* Về công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Hiện nay, công tác quản lý đất đai, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng bước đi vào nề nếp, trở thành công cụ quản lý nhà nước quan trọng để kiểm soát ngày càng có hiệu quả hơn việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, tạo sự chủ động và giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn. Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ cấu sử dụng các loại đất đã được chuyển đổi mục đích hiệu quả, bền vững và phù hợp với quá trình đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Thông qua quy hoạch sử dụng đất, tài nguyên đất đai đã trở thành nguồn lực quan trọng, tạo tiền để cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tại địa phương.
Trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bước đầu đã dự báo về định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Nhiều địa phương đã chủ động lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư, phát triển đô thị ; chủ động điều chỉnh, bổ sung hoặc hủy bỏ các đồ án quy hoạch không khả thi nhằm phát huy có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, đảm bảo quyền sử dụng đất của người dân. Trong công tác quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất được xem là quy hoạch gốc, là quy hoạch nền cho mọi quy hoạch: quy hoạch phát triển kinh tế
- xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, quy hoạch phát triển đô thị, kiến trúc xây dựng, quy hoạch vùng… Tuy nhiên, trong thời gian qua, do công tác lập quy hoạch, thẩm định, phê duyệt quy hoạch của các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương thực hiện chậm. Do đó một điều dễ nhận thấy là về nguyên tắc mang tính pháp lý có thể nói trong một quãng thời gian dài tại các địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai không đảm bảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng. Mặt khác, theo đà phát triển của xã hội, việc lập các quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đều phải triển khai thực hiện khi chưa có nền móng cơ bản là quy hoạch sử dụng đất được duyệt cũng gây khó khăn, lúng túng cho địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quy hoạch. Tuy nhiên, qua việc chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các địa phương, qua việc tuân thủ, thống nhất các nội dung trong dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đang được thẩm định, trình duyệt để lập các quy hoạch khác, nên trong thời gian qua, cơ bản các địa phương đã tháo gỡ khó khăn này; qua đó nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai qua việc xem xét, phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội và các giải quyết hài hòa các mục tiêu thiết yếu khác tại địa phương.
* Về Tổ chức thực hiện; quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Đã quản lý, sử dụng tốt chỉ tiêu sử dụng đất do tỉnh phân bổ, hạn chế thấp nhất việc chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa sang mục đích sử dụng khác. Việc thực hiện chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 13/6/2013 của Chính phủ đạt kết quả nhất định, tính đến thời điểm 31/12/2017, tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu đất nông nghiệp đạt 101,29% (trong đó đất trồng lúa là 114,4%, đất nuôi trồng thủy sản là 145,81%) .
Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được chú trọng; việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất...cơ bản theo đúng quy định. Nhiều địa phương đã tận dụng những lợi thế hạ tầng, kêu gọi thu hút đầu tư các dự án khu dân cư, khu đô thị, dự án sản xuất kinh doanh, thương mại – dịch vụ, hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp. Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân vùng dự án.
Quản lý quy hoạch, quản lý hiện trạng được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, đã chấn chỉnh kịp thời một số vi phạm trong quản lý, sử dụng đất.
* Về công tác kiểm tra Kiểm tra giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch về đất đai trên địa bàn thị xã Từ Sơn.
Trong các năm qua, UBND thị xã Từ Sơn đã chỉ đạo các cơ quan tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và đã tiến hành xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai theo đúng quy định của pháp luật. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều dạng vi phạm, chủ yếu là lấn chiếm đất, tự chuyển mục đích sử dụng đất sai mục đích; các vụ khiếu nại diễn ra xoay quanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất phục vụ các dự án. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai đã được HĐND và UBND thị xã quan tâm, chỉ đạo các ngành, UBND các xã, phường giải quyết ngay từ cơ sở, tuy nhiên năng lực giải quyết ở cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.