a. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ
Hoạt động trên thị trường gần 14 năm nhưng các sản phẩm, dịch vụ của PSI vẫn chưa được đa dạng, đáp ứng nhu cầu khách hàng và bắt kịp xu thế thị trường. Do đó, để kinh doanh hiệu quả, thu hút khách hàng hơn, PSI cần có các giải pháp đa dạng hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ như:
- Phát triển các sản phẩm dịch vụ mới
Công ty cần nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, các dịch vụ hỗ trợ, nhằm đa dạng hóa tối đa đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng như:
+ Hoạt động tự doanh: đa dạng hóa hình thức đầu tư như: repo, swap hoặc hợp đồng tương lai; đa dạng hóa sản phẩm đầu tư và đa dạng hóa kỳ hạn đầu tư.
+ Hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán: Công ty cần mở rộng đối tượng bảo lãnh sang cả doanh nghiệp chưa niêm yết vì đây cũng là khách hàng cho các nghiệp vụ khác như tư vấn niêm yết, tư vấn tái cấu trúc vốn... Ngoài ra, việc đa dạng hóa chứng khoán bảo lãnh cũng cần được thực hiện, bao gồm: cổ phiếu đã niêm yết, trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu chưa niêm yết.
+ Hoạt động tư vấn: Đa dạng hóa hình thức và nội dung tư vấn, đặc biệt đẩy mạnh hình thức tư vấn trực tiếp thông qua việc bố trí bộ phận tư vấn ngay tại sàn giao dịch để nhà đầu tư có thể dễ dàng nắm bắt thông tin.
- Đẩy mạnh hoạt động của các nghiệp vụ mũi nhọn
PSI có các nghiệp vụ mũi nhọn là dịch vụ chứng khoán: dịch vụ chứng khoán và dịch vụ tư vấn. Các mảng nghiệp vụ này nên tiếp tục được chú trọng:
+ Mảng dịch vụ chứng khoán: nên chú trọng hơn nữa vào mảng khách hàng tổ chức; bên cạnh đó đẩy mạnh các hoạt động tài chính hỗ trợ nhà đầu tư và các hoạt động khác tuân thủ theo luật pháp và đảm bảo an toàn vốn cho cổ đông.
+ Dịch vụ tư vấn: Có các bộ phận dự báo tốt các hợp đồng sẽ ký mới và được thu phí trong tương lai. Ngoài ra, tình hình thị trường kinh tế bất ổn hiện nay gây ra nhiều sự biến động cho TTCK và các công ty doanh nghiệp, chứng kiến nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thậm chí phá sản; đứng trước tình hình đó các doanh nghiệp này rất cần sự hỗ trợ về tài chính để trụ vững. Đây là cơ hội cho PSI để phát triển dịch vụ tu vấn tài chính như: Tư vấn M&A,....
- Cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp
Bên cạnh việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm, dịch vụ cung cấp thì công ty cũng phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình thông qua việc:
+ Nâng cao các cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hơn nữa vào quy trình tác nghiệp giúp khách hàng giao dịch nhanh chóng và chính xác.
+ Nâng cao thái độ phục vụ của nhân viên với khách hàng, đẩy mạnh hoạt động chăm sóc một cách tối ưu khiến khách hàng hài lòng với chất lượng dịch vụ.
+ Cần có chính sách giá hợp lý vừa thu hút khách hàng vừa có thể cạnh tranh với các CTCK khác trên thị trường. PSI hiện tại có chính sách giá khá ổn định, ngang bằng với các công ty khác trên thị trường do đó công ty nên có các ưu tiên khác cho khách hàng như đã nói ở trên.
+ Tiếp thu ý kiến phản hồi từ khách hàng và hoàn thiện các vấn đề phát sinh trong quá trình cung cấp dịch vụ.
b. Nâng cao công tác quản trị rủi ro
- Rủi ro thanh toán
Để phòng rủi ro này, PSI cần tiến hành đánh giá và xếp hạng đối với từng đối tác, khách hàng dựa trên các thông tin thị trường, thông tin khách hàng và đối tác cả hợp tác trước đó và trước khi kí kết hợp đồng hợp tác sau này. Điều này để xác minh sự uy tín của đối tác, khách hàng trên thị trường, xác định đối tác hoặc khách hàng đó có minh bạch tài chính hay không, có đủ khả năng tài chính để thanh toán hay không; sau đó công ty mới có thể bắt tay hợp tác. Tiếp đến, PSI phân bổ hạn mức cho từng đối tác tiềm năng và tiến hành giao dịch tuân thủ các hạn mức đã thiết lập. Đặc biệt để giảm thiểu rủi ro công ty nên có các chính sách quản lý, phân loại khách hàng thường xuyên nhất là đối với các khách hàng sử dụng tài khoản ký quỹ, liên tục kiểm tra tỷ lệ ký quỹ duy trì nhằm phát hiện khi khách hàng thiếu hụt và yêu cầu nộp bổ sung... Trong suốt quá trình thực hiện các hoạt động, bộ phận chuyên trách cần theo dõi dòng tiền hằng ngày, đánh giá, ước tính giá trị các khoản vốn hỗ trợ khách hành và đối tác trên cơ sở áp dụng mô hình đánh giá khả năng thanh toán xét đến đầy đủ các yếu tố thời hạn cam kết hỗ trợ vốn, tài sản đảm bảo, thanh khoản để đưa ra các biện pháp khắc phục kịp thời nếu xảy ra rủi ro.
- Rủi ro thị trường
Cần tìm hiểu kĩ, lường trước các rủi ro về giá của các công cụ vốn phát sinh từ các khoản đầu tư cổ phiếu ngắn hạn và dài hạn tránh gây tổn thất nặng nề cho công ty, về rủi ro tỷ giá hối đoái và lãi suất PSI cần có các bộ phận dự đoán chính xác để hạn chế các rủi ro này có thể gây ra trong tương lai. Bên cạnh đó công ty cũng có thể quản lý rủi ro lãi suất bằng cách phân tích tình hình cạnh tranh trên thị trường để có được các lãi suất có lợi cho mục đích của công ty.
- Rủi ro hoạt động
+ Rủi ro hệ thống kỹ thuật: PSI cần thiết lập, tuân thủ chặt chẽ các quy trình, hứớng dẫn vận hành hệ thống kỹ thuật trong đó quy định rõ các bứớc thực hiện đối với các hoạt động hàng ngày để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu suất, an toàn, bảo mật, và các biện pháp khắc phục khi có bất cứ sự cố nào xảy ra. Bên cạnh đó cũng cần nâng cấp các hệ thống bảo mật hiện đại, các dự án phòng chống thảm họa, công nghệ tiên tiến trong hệ thống firewall,... để bảo mật thông tin khách hàng, dữ liệu nội bộ, hạn chế rủi ro, tránh hacker, virus xâm nhập. IT cũng thiết lập đường dây
nóng hỗ trợ các bộ phận trong công ty khi có sự cố xảy nhằm giảm thiểu mọi sự ngừng trệ trong HĐKD.
+ Rủi ro trong vận hành: Do đặc thù riêng của mỗi khối và bộ phận trong PSI, bộ phận chuyên trách quản trị rủi ro cần thiết lập những quy định mang tính bắt buộc chung như phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cần đảm bảo có kiểm soát chéo trong mọi giao dịch, phát triển tự động hóa vận hành nhằm giảm thiểu những lỗi do công việc thủ công, chủ quan do nhân viên gây ra và các biện pháp khác khi cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro đó. Các bộ phận cần chủ động giảm thiểu tối đa rủi ro trong phạm vi hoạt động và dựa trên những nguyên tắc chung nêu trên.
c. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực PSI
Yếu tố quan trọng và không thể thiếu cho sự phát triển của một công ty đó là nguồn nhân lực. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, sản phẩm, chất lượng dịch vụ phục vụ tốt tới khách hàng thì điều cần thiết đối với PSI là chú trọng phát triển đội ngũ nhân viên trên cả số lượng và chất lượng. Để đáp ứng điều đó PSI cần phải thực hiện:
+ Có chính sách tuyển dụng nhân viên hợp lý, chuẩn mực cao phù hợp với từng vị trí bộ phận cụ thể. Theo đó, từng bộ phận cần xây dựng những yêu cầu và lợi ích cụ thể cho từng nhu cầu tuyển dụng
+ Xây dựng chính sách, chương trình đào tạo chuyên môn bởi mở các lớp đào tạo huấn luyện từng nghiệp vụ. Ngoài ra công ty cũng nên đặt ra yêu cầu cho nhân viên về các kỹ năng mềm đáp ứng yêu cầu đặc thù của các nghiệp vụ, đồng thời mở các khóa đào tạo kỹ năng như: kỹ năng đàm phán, kỹ năng giao tiếp,...
+ Nên có các đợt kiểm tra định kì về chuyên môn cho các nhân viên PSI, từ đó đưa ra các chính sách khen thưởng và kỷ luật nhằm thu hút sự quan tâm của nhân viên giúp họ phát huy năng lực, khích lệ các cá nhân nỗ lực phấn đấu giành giải thưởng.
+ Tạo điều kiện cho nhân viên học các khóa huấn luyện ngắn hạn và thi lấy chứng chỉ hành nghề của UBCKNN tổ chức để bảm bảo 100% cán bộ đã làm việc tại PSI đều đủ tiêu chuẩn nhận giấy phép hành nghề.
+ Tạo điều kiện, khuyến khích hỗ trợ cán bộ nhân viên trong quá trình học tập và lấy các chứng chỉ nghiệp vụ quốc tế chuyên nghiệp như: ACCA, CFA,... để phục vụ cho công tác chuyên môn.
+ Tạo cơ hội cho nhân viên có thể đi thực tế, giao lưu với các doanh nghiệp khác để nắm bắt thông tin thị trường, thông tin về các doanh nghiệp khác một cách đầy đủ hơn. Qua đó giúp nhân viên nâng cao khả năng nắm bắt thông tin và phân tích thị trường chính xác hơn, giúp ích cho quá trình phân tích và hoạt động của chính công ty.
+ Có các biện pháp xử lí với các trường hợp sai phạm, kỷ luật nghiêm khắc để rút kinh nghiệm, không tái phạm; qua đó nâng cao nhận thức của toàn bộ cán bộ nhân viên trong quá trình hoạt động, làm việc và giúp nâng cao uy tín của PSI trên thị trường.
+ Công ty nên duy trì áp dụng chính sách KPI đúng cách và hợp lý để giúp nhân viên công ty nâng cao trách nhiệm cá nhân, cải thiện hiệu quả và tăng năng lực quản lý - từ đó hình thành văn hóa làm việc chuyên nghiệp trong tổ chức.