Tác động của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với quá trình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố sông công tỉnh thái nguyên (Trang 42 - 45)

5. Kết cấu của luận văn

1.1.4. Tác động của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với quá trình

triển kinh tế của địa phương

FDI tác động rất lớn, trực tiếp đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia, tác động đến mọi mặt của đời sống về kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của nước tiếp nhận đầu tư. Trong đó, về kinh tế, FDI tác động đến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cán cân thanh toán, thu nhập của người lao động và các chỉ tiêu kinh tế khác. Để phục vụ cho việc luận chứng các chính sách thu hút FDI, người ta thường nhìn nhận các tác động kinh tế này thành hai nhóm: tác động tích cực và tác động tiêu cực.

1.1.4.1. Những tác động tích cực

Thứ nhất, FDI bổ sung nguồn vốn cho phát triển kinh tế. Một nền kinh tế đang phát triển, nếu có nguồn vốn đầu tư càng cao thì tăng trưởng sẽ càng cao. Vốn đầu tư hình thành từ nguồn vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm vốn vay thương mại, đầu tư gián tiếp và FDI. Các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn và FDI là một trong những nguồn vốn rất quan trọng. Vốn FDI có nhiều lợi thế vì không tạo ra khoản nợ giữa nước đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư, khi dự án tạo ra lợi nhuận thì được chuyển về nước và một phần được dùng để tái đầu tư, có tính ổn định cao hơn so với các khoản đầu tư khác.

Thứ hai, FDI góp phần vào sự phát triển công nghệ, kỹ thuật mới, góp phần cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng. Đồng thời, FDI tạo nền tảng vững chắc về khoa học và công nghệ để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP.

Các nước đang phát triển có đặc điểm là sử dụng công nghệ lạc hậu, do đó năng suất lao động thấp, hiệu quả và sức cạnh tranh sản phẩm yếu. Xét về nhu cầu, cần có quá trình chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Có hai hình thức chuyển giao công nghệ là trực tiếp và gián tiếp, trong đó FDI là hình thức chuyển giao công nghệ trực tiếp và có hiệu quả nhất. Bằng hình thức này, công nghệ được các công ty nước ngoài chuyển giao trực tiếp cả phần cứng (máy móc, thiết bị) lẫn phần mềm là bí quyết công nghệ. Đây là ưu điểm của chuyển giao công nghệ bằng con đường FDI so với các hình thức chuyển giao công nghệ khác. Việc tiếp nhận công nghệ từ chủ đầu tư sẽ giúp các doanh nghiệp FDI trong nước tiếp cận với công nghệ từ công ty mẹ, đồng thời rút ngắn khoảng cách công nghệ giữa nước đang phát triển với trình độ công nghệ tiên tiến của thế giới.

Thứ ba, FDI góp phần giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các dự án FDI mới tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động, và thông qua việc thực hiện các dự án đó, làm thay đổi cơ cấu lao động, nâng cao năng lực, kỹ năng lao động, năng lực quản lý doanh nghiệp, tác phong công nghiệp, phù hợp với nền sản xuất hiện đại.

Như trên đã nói, FDI luôn gắn liền với chuyển giao công nghệ mới so với công nghệ trong nước, cho nên lao động của nước tiếp nhận đầu tư được đào tạo để sử dụng và quản lý công nghệ, tiếp cận với phương pháp quản lý chất lượng, tổ chức và quản lý công nghệ, biện pháp tiếp thị, tiếp cận với các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Thông qua đó, trình độ và kỹ năng của người lao động trong nước được nâng lên rõ rệt.

Ngoài việc tạo ra việc làm trực tiếp, FDI còn gián tiếp tạo ra nhiều việc làm thông qua những ngành công nghiệp phụ trợ như cung cấp nhiên, nguyên,

vật liệu, dịch vụ phục vụ cho các doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư nước ngoài. Các hoạt động công nghiệp phụ trợ này cũng đòi hỏi chất lượng cao, tổ chức tốt, do đó có tác dụng nâng cao trình độ, kỹ năng sản xuất và kinh doanh ở các ngành công nghiệp phụ trợ.

Thứ tư, FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế. Thực vậy, hoạt động FDI chủ yếu phát triển ở các ngành công nghiệp, dịch vụ mới, do đó có tác động lớn đến cơ cấu ngành kinh tế, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại của nước tiếp nhận đầu tư. Thực tiễn cho thấy, FDI ở Việt Nam cũng tập trung vào hai ngành chủ yếu là công nghiệp và dịch vụ, ít đầu tư vào nông nghiệp, do đó, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Hầu hết các doanh nghiệp FDI về lĩnh vực sản xuất chủ yếu là sản xuất hàng hóa xuất khẩu, do vậy góp phần tăng năng lực xuất khẩu. Đồng thời, thông qua các chi nhánh của các công ty nước ngoài hoặc các công ty xuyên quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu. Hầu hết các nước đang phát triển đều nhập khẩu máy móc thiết bị và xuất khẩu các sản phẩm thô, do đó cán cân thương mại thường thâm hụt, mất cân đối trong cán cân thanh toán. FDI góp phần làm tăng thu ngoại tệ, góp phần cải thiện cán cân thanh toán.

Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng và cạnh tranh rất quyết liệt, đầu tư là một trong những lĩnh vực được các quốc gia cam kết tự do hóa. FDI làm cho sự phân công lao động quốc tế diễn ra theo chiều sâu, những cam kết về tự do hóa FDI được coi như là những quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế của từng quốc gia.

1.1.4.2. Những tác động tiêu cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với nước được đầu tư

Bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, FDI còn có những tác động tiêu cực đến nước tiếp nhận đầu tư. Sau đây là những tác động tiêu cực mang tính phổ biến:

Một là, Đối với các nền kinh tế có quy mô thị trường nhất định, các nhà đầu tư nước ngoài, sau một thời gian hoạt động, có khả năng sẽ kiểm soát thị trường địa phương, như vậy làm suy yếu các doanh nghiệp trong nước, làm cho nền kinh tế của nước nhận đầu tư ngày càng phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài. Ngày nay, trong điều kiện mở cửa và hội nhập quốc tế, tác động này có xu hướng ngày càng mạnh nhưng các nước tiếp nhận đầu tư cũng đã có đối sách thích hợp nhằm hạn chế tác động này.

Hai là, Về chuyển giao công nghệ, FDI có khả năng chuyển giao các công nghệ lạc hậu sang các nước đang phát triển, biến các nước tiếp nhận đầu tư thành "bãi thải công nghệ". Mặt khác, có một số công ty xuyên quốc gia lại chuyển giao những công nghệ quá hiện đại, không thích hợp với trình độ, tay nghề nhân lực của nước nhận đầu tư.

Ba là, Lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI có xu hướng chuyển ra nước ngoài, do vậy FDI tuy tác động đẩy mạnh tăng trưởng ngắn hạn và trung hạn nhưng có khả năng làm giảm tiềm lực tăng trưởng dài hạn.

Bốn là, Tạo nên những vấn đề phức tạp mới trong quản lý như biến động thị trường ngoại hối, trốn thuế thông qua chuyển giá, tăng mức độ gây ô nhiễm môi trường...

Năm là, Làm tăng các vấn đề xã hội mới như phân hoá xã hội, giàu nghèo, nạn "chảy máu chất xám" trong nội bộ nền kinh tế...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố sông công tỉnh thái nguyên (Trang 42 - 45)