề lý luận của chương 1 là cơ sở, là tiền đề vững chắc để tác giả nghiên cứu, làm rõ thực trạng của pháp luật thuế TNCN trên địa bàn thành phố Hà Nội được đề cập đến tại chương 2.
CHƯƠNG 2
PHÁP LUẬT VỀ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN CỦA VIỆT NAM - THỰC TRẠNG THI HÀNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI HIỆN NAY 2.1. THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
2.1.1. Quy định pháp luật về đối tượng nộp thuế
Tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật thuế TNCN hiện hành thì đối tượng nộp thuế TNCN là “cá nhân cư trú” và “cá nhân không cư trú”. Điều này được quy định cụ thể tại Điều 2 VBHN số 15/VBHN-VPQH/2014 về Luật thuế TNCN: “Đối tượng nộp thuế TNCN là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy
định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam”. Với quy định này, Nhà nước ta thể hiện được sự thiện chí
trong các chính sách mở cửa thị trường, tạo tâm lý thoải mái cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời cũng dễ dàng hơn trong quá trình xác định thuế, cũng như hạn chế tình trạng đánh thuế trùng.
Cá nhân cư trú. Điều 2 VBHN số 15/VBHN-VPQH ngày 11/12/2014 về Luật thuế TNCN quy định: ‘Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều
kiện sau đây: (1) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam; (2) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn”. Trong đó cá nhân
có mặt tại Việt Nam theo quy định này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam. Quy định “có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú” được làm rõ tại văn bản hợp nhất số 68/VNHN-BTC ngày 19/12/2019 về hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN, theo đó: “(1) đối với công dân Việt Nam: nơi ở thường xuyên là nơi sinh sống
thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng kí thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú; (2) Đối với người nước ngoài:
nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp”.
Cá nhân không cư trú. Cũng theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 VBHN số 15/VBHN-VPQH ngày 11/12/2014 về Luật thuế TNCN, cá nhân không cư trú được xác định: “Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại
Khoản 2 Điều này”. Như vậy, một chủ thể chỉ được coi là cá nhân không cư trú khi
chủ thể đó không đáp ứng đồng thời cả hai điều kiện về thời gian có mặt cũng như có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam.
2.1.2. Quy định pháp luật về thu nhập chịu thuế
Đối tượng chịu thuế TNCN chính là các khoản thu nhập chịu thuế của cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú. Thực tế cho thấy các khoản thu nhập này rất đa dạng.
Pháp luật thuế TNCN ở nước ta hiện nay có quy định rõ các khoản thu nhập phải chịu thuế, theo đó có 10 khoản thu nhập chịu thuế được quy định tại Điều 3 VBHN số 15/VBHN-VPQH ngày 11/12/2014 về Luật thuế TNCN, cụ thể như sau:
- Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Cũng theo quy định này thu nhập từ kinh doanh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật này không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công: bao gồm thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất như tiền lương, tiền công. Ngoài ra các khoản trợ cấp, phụ cấp mà cá nhân được hưởng cũng xác định là thu nhập từ tiền lương, tiền công. Trừ một số trường hợp, đó là: Phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành nghề, công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con
nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về BHXH; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.
- Thu nhập từ đầu tư vốn bao gồm: tiền lãi cho vay, lợi tức cổ phần, thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính Phủ. Thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, bằng danh tiếng, bằng quyền sử dụng đất, bằng phát minh, sáng chế. Thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn.
Đối tượng tính thuế trong trường hợp này là thu nhập sau khi đã trừ đi các chi phí, bởi để có nguồn thu nhập này thì cá nhân phải bỏ ra một khoản tiền nhất định để đầu tư vì thế cho nên chỉ có thể đánh thuế sau khi đã trừ đi các chi phí đầu tư ban đầu.
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế; Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán; Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.
- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở; Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước; Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức.
So với Luật thuế TNCN 2007, thì Luật số 71/2014/QH13 đã có điều chỉnh nhất định, theo đó có quy định đối tượng chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản còn bao gồm thêm cả: “Các khoản thu nhập khác nhận được từ chyển nhượng bất
động sản dưới mọi hình thức”. Đây là một trong những cách thức để Nhà nước có
thể kiểm soát tốt nguồn thu vào ngân sách của mình, tránh tình trạng “bỏ sót”. Theo đó, các trường hợp người có bất động sản làm hợp đồng ủy quyền mà người được
ủy quyền có cả quyền cho, tặng, chuyển nhượng bất động sản,... phát sinh thu nhập đều được coi là thu nhập chịu thuế [19; tr.27].
- Thu nhập từ trúng thưởng, bao gồm: Trúng thưởng xổ số; Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại; Trúng thưởng trong các hình thức cá cược; Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.
- Thu nhập từ bản quyền, bao gồm: Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ; Thu nhập từ chuyển giao công nghệ.
- Thu nhập từ nhượng quyền thương mại. Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng hàng hóa, dịch vụ theo các điều kiện của bên nhượng quyền tại hợp đồng nhượng quyền thương mại.
- Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
- Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
2.1.3. Quy định pháp luật về thu nhập được miễn thuế và giảm thuế
2.1.3.1. Quy định pháp luật về thu nhập được miễn thuế
Bên cạnh các quy định về thu nhập chịu thuế, pháp luật thuế TNCN cũng quy định cụ thể về thu nhập được miễn thuế, tại Điều 4 VBHN số 15/VBHN-VPQH ngày 11/12/2014 về Luật thuế TNCN; Điều 4 VBHN số 14/VBHN-BTC ngày 26/5/2015 và Điều 3 VBHN số 68/VBHN-BTC ngày 19/12/2019 về hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN, cụ thể như sau:
- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha
vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
- Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất.
- Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất. Trường hợp cá nhân được miễn, giảm tiền sử dụng đất khi giao đất, nếu chuyển nhượng diện tích đất được miễn, giảm tiền sử dụng đất thì khai, nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo hướng dẫn tại Điều 12 VBHN số 68/VBHN-BTC ngày 19/12/2019 về hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN.
- Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
- Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.
- Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất.
- Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Lãi tiền gửi được miễn thuế theo quy định tại điểm này là thu nhập cá nhân nhận được từ lãi gửi đồng Việt Nam, vàng, ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật các tổ chức tín dụng dưới hình thức gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người người gửi theo thỏa thuận.
- Thu nhập từ kiều hối. Thu nhập từ kiều hối được miễn thuế là khoản tiền cá nhân nhận được từ nước ngoài do thân nhân là người Việt Nam định cư ở nước
ngoài, người Việt Nam đi lao động, công tác, học tập tại nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân trong nước.
- Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật.
- Tiền lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả; tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng.
- Thu nhập từ học bổng, bao gồm: Học bổng nhận được từ ngân sách Nhà nước; Học bổng nhận được từ tổ chức trong nước và ngoài nước theo chương trình hỗ trợ khuyến học của tổ chức đó.
- Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tiền bồi