6. Bố cục của luận văn
1.1.2. Giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn
1.1.2.1.Một số khái niệm
* Lao động nữ là một bộ phận quan trọng của lực lượng lao động quốc
gia, bao gồm những phụ nữ trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, đang làm việc, đang có việc làm hoặc không có việc làm nhưng có nhu cầu và mong muốn có việc làm. Điều 3, Chương I, Bộ Luật Lao động Việt Nam quy định: Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.
* Lực lượng lao động nữ
Lực lượng lao động có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Thực tế cho thấy, khi có sự thiếu hụt về lực lượng lao động, một quốc gia sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển.
Ở Anh, “lực lượng lao động bao gồm những người đang có việc làm, hoặc đăng ký với các văn phòng địa phương của Bộ Lao động rằng muốn làm việc và sẵn sàng làm việc.”(Phạm Văn Dũng và cộng sự, 2012, tr 181). Theo đó, những người muốn có việc làm là lực lượng lao động.
Ở Việt Nam, theo Luật Lao động thì lực lượng lao động là những người trong độ tuổi lao động (do Hiến pháp quy định), có khả năng lao động, có nhu cầu về việc làm. Như vậy, Lực lượng lao động là bộ phận dân số trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, có nhu cầu việc làm, hiện đang có việc làm hay bị thất nghiệp.
Theo đó, lực lượng lao động nữ gồm những phụ nữ trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân và những phụ nữ thất nghiệp đang có nhu cầu việc làm. Và có nghĩa, lao động nữ không bao gồm bộ phận nữ sinh ở các trường phổ thông trung học, trung học chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, cao đẳng, đại học, phụ nữ làm việc nội trợ, chăm sóc gia đình, không tham gia hoạt động kinh tế, những phụ nữ ốm đau, dị tật bẩm sinh, không có khả năng lao động hoặc bị mất khả năng lao động, những phụ nữ không có nhu cầu làm việc.
*Giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn
Giải quyết việc làm cho người lao động là tạo ra các cơ hội cho người lao động chưa có việc làm được làm việc để có thu nhập nhằm đảm bảo cho cuộc sống của bản thân, gia đình và góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Mục đích của việc giải quyết việc làm là nhằm khai thác và phát huy mọi tiềm năng lao động dồi dào trong mỗi con người để đạt được mức việc làm hợp lý
và có hiệu quả; tạo cho con người thực hiện được quyền và nghĩa vụ lao động của mình.
Giải quyết việc làm cho người lao động không chỉ dừng lại ở việc tạo ra việc làm mà phải hướng tới nâng cao chất lượng lao động và chất lượng việc làm nhằm tạo ra việc làm bền vững, đem lại điều kiện lao động tốt và thu nhập đảm bảo cho người lao động. Đó là sự tác động giữa chủ thể xã hội và người lao động nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng lao động, đem lại việc làm đầy đủ và việc làm hợp lý nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Bộ Luật Lao động của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm” (Bộ Luật lao động, 2012, điều 9, chương 2).
Như vậy, giải quyết việc làm cho người lao động là tổng thể các giải pháp, các chính sách kinh tế - xã hội tác động đến người lao động nhằm tạo ra điều kiện và môi trường bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động có cơ hội làm việc với chất lượng việc làm và thu nhập ngày càng cao.
Từ khái niệm giải quyết việc làm, có thể hiểu: “Giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn là tổng thể những chính sách, biện pháp, những hoạt động tác động vào tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội để tạo ra việc làm phù hợp với lao động nữ nhằm mang lại thu nhập cho họ mà không bị phá p luật ngăn cấm”.
1.1.2.2.Đặc điểm và việc làm của lao động nữ nông thôn
*Đặc điểm của lao động nữ nông thôn
Phụ nữ là một lực lượng lao động quan trọng trong lực lượng lao động xã hội. Cùng với nam giới, phụ nữ cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Phụ nữ đã có mặt trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Tuy nhiên, có sự khác biệt về đặc điểm tâm sinh lý giữa lao động nam và lao động nữ nên đối với lao động
nữ, khi đề cập, cần xem xét đến các đặc điểm cơ bản trên phương diện giới và giới tính.
Thứ nhất, tính đặc trưng về sức khoẻ, tính cách, tâm lý xã hội và chức năng sinh học của lao động nữ.
Lao động nữ được xếp vào nhóm lao động đặc thù bởi những đặc điểm riêng biệt về thể chất, tinh thần, chức năng sinh học… Lao động nữ là người lao động có giới tính là nữ, ngoài việc thực hiện nghĩa vụ lao động như nam giới, họ còn đảm nhận thiên chức làm vợ, làm mẹ và chăm sóc gia đình. Họ bị chi phối nhiều bởi yếu tố gia đình, vừa là người lao động, vừa là người nội trợ, trong khi công việc gia đình đã chiếm rất nhiều thời gian và công sức của họ. Chức năng thiên bẩm của phụ nữ là mang thai, sinh con và nuôi con bằng sữa mẹ. Từ thiên chức này của lao động nữ nên đối với từng quốc gia đã có chính sách riêng phù hợp với lao động nữ.
Thứ hai, Sự chênh lệch về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và vị trí việc làm còn lớn.
Tình trạng chung của hầu hết các nước trên thế giới là tỷ lệ lao động nữ có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hơn so với nam giới. Nguyên nhân do định kiến xã hội, khái niệm truyền thống đối với phụ nữ đã ngăn cản phụ nữ không có nhiều cơ hội để tiếp cận với giáo dục đào tạo, lựa chọn ngành nghề và nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật. Mặt khác phụ nữ ít có cơ hội tiếp cận với công nghệ và giáo dục vì thường gặp nhiều khó khăn do gánh nặng công việc gia đình, điều kiện để nâng cao chuyên môn, kỹ thuật ít hơn nam giới.
Thứ ba, lao động nữ thường bị ảnh hưởng bởi quan niệm cũ của xã hội.
Lao động nữ thuộc nhóm lao động yếu thế, còn chịu nhiều thiệt thòi vì định kiến giới, đặc biệt là trong lĩnh vực việc làm. Một vấn đề nữa là sự phân biệt đối xử giới trực tiếp không nhiều, nhưng sự bất bình đẳng giới lại được tiềm ẩn.
*Việc làm của lao động nữ nông thôn
Việc làm của lao động nữ là những công việc mà pháp luật thừa nhận mang lại thu nhập cho lao động nữ, tạo điều kiện cho họ độc lập về kinh tế và phát triển các mối quan hệ xã hội.
Từ các đặc điểm cơ bản của lao động nữ đã tạo nên tính quy định đặc điểm việc làm của họ.
Thứ nhất, việc làm của lao động nữ thường tập trung ở các lĩnh vực hành chính sự nghiệp, các ngành công nghiệp nhẹ, các lĩnh vực thương mại và dịch vụ.
Lao động nữ ít có cơ hội tiếp cận, tìm kiếm và lựa chọn việc làm. Nhìn chung, việc làm của lao động nữ thường là những công việc nhẹ nhàng, ít nặng nhọc, ít độc hại và nguy hiểm. Phần lớn lao động nữ làm việc trong lĩnh vực hành chính, sự nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhiều hơn. Nhóm các ngành nghề như may mặc, giày da thì gần như toàn bộ các lao động là nữ. Trong nhóm các ngành công nghiệp nặng thì tỷ lệ lao động nữ thấp hơn.
Thứ hai, trên thực tế việc làm của lao động nữ thường trong các lĩnh vực đòi hỏi trình độ thấp và tính ổn định của thu nhập không cao.
Việc làm của lao động nữ thường tập trung ở các lĩnh vực có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, có thu nhập thấp, không ổn định và bất bình đẳng so với nam giới. Phụ nữ có xu hướng làm việc tập trung trong những hoạt động có năng suất lao động thấp hơn, làm các công việc tự do và tập trung trong khu vực tiền lương không chính thức. Ngay cả trong khu vực tiền lương chính thức, phụ nữ cũng tập trung trong một số ngành nghề nhất định, thường là những ngành nghề được trả lương thấp hơn. Những ngành nghề mà hầu hết lao động nữ chiếm ưu thế về số lượng như dệt may, nông lâm nghiệp, vệ sinh môi trường…; điều kiện làm việc khắc nghiệt, tính rủi ro cao. Lao động nữ chiếm đến 2/3 số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Họ cũng chiếm tỷ lệ
lớn trong khu vực kinh tế phi chính thức, trong các cơ sở kinh doanh nhỏ, lao động làm thuê gia đình, lao động di cư… Tuy nhiên, điều kiện lao động, thu nhập và an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) đối với lao động nữ làm việc trong khu vực này còn rất nhiều hạn chế.
Thứ ba, việc làm của lao động nữ có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực cùng với sự phát triển của nền kinh tế.
Khi nền kinh tế phát triển, vị thế việc làm của lao động nữ cũng có sự thay đổi tích cực theo chiều hướng tỷ lệ việc làm của lao động nữ thuộc nhóm lao động làm công tăng, thay thế vị trí của nhóm lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương. Hiện nay, lãnh đạo nữ, các nhà khoa học nữ, nữ trong các ngành mạo hiểm (phi công, lái xe…) đã tăng lên đáng kể. Với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật - công nghệ và sự thay đổi quan điểm xã hội, lao động nữ có nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn việc làm, hướng tới đạt được việc làm hợp lý hơn. Điều này khẳng định những hiệu quả đáng kể của chính sách giải quyết việc làm cho lao động nữ, khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động kinh tế mang lại thu nhập hợp pháp cho bản thân và gia đình.
1.1.2.3. Những nội dung cơ bản của giải quyết việc làm lao động nữ nông thôn
Tại Điều 5 Luật Việc Làm được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 16 tháng 11 năm 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đã quy định rõ chính sách của Nhà nước về việc làm
“Điều 5. Chính sách của Nhà nước về việc làm
1. Có chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo việc làm cho người lao động, xác định mục tiêu giải quyết việc làm trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách về việc làm.
2. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tạo việc làm và tự tạo việc làm có thu nhập từ mức lương tối thiểu trở lên nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thị trường lao động.
3. Có chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp.
4. Có chính sách đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
5. Có chính sách ưu đãi đối với ngành, nghề sử dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc sử dụng nhiều lao động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
6. Hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số.
Điều 6. Nội dung quản lý nhà nước về việc làm
1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về việc làm. 2. Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về việc làm.
3. Quản lý lao động, thông tin thị trường lao động, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và bảo hiểm thất nghiệp.
4. Quản lý tổ chức và hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
5. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về việc làm.
6. Hợp tác quốc tế về việc làm” [10].
Từ đó, có thể xác định những nội dung chủ yếu GQVL nói chung và cho lao động nữ ở nông thôn có nội dung cơ bản sau:
Một là, xây dựng và ban hành các chính sách về tạo việc làm cho người lao động. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc làm là những việc đầu tiên mà Nhà nước thực hiện để thực hiện chức năng QLNN về việc làm. Ở nước ta việc ban hành các văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa
đường lối, chủ trương của Đảng và đưa quan điểm của Đảng đi vào cuộc sống. Nội dung này được thực hiện không chỉ ở một cơ quan, một cấp nhất định mà thực hiện khác nhau từ trung ương tới địa phương: Chính phủ ban hành các Nghị định, quyết định; Bộ, ngành ở TW: ban hành các Thông tư, thông tư liên tịch; UBND tỉnh ban hành các Quyết định…
Việc ban hành hệ thống văn bản pháp luật tạo ra hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia vào quá trình GQVL cho NLĐ trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, quy định những hành vi được làm, những hành vi bị cấm, những hành vi được khuyến khích trong quá trình các chủ thể thực hiện GQVL.
Kế tiếp sau việc ban hành hệ thống văn bản pháp luật, Nhà nước tổ chức, tạo điều kiện cho các chủ thể chịu sự tác động của các văn bản pháp luật đó được biết, thực hiện các quy định đúng theo tinh thần mà Nhà nước định ra. Khi thực hiện đúng những quy định đã định ra và thực hiện tốt có thể được khen thưởng, nếu vi phạm có thể phải chịu các chế tài do Nhà nước đặt ra.
Hai là, Phát triển kinh tế xã hội gắn với thu hút tạo việc làm mới và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã làm thay đổi cơ cấu lao động đất nước, địa phương theo xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Số lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng lên, trong khi số lao động ngành nông nghiệp ngày càng giảm đi. Xây dựng các khu công nghiệp tập trung, hình thành các vùng chuyên canh cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến, nuôi trồng thuỷ sản, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng. Điều này tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến, góp phần tạo nên xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất hàng hoá, hướng về xuất khẩu.
Trong nội bộ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng đã có sự chuyển dịch ngày càng tích cực hơn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại
hoá. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn đã tăng. Nhằm GQVL tại chỗ cho lao động nông thôn, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, tạo điều kiện về mặt bằng, hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp;
Ba là, Thực hiện quản lý điều hành dự án vay vốn hỗ trợ việc làm;
Các Chương trình, dự án cho vay vốn đã góp phần quan trọng trong thực hiện chỉ tiêu kế hoạch về tạo việc làm, có tác động làm thay đổi nhận thức về việc làm cho chính người lao động. Tuy nguồn vốn vay không nhiều