Điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh Thái Nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế đến khả năng lấy nước của cống ngọc trại thuộc hệ thống thủy lợi bắc hưng hải​ (Trang 42 - 47)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.2. Điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh Thái Nguyên

2.1.2.1. Dân cư và lao động

Theo Niên giám thống kê tỉnh Thái Nguyên, dân số của toàn tỉnh tính đến 2018 là 1.291 nghìn người (chiếm khoảng 1,3% dân số cả nước). Mật độ dân số là 366 người/km2, gấp khoảng 1,15 lần mật độ dân số cả nước.

Bảng 2.6. Dân số tỉnh Thái Nguyên qua các năm

Năm Tổng số dân (người) Tốc độ gia tăng dân số (%) Cơ cấu (%) Nam Nữ Thành thị Nông thôn 2015 1.238.785 2,72 48,94 51,06 31,51 68,49 2016 1.246.580 0,98 48,94 51,06 31,58 68,42 2017 1.255.070 1,07 49,0 51,0 31,80 68,20 2018 1.268.311 1,39 48,94 51,06 31,82 68,18

2019 1.290.945 1,37 48,88 51,12 32,06 67,94

(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Thái Nguyên, 2019)

Thái Nguyên là tỉnh có 46/54 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 8 dân tộc có số dân đông nhất là Kinh (75,5%), Tày (10,7%), Nùng (5,1%), Dao (2,1%), Sán Dìu (2,4%), H’mông, Sán Chay, Hoa…

Dân số phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở trung tâm thành thị, vùng đồng bằng. Tỉ lệ dân thành thị khá cao 32,06% (năm 2019). [8]

Thái Nguyên là nơi có sức hút nguồn lao động, phần lớn là lao động từ các tỉnh khác đến làm việc để kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống, bao gồm các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền xuôi. Lao động của tỉnh có tay nghề tương đối khá, nhờ có các trung tâm đào tạo nghề, các trung tâm khoa học, song vẫn cần nâng cao thêm trình độ kĩ thuật cho lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp hiện đại.

Dân cư tập trung đông cùng với nền kinh tế phát triển ngày càng tạo sức ép cho thành phố về các vấn đề xã hội như nhà ở, việc làm,… đặc biệt là vấn đề môi trường, cụ thể là môi trường nước khi mà sông Cầu là nguồn cung cấp nước chính cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt thì mức độ ô nhiễm ngày càng trở nên phức tạp hơn.

2.1.2.2. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội

Tỉnh Thái Nguyên nằm trong vùng phát triển kinh tế năng động của miền Bắc nước ta, là trung tâm công nghiệp lâu đời với trung tâm công nghiệp Gang Thép. Ngoài ra tỉnh còn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, với Hồ Núi Cốc, các di tích lịch sử, cách mạng,...

Cơ cấu kinh tế, lao động của thành phố chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động khu vực dịch vụ và công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của các ngành sản xuất năm 2019 đạt 14,1%:

+ Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 13.487 tỉ đồng; công nghiệp đạt 527.244,0 tỉ đồng; dịch vụ đạt 28.188,4 tỉ đồng.

+ Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP/người đạt 3.912 USD/người/năm.

+ Thu nhập bình quân đầu người một tháng: ở thành thị đạt 4,15 triệu đồng; nông thôn đạt 2,43 triệu đồng.

+ Thu ngân sách đạt 15,58 tỉ đồng (2019).

+ Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm còn 6,39% (2018). - Về công nghiệp:

Thái Nguyên là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp xây dựng và được mệnh danh là “Cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim cả nước”. Nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú là một lợi thế lớn cho phát triển công nghiệp luyện kim và khai khoáng: tỉnh Thái Nguyên có trữ lượng than lớn thứ hai cả nước sau Quảng Ninh, than mỡ trữ lượng trên 15 triệu tấn, than đá trữ lượng khoảng 90 triệu tấn; kim loại màu có thiếc, chì, kẽm, vonfram, vàng, đồng, niken, thủy ngân,… Khoáng sản vật liệu xây dựng cũng là tiềm năng nguyên liệu rất lớn để sản xuất xi măng, sản xuất đá ốp lát các loại,… Riêng mỏ Núi Pháo trên địa bàn các xã phía đông của huyện Đại Từ được các cơ quan chuyên môn đánh giá có trữ lượng vonfram khoảng 21 triệu tấn, lớn thứ 2 trên thế giới sau một mỏ tại Trung Quốc.

Tỉnh Thái Nguyên có tổ hợp nhà máy SamSung với tổng mức đầu tư gần 7 tỉ USD. Khu tổ hợp này đóng vai trò lớn trong sự phát triển của tỉnh hiện nay. Trước kia sự phát triển của tỉnh chỉ dựa vào khu công nghiệp Gang Thép được thành lập năm 1959, là nơi đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến sản xuất gang, phôi thép và cán thép. Hiện nay, Thái Nguyên đã và đang phát triển các khu công nghiệp như: KCN Sông Công I (220ha), KCN Sông Công II (250ha), KCN Yên Bình I (200ha), KCN Nam Phổ Yên (200ha), KCN Tây Phổ Yên (200ha); KCN Điềm Thụy Phú Bình và KCN Quyết Thắng (200ha).

Tỉ trọng của ngành công nghiệp trong GRDP của toàn tỉnh liên tục tăng và là ngành đóng góp nhiều nhất cho GRDP của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp chiếm trên 80% giá trị toàn ngành kinh tế của tỉnh.

- Về sản xuất nông, lâm, thủy sản:

Tuy là nhóm ngành có tỉ trọng giảm nhưng vẫn là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với những sản phẩm chủ lực và từng bước tiếp cận với nền sản xuất hàng hóa. Các sản phẩm chủ yếu là chè, lạc, đậu tương, gia súc, gia cầm, hoa quả tươi,… Đặc biệt là chè, không chỉ là sản phẩm nổi tiếng làm nên thương hiệu cho tỉnh Thái Nguyên mà còn gây tiếng vang trên thị trường thế giới.

Bảng 2.7. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản theo giá hiện hành.

(Đơn vị: tỉ đồng)

Năm Tổng số Chia ra

Nông nghiệp Lâm nghiệp Thủy sản

2015 16.201,9 15.235,8 519,2 446,9

2016 17.713,3 16.657,6 563,7 492,0

2017 17.422,1 16.277,8 607,0 537,3

2018 21.634,5 20.346,8 674,2 613,6

2019 23.307,3 21.859,7 761,7 658,9

(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Thái Nguyên năm 2019)

Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2019 đạt 23.307,3 tỉ đồng theo giá hiện hành. Trong đó, phân ngành trồng trọt, chăn nuôi chiếm tỉ trọng lớn nhất (94,4% tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản), phân ngành thủy sản có tăng nhưng vẫn chiếm tỉ trọng rất nhỏ (chiếm 2,78%), phân ngành lâm nghiệp chiếm 3,18%.

- Về dịch vụ - thương mại:

Thái Nguyên là trung tâm kinh tế - văn hóa chính trị và trung tâm giáo dục của vùng Đông Băc, do đó, tỉnh có nhiều thế mạnh để phát triển dịch vụ - thương mại.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành phân theo ngành của tỉnh năm 2019 như sau: thương mại đạt 19.252,1 tỉ đồng; dịch vụ đạt 1.429,6 tỉ đồng; nhà hàng khách sạn đạt 1634,9 tỉ đồng.

Dịch vụ du lịch ở Thái Nguyên được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với nguồn tài nguyên phong phú: cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, các điểm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa, các di sản văn hóa phi vật thể,… Trong năm 2019, ngành du lịch Thái Nguyên đã đón hơn 2 triệu lượt khách. Trong đó, khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt hơn 344.964 lượt; khách tại các khu, các điểm tham quan du lịch đạt 464.280 lượt; khách do doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển phục vụ đạt hơn 47.760 lượt; khách quốc tế đạt hơn 24.750 lượt. Tổng doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch đạt gần 117 tỉ đồng.

- Kết cấu hạ tầng tiếp tục được cải thiện:

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật được chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp, nhất là các công trình trọng điểm, các tuyến giao thông chính, hạ tầng đô thị và nông thôn.

Hệ thống giao thông trên địa bàn được chú trọng đầu tư xây dựng. Đã hoàn thành tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên, góp phần quan trọng kết nối mạng lưới giao thông đối ngoại, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư.

Hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn như đường giao thông, mạng lưới điện, trường lớp học, trụ sở UBND cấp xã được cải thiện đáng kể. Trong 5 năm đã cải tạo nâng cấp 3.650km đường giao thông nông thôn; 180km kênh mương thủy lợi; 168 trạm điện, 646km đường điện; 1200 phòng học; trên 13000m2 nhà ở công vụ cho giáo viên; 56 trạm y tế; 44 trụ sở UBND xã; 29 nhà văn hóa và khu thể thao xã; 132 nhà văn hóa và khu thể thao xóm.

Hạ tầng thủy lợi và công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân được đầu tư đảm bảo tưới nước ổn định cho 85.000ha cây lương thực, cây màu và cây công nghiệp; tiêu úng cho 910ha; 85% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Hệ thống lưới điện được đầu tư nâng cấp, cải tạo, nâng cao khả năng truyền tải, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh có lưới điện quốc gia, trên 98% số hộ được sử dụng điện, trên 11 nghìn km đường dây và 2100 trạm biến áp.

Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch được khuyến khích đầu tư; một số dự án Trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới trong phát triển dịch vụ và thương mại.

Hệ thống các đô thị được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại, đồng bộ. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I.

Hệ thống thông tin liên lạc được đồng bộ hoàn chỉnh.

Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. - Giáo dục:

Thái Nguyên là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 toàn quốc, sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 8 trường đại học, hơn 20 trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp thuộc các ngành giáo dục, nông nghiệp, y tế, kinh tế và công nghiệp. Trong đó, chủ lực là Đại học Thái Nguyên, với 19 đơn vị thành viên, là đại học đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo từ dạy nghề đến đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong hệ thống giáo dục quốc dân, là nơi đà tạo nguồn cán bộ khoa học kĩ thuật, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Sự phát triển lớn mạnh của Đại học Thái Nguyên đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - văn hóa xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật được thành lập, hoạt động ổn định, ngày càng phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế đến khả năng lấy nước của cống ngọc trại thuộc hệ thống thủy lợi bắc hưng hải​ (Trang 42 - 47)