1.2.2.1. Nhân tố về điều kiện tự nhiên cho sản xuất nông sản
Nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng, chất lượng hàng nông sản xuất khẩu là điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai, thời tiết, tài nguyên thiên nhiên, khoáng
sản. Mỗi vùng kinh tế có những lợi thế, thuận lợi, điều kiện tự nhiên đất đai để phát triển một hoặc một số loại cây cho năng suất cao và chất lượng tốt.
Sản xuất nông nghiệp nói chung, chịu sự tác động rất lớn của các yếu tố tự nhiên như: thời tiết, thiên tai, lũ lụt, do đó, mức độ rủi ro trong kinh doanh xuất khẩu hàng nông sản rất lớn, đôi khi không lường trước được và không tránh khỏi những tổn thất và thiệt hại ngay cả khi được mùa thu hoạch. Mặt khác, do sự khác biệt và không ổn định về thời tiết, khí hậu giữa các vùng miền cũng như khả năng khắc phục những khó khăn của điều kiện tự nhiên ở các quốc gia, các vùng, các địa phương khác nhau khiến cho khả năng cung cấp nông sản làm nguyên liệu không ổn định. Do đó có thể lúc này, nơi này việc sản xuất và xuất khẩu một vài loại nông sản gặp khó khăn, nhưng ở nơi khác lại là thuận lợi, do vậy nếu một quốc gia hoặc doanh nghiệp nắm bắt được tính bất ổn về thời tiết thì không những hạn chế được rủi ro, tổn thất mà còn nâng cao được hiệu quả xuất khẩu nông sản.
1.2.2.2. Cơ chế chính sách của Nhà nước
Thực tế ở nhiều nước trên thế giới đang có vị trí sản xuất và xuất khẩu nông sản quan trọng mặc dù trình độ khoa học và công nghệ còn thấp so với Mỹ, Nhật và EU, song họ có hệ thống chính sách kinh tế tốt và hợp lý để khuyến khích sản xuất và xuất khẩu nông sản, họ biết tổ chức sản xuất và kinh doanh có hiệu quả. Cho nên có thể nói, việc khai thác các nhân tố khác có đạt hiệu quả cao hay không chủ yếu phụ thuộc vào trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh và sự hỗ trợ tích cực bằng các chính sách kinh tế của Chính phủ. Việc đẩy mạnh xuất khẩu có hiệu quả hay không phụ thuộc vào nỗ lực của chính người sản xuất kinh doanh, mặt khác, nó cũng phụ thuộc vào hệ thống chính sách của chính phủ. Một hệ thống chính sách hợp lý sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và xuất khẩu, nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông sản xuất khẩu trên thị trường thế giới.
Tại Việt Nam, sản phẩm nông sản của nước ta thường là: nông sản chưa qua chế biến và nông sản đã qua chế biến, chủ yếu là các hàng nông sản chưa chế biến hoặc ít chế biến. Thường các sản phẩm đã qua chế biến có giá trị xuất khẩu lớn hơn nhiều lần so với các sản phẩm thô chưa qua chế biến. Điều này đòi hỏi Đảng và Nhà
nước ta phải có chính sách cơ cấu sản phẩm phù hợp nhằm tăng dần tỷ trọng các sản phẩm đã qua chế biến để đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn trong hoạt động xuất khẩu.
Chính sách phát triển và mở rộng thị trường là một yếu tố quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu nông sản. Đây là công việc khó khăn, phức tạp và phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa các quốc gia. Chính phủ cần phải xây dựng chính sách sản phẩm nông sản phù hợp và thích ứng với từng thị trường, từng khu vực. Trên cơ sở định hướng và những hiệp định song phương, đa phương được ký kết của chính phủ, cũng như các thông tin về sản phẩm và thị trường do các cơ quan, các tổ chức xúc tiến thương mại của Nhà nước cung cấp, các doanh nghiệp chủ động giới thiệu sản phẩm nông sản tới các thị trường tiêu thụ. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ có tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu nông sản, nó có tác dụng khuyến khích hoặc hạn chế hoạt động xuất khẩu.
1.2.2.3. Khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trong những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, thị trường nông sản thế giới ngày càng tăng trưởng nhanh chóng, cho phép thỏa mãn nhu cầu da dạng của giới tiêu dùng về nông sản. Đó cũng là điều kiện quyết định để tăng năng suất lao động, tăng năng suất cây trồng và chất lượng nông sản, từ đó hạ giá thành sản phẩm nông sản. Đồng thời nó lại tác động cho phép tăng cầu về nông sản ở mỗi quốc gia. Như vậy, khoa học và công nghệ đã tạo ra hiệu quả có tính hai mặt: tăng khả năng thanh toán của giới tiêu dùng nông sản đồng thời hạ giá bán sản phẩm nông sản. Vì vậy thị trường nông sản thế giới sẽ biến động theo chiều hướng có lợi cho cả người sản xuất và xuất khẩu nông sản lẫn người nhập khẩu và tiêu dùng nông sản.
Trái với nhân tố điều kiện tự nhiên, nhân tố khoa học và công nghệ ngày càng giữ vai trò quyết định đối với khả năng sản xuất và xuất khẩu nông sản. Với công nghệ bảo quản đơn giản, hàm lượng khoa học thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác nuôi trồng, chế biến, bảo quản, vận chuyển lạc hậu, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch kém dẫn đến tỷ lệ hư hỏng sản phẩm cao là nhân tố quan trọng đẩy giá thành sản phẩm lên cao, vì vậy giá nông sản xuất khẩu của một số
quốc gia khó cạnh tranh được so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác có nền khoa học công nghệ tiến bộ trong lĩnh vực này.
1.2.2.4. Cơ sơ hạ tầng phục vụ cho hoạt động xuất khẩu
Cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động xuất khẩu có ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu, chẳng hạn như: Về hệ thống giao thông đặc biệt là hệ thống cảng biển: Mức độ trang bị, hệ thống xếp dỡ, kho tàng.. .hệ thống cảng biển nếu hiện đại sẽ giảm bớt thời gian bốc dỡ, thủ tục giao nhận cũng như đảm bảo an toàn cho hàng hoá xuất khẩu. về hệ thống ngân hàng: Sự phát triển của hệ thống ngân hàng cho phép các nhà kinh doanh xuất khẩu thuận lợi trong việc thanh toán, huy động vốn. Ngoài ra, ngân hàng chính là nhân tố đảm bảo lợi ích cho nhà kinh doanh bằng các dịch vụ thanh toán tại ngân hàng. Bên cạnh đó, hệ thống bảo hiểm, kiểm tra chất lượng hàng hoá cho phép các hoạt động xuất khẩu được thực hiện một cách an toàn hơn, đồng thời giảm bớt được mức độ thiệt hại khi có rủi ro xảy ra. Như vậy, cơ sở hạ tầng tốt, phát triển sẽ giúp cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng diễn ra thuận lợi và dễ dàng hơn.
1.2.2.5. Tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái là giá cả của một đơn vị tiền tệ này thể hiện bằng một số đơn vị tiền tệ của nước kia. Tỷ giá hối đoái là phương tiện so sánh giá trị hàng hóa trong nước và trên thị trường quốc tế, là một trong những căn cứ quan trọng để doanh nghiệp đưa ra quyết định liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng.
Trong trường hợp tỷ giá hối đoái của một đồng tiền nước A giảm mạnh so với ngoại tệ mạnh như USD thì các doanh nghiệp nước A có thể thu được nhiều lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu và ngược lại. Chính vì vậy, có thể thông qua nghiên cứu và dự đoán xu hướng biến động của tỷ giá hối đoái để đưa ra biện pháp xuất khẩu phù hợp, lựa chọn thị trường có lợi, lựa chọn nguồn hàng, đồng tiền thanh toán.
1.3. CÁC RỦI RO TRONG HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN
Một trong những yếu tố cần phải xem xét đến quá trình xuất khẩu hàng hoá nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng có thuận lợi hay không phải kể đến yếu tố
rủi ro. Tuỳ theo những căn cứ khác nhau mà có thể phân chia rủi ro theo mức độ khác nhau, từ đó cần nâng cao các giải pháp về những rủi ro trong hoạt động xuất khẩu nông sản. Bài khoá luận chỉ ra một số các loại rủi ro được tổng hợp qua các tài liệu tham khảo như: