CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.3. Tổng quan các công trình nghiên cứu trên Thế giới và trong nước
1.3.1.2. Chương trình mỗi làng một sản phẩm (OVOP) ở Nhật Bản
Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, ở tỉnh Oita (miền tây nam Nhật Bản) đã hình thành và phát triển phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”, với mục tiêu phát triển vùng nông thôn của khu vực này một cách tương xứng với sự phát triển chung của cả nước Nhật Bản. Trải qua gần 30 năm hình thành và phát triển, Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” ở đây đã thu được nhiều thắng lợi rực rỡ. Sự thành công của phong trào này đã lôi cuốn sự quan tâm không chỉ của nhiều địa phương trên đất nước Nhật Bản mà còn rất nhiều khu vực, quốc gia khác trên thế giới. Một số quốc gia, nhất là những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã thu được những thành công nhất định trong phát triển nông thôn của đất nước mình nhờ áp dụng kinh nghiệm phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”.
Những kinh nghiệm của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” được những người sáng lập, các nhà nghiên cứu đúc rút để ngày càng có nhiều người, nhiều khu vực và quốc gia có thể áp dụng trong chiến lược phát triển
nông thôn, nhất là phát triển nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa đất nước mình
1.3.1.3. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc
Từ thập niên 50 của thế kỷ XX đến nay khái niệm “nông thôn mới” đã được đề cập đến trong nhiều công trình nghiên cứu khác nhau ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ đến Hội nghị Trung ương 5 khóa XVI (10/2005) khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương: “Căn cứ vào yêu cầu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, phát triển văn minh nông thôn, quản lý dân chủ nhằm thúc đẩy xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa” thì khái niệm này mới mang ý nghĩa như hiện nay. Hiện nay, kinh tế của Trung Quốc đã chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế là đến từ phi nông nghiệp. Trung Quốc đã bước vào giai đoạn lấy công nghiệp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, vì thế, việc thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc.
Tác giả Phương Ly (2014) cho thấy xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện ở chỗ:
- Thứ nhất, xây dựng nông thôn mới là biện pháp quan trọng để thực hiện quan điểm phát triển khoa học.
- Thứ hai, xây dựng nông thôn mới là một yêu cầu nhằm bảo đảm cho sự thuận lợi của tiến trình hiện đại hóa ở Trung Quốc.
- Thứ ba, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp xây dựng xã hội khá giả toàn diện.
- Thứ tư, xây dựng nông thôn mới là động lực lâu dài bảo đảm cho sự phát triển nhanh và ổn định về kinh tế của Trung Quốc.
- Thứ năm, xây dựng nông thôn mới là cơ sở quan trọng của xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa.
1.3.1.4. Kinh nghiệm của Anh quốc
Có được một nông thôn mới tương đối hoàn thiện như vậy là nhờ một chiến lược thực hiện lâu dài và bài bản. Trong quá trình đô thị hóa nông thôn thì mạng lưới giao thông vi mô là quan trọng nhất. Họ không thể tùy tiện xóa bỏ những lối đi bé nhỏ, ngoằn ngoèo, vốn là một nét đặc sắc của không gian làng quê xưa, để thay bằng những con đường trải nhựa thẳng tắp như trong phố thị.
Chất lượng của mạng lưới đường giao thông trong mỗi thôn làng có thể được nâng cấp bằng những vật liệu mới, thậm chí được tráng nhựa, nhưng hình dạng và đặc điểm riêng của nó thì không được thay đổi. Mạng lưới thông tin liên lạc sẽ được cung cấp đồng bộ với việc nâng cấp của mạng lưới đường giao thông.
Đáng chú ý nhất là tuy những thôn dân sống ở xa thành phố nhưng không hề có cảm giác bị “lạc hậu” so với thành thị. Vì phương tiện giao thông hàng ngày của họ là ô tô cá nhân, xe bus, xe lửa… Nơi đâu cũng có internet, cable truyền hình, điện thoại; các cuộc mua sắm lớn đều thực hiện ở siêu thị, và phương thức thanh toán thông dụng đều thông qua thẻ tín dụng. Lối sống hiện đại ở nông thôn nước Anh hiện nay về thực chất không còn khoảng cách biệt giữa nông thôn và thành thị.