Tình hình sản xuất và tiêu thụ rau trên thế giới và ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả kinh tế mô hình trồng rau muống thuỷ canh công nghệ cao trong dự án khởi nghiệp số 1 tại trung tâm ươm tạo công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp (Trang 26 - 31)

2.2.1.1. Tình hình sản xuất và tiêu thụ rau trên thế giới

Theo thống kê của FAO (2008) [22]: Năm 1980, toàn thế giới sản xuất được 375 triệu tấn rau, năm 1990 là 441 triệu tấn, năm 1997 là 596,6 triệu tấn và năm 2001 đã lên tới 678 triệu tấn. Chỉ riêng cải cải bắp và cà chua sản lượng tương ứng là 50,7 triệu tấn và 88,2 triệu tấn với năng suất tương ứng 24,4 tấn/ha. Lượng tiêu thụ rau bình quân theo đầu người là 110 kg/người/năm. Tuy nhiên, trình độ phát triển nghề trồng rau của các nước không giống nhau. Theo K.U Ah med và M.shajahan (1991) cho biết nếu tính sản lượng theo đầu người ở các nước phát triển sản lượng cao hơn hẳn các nước đang phát triển, các nước phát triển tỷ lệ cây rau so với cây lương thực là 2/1, trong khi ở các nước đang phát triển là 1/2. Châu Á có sản lượng rau hàng năm đạt khoảng 400 triệu tấn với mức tăng trưởng 3% (khoảng 5 triệu tấn/năm), mức tiêu dùng rau của các nước Châu Á là 84 kg/người/năm. Trong số các nước đang phát triển thì Trung Quốc có sản lượng cao nhất đạt 70 triệu tấn/năm, Ấn Độ đứng thứ 2 với sản lượng rau hàng năm là 65 triệu tấn. Ngoài mức tăng về sản lượng hàng năm thì chất lượng ngày càng được quan tâm. Nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng để hạn chế các tồn dư trong sản phẩm rau (hàm lượng NO3, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng kim loại nặng… có hại cho sức khoẻ con người) như: kỹ thuật trồng rau không dùng đất, trồng trong dung dịch, trồng cây trong điều kiện có che chắn; Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn cho đất, bảo vệ môi trường.

Rau được tiêu thụ ở tất cả các nước trên thế giới. Theo FAO (2006) nhu cầu tiêu thụ rau, quả trên thế giới tăng 3,6%/năm. Nhưng mức cung cấp chỉ có tăng 2,8%. Rau được dùng kết hợp với các loại hoa quả thực phẩm rất tốt cho sức khỏe con người, do đó nhu cầu tiêu thụ rau ngày càng tăng. Theo dự báo nhu cầu tiêu thụ rau quả trên thế giới sẽ tăng 5%/năm, Nhật Bản tiêu thụ rau quả nhiều nhất trên thế giới, mỗi năm Nhật bản tiêu thụ 17 triệu tấn rau các loại, bình quân mỗi người tiêu thụ 100 kg/năm, xu hướng tiêu thụ rau gần đây chủ yếu là các loại rau tự nhiên và có lợi cho sức khỏe là những loại rau giàu vitamin. Trung bình trên thế giới mỗi người tiêu thụ 154 – 172 g/ngày [21].

Theo FAO (2006) tiêu thụ rau và hoa quả tươi của Anh là 79,6 kg/người/năm. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ do tác động của các yếu tố như sự thay đổi cơ cấu dân số, thị hiếu tiêu dùng và thu nhập dân cư, tiêu thụ nhiều loại rau đã tăng mạnh trong những năm qua [21].

2.2.1.2. Tình hình sản xuất và tiêu thụ rau ở Việt Nam

Việt Nam có lịch sử trồng rau từ lâu đời. Từ thời Vua Hùng, người ta đã phát hiện rau bầu bí trong vườn của gia đình. Theo sử sách thì rau được nhập vào nước ta từ đầu thế kỷ thứ X. Năm 1721 - 1783, Lê Quý Đôn đã tiến hành tổng kết các vùng phân bố rau. Năm 1029, nước ta đã tiến hành trồng thử rau cải trắng và khoai tây, như vậy nghề trồng rau nước ta ra đời từ rất sớm. Những năm trước đây, do nền kinh tế tự túc kéo dài, nghề trồng rau nước ta rất manh mún, chủng loại rau nghèo; diện tích và sản lượng rất thấp so với tiềm năng đất đai, khí hậu của Việt Nam. Hiện nay, chúng ta có khoảng 70 loài thực vật được sử dụng làm rau hoặc chế biến thành rau; rau trồng có khoảng hơn 30 loại, trong đó, có khoảng 15 loại chủ lực, trong số này có hơn 80% là rau ăn lá. Theo số liệu thống kê từ năm 1967 cho tới nay, sản xuất rau không ngừng tăng nhanh đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (2007 – 2010) cho thấy: ba năm 2007-2010, diện tích, năng suất và sản lượng rau tăng dần. Năm 2007, diện tích cả nước là 706.479 ha, năng suất 15,69 tấn/ha, sản lượng 11.084.655 tấn; năm 2008 diện tích tăng lên 722.580 ha, năng suất 15,93 tấn/ha, sản lượng 11.510.77 tấn; năm 2009, diện tích tăng lên 735.335 ha, năng suất 16,12 tấn/ha, sản lượng 11.885.067 tấn. Riêng miền Bắc diện tích rau có xu hướng giảm. Năm 2007, diện tích là 335.497 ha, năng suất 14,60 tấn/ha, sản lượng 4.899.834 tấn; năm 2009, diện tích giảm xuống còn 330.578 ha, năng suất 14,99 tấn/ha, sản lượng 4.956.667 tấn. Đặc biệt vùng Đồng bằng Sông Hồng diện tích giảm do tốc độ đô thị hoá tăng mạnh, nhưng về năng suất và sản lượng đã tăng hàng năm do trình độ và kỹ thuật canh tác phát triển. Năm 2007, diện tích là 160.747 ha, năng suất 18,64 tấn/ha, sản lượng 2.996.443 tấn; năm 2009, diện tích giảm xuống còn 142.505 ha, năng suất 19,88 tấn/ha, sản lượng 2.832.753 tấn.

Các tỉnh miền Nam có xu hướng tăng lên. Năm 2007, diện tích là 370.644 ha, năng suất 20,14 tấn/ha, sản lượng 6.194.730 tấn; năm 2009, diện tích tăng lên 404.757 ha, năng suất 17,11 tấn/ha, sản lượng 6.928.400 tấn.

Ở Việt Nam, rau được tiêu thụ hầu hết ở các hộ gia đình. Theo số liệu điều tra của Viên Nghiên cứu Rau Quả (2002) có 100% hộ gia đình tiêu thụ rau. Tính từ năm 1993 – 1998, rau được tiêu thụ rộng rãi nhất là rau muống (95% số hộ tiêu thụ), sau đó là cà chua 88%. Năm 1998 – 2002, rau tiêu thụ chủ yếu là đậu đỗ, bắp cải, su hào, mức tiêu thụ rau tăng 10%/năm [14]. Bình quân tiêu thụ rau của người Việt Nam là 54 kg/người/năm. Giá trị tiêu thụ rau hàng năm (bao gồm giá trị tự trồng) là 126.000 đồng/người hoặc 529.000 đồng/hộ (chiếm khoảng 4% tổng chi phí tiêu dùng). Trong một khảo sát gần đây của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam về sản xuất và thương mại hàng hóa rau cho thấy: Tổng lượng rau tiêu thụ bình quân đầu người tăng hơn 2 lần so với 10 năm qua. Xu hướng tiêu thụ rau của người Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Mức tiêu thụ rau theo đầu người sẽ tăng khoảng một nửa so với mức tăng của thu nhập, năm 2010 đạt mức tiêu thụ bình quân 140 kg/người/năm. Rau xanh vấn giữ vị trí quan trọng trong bữa ăn hàng ngày và mức tiêu thụ ngày càng lớn, nhưng được đánh giá mang lại nhiều rủi ro cho người tiêu dùng do chất lượng rau ở nhiều nơi không đảm bảo. Vì thế, mục tiêu của ngành sản xuất rau quả hiện nay là đáp ứng nhu cầu rau có chất lượng cao cho người tiêu dùng nhất là các vùng tập trung đông dân cư [18].

2.2.1.3. Tình hình sản xuất rau an toàn trái vụ ở Việt Nam

Trong 10 năm trở lại đây, các cơ quan nghiên cứu trong nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp nông nghiệp đã tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm nhiều kỹ thuật sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ, kết hợp trồng rau trái vụ tăng hiệu quả sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Trong đó, có khá nhiều nghiên cứu về kỹ thuật thủy canh với 2 hệ thống thủy canh là: hệ thống thủy canh tĩnh và hệ thống thủy canh động. Giới thiệu một số mô hình sản xuất thử nghiệm, như sau [13].

* Tại Hà Nội: Một khu nông nghiệp công nghệ cao được khởi công tháng

4/2002 đã hoàn thành và đi vào hoạt động tháng 9/2004. Vốn đầu tư 24 tỷ đồng (1,5 triệu USD), trong đó 50% vốn ngân sách thành phố và 50% vốn cơ quan chủ quản.

Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư phát triển nông nghiệp Hà Nội. Khu này được xây dựng trên diện tích 7,5 ha với 5.500 m2 trồng dưa chuột, cà chua, ớt ngọt; 2.000m2 trồng hoa, các giống đều được nhập từ ISAREL. Với tiến bộ mới về giống, quy trình chăm bón, hệ thống dinh dưỡng khoáng tự động, ánh sáng và nhiệt độ được điều chỉnh, năng suất cây trồng ở đây đạt khá cao và việc sản xuất bước đầu được xem là hiệu quả. Các giống cà chua trồng trong nhà kính công nghệ cao ISAREL đều là các giống cà chua chịu nhiệt, có khả năng cho năng suất cao và chất lượng tốt. Năng suất đạt cao nhất là giống quả to (226,5 tấn/ha), tiếp đến giống quả nhỡ và thấp nhất là giống quả bi (82,5 tấn/ha). Các giống dưa chuột được trồng trong nhà kính ISAREL đều là giống chọn tạo thích hợp trồng trong nhà, là giống có tỉ lệ đậu quả cao, có khả năng cho năng suất cao. Vụ xuân hè đạt năng suất 78- 116 tấn/ha, vụ thu đông đạt 74 tạ/ha. Chất lượng dưa chuột đều đạt tiêu chuẩn rau an toàn. Năng suất của các giống ớt ngọt trài vụ không cao (chỉ đạt từ 50 đến 120 tấn/ha). Sản phẩm ớt ngọt đạt tiêu chuẩn rau an toàn.

Thành phố Hà Nội đã hình thành các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất rau an toàn tại Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam, (Thanh Trì), Vân Nội (Đông Anh) đã xuất hiện nhiều trang trại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau và hoa. Năm 2002, toàn thành phố có 54 quầy bán rau an toàn, thực phẩm sạch. Hiện nay, thành phố đang xây dựng các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Mô hình rau, hoa chất lượng cao ở huyện Từ Liêm 16 ha; mô hình nông nghiệp công nghệ cao Nam Hồng (Đông Anh) 30 ha, ở Kim Sơn (Gia Lâm) 15 ha [18].

* Tại thành phố Hồ Chí Minh: Một khu sản xuất nông nghiệp công nghệ

cao cũng đã được phê duyệt với quy mô 100 ha. Tại đây, sẽ có khu sản xuất rau bằng phương pháp thủy canh, trồng trên giá thể không đất, nuôi trồng các loại lan, sản xuất nấm. Từ năm 2000 đến nay, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp ngày càng cao hơn. Năm 2001 là 3,7%, năm 2002 đạt 4,7% và năm nay tăng vọt lên đến 9,1%. Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa tiêu chí công nghệ cao vào nông nghiệp bằng việc xây dựng một khu nông nghiệp áp dụng các công nghệ tiên tiến với hơn 100 ha đất tại huyện Củ Chi. Trong đó, tập trung phát triển mô hình trồng rau bằng kỹ thuật thuỷ canh (hydropnics), màng dinh dưỡng (deep pond & flooting board technology) và canh tác trên giá thể không đất; công nghệ nuôi cấy mô (tissue culture) cho rau,

hoa, lan, cây cảnh, cây ăn trái...; ứng dụng chất điều hoà sinh trưởng thực vật (plant regulators) trong điều khiển cây trồng; ứng dụng công nghệ gene; sản xuất nấm và các chế phẩm vi sinh [13].

* Tại Hải Phòng: Dự án được triển khai thực hiện tại xã Mỹ Đức, huyện An

Lão với tổng đầu tư 22,5 tỷ đồng. Cơ quan chủ trì là Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hải Phòng. Khu nông - lâm nghiệp công nghệ cao Hải Phòng đã xây dựng các phân khu chức năng như: khu bảo tồn cây ăn quả đầu dòng và vườn ươm cây giống; khu sản xuất giá thể; khu nhà lưới sản xuất cây cảnh. Hiện nay, các khu nhà lưới, nhà kính sản xuất rau và hóa đã hoạt động và cho sản phẩm được 2-3 vụ. Năng suất cà chua, dưa chuột đạt 200-350 tấn/ha/năm, hoa hồng cũng đạt 200-300 bông/m2.

* Tại Vĩnh Phúc: đã triển khai dự án rau an toàn với 130 ha ở 16 xã thuộc

huyện Mê Linh, với 9000 hộ nông dân; sản lượng 2,5 vạn tấn/năm, với công thức 5 cấm trong rau sạch, 3 chỉ tiêu an toàn (dư lượng N03, thuốc sâu, vi sinh vật gây bệnh) [13].

* Tại Nghệ An: đã xây dựng mô hình sản xuất rau trong nhà lưới rộng 0,75

ha ở Đông Vĩnh, thành phố Vinh, tổng thu 150 triệu/ha/năm với lợi nhuận 75 triệu đồng [13].

* Tại Quảng Trị: Diện tích rau trồng rau vụ trái chỉ chiếm diện tích 500 ha,

trong đó tập trung ở các vùng đất tốt, chủ động tưới tiêu, gần nơi tiêu thụ như vùng chuyên canh rau Đông Giang, Đông Thanh, Gio Phong, Nại Cửu, Đạo Đầu, ... Tuy nhiên, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên sản xuất gặp nhiều khó khăn. Quảng Trị đã tiến hành thử nghiệm mô hình trồng rau trái vụ trong nhà lưới ở Triệu Giang, với 4 hộ tham gia, diện tích 200m2/hộ, đất trồng rau thuộc loại đất cát ven biển và đất phù sa, tiến hành trồng rau an toàn và trái vụ trong nhà lưới, chủng loại rau trồng là rau ăn lá (xà lách, mồng tơi, rau má, rau dền) và rau mầm. Kết mô hình thử nghiệm, trong 5 tháng mùa khô cho thấy: Tổng lãi ròng thu được sau 5 tháng trồng rau trên diện tích 200 m2 là hơn 4.7 triệu/hộ, sau khi trừ chi phí làm nhà lưới, các hộ còn lãi từ 1,8 - 2,0 triệu đồng [9].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả kinh tế mô hình trồng rau muống thuỷ canh công nghệ cao trong dự án khởi nghiệp số 1 tại trung tâm ươm tạo công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp (Trang 26 - 31)