Về lý thuyết, quản lý và điều hành ngân sách có thể tập trung cao độ mọi quyền lực vào chính quyền trung ương. Nhà nước chỉ có một ngân sách duy nhất, ngân sách này do chính quyền trung ương toàn quyền quản lý và quyết định sử dụng, phủ nhận sự tồn tại độc lập của ngân sách địa phương.
Lợi thế của cách quản lý này là cho phép tập trung toàn bộ nguồn thu vào tay nhà nước trung ương để bố trí chi tiêu cho hợp lý, công bằng, đồng đều giữa các vùng, miền, ngành nghề chống biểu hiện cục bộ địa phương.
Tuy nhiên, phương án này tạo ra tư tưởng ỷ nại, thụ động trông chờ vào trung ương và đặc biệt là nguồn lực có hạn của xã hội của xã hội có thể bị sử dụng lãng phí, không đáp ứng đúng đắn và kịp thời nhu cầu của người dân. Do đó trên thực tế các nhà nước đều thực hiện phân cấp quản lý ngân sách ở mức độ nhất định cho chính quyền địa phương. Phân cấp được xem như một phương thức để tăng tính dân chủ linh hoạt, hiệu quả và trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc cung cấp các hàng hoá và dịch vụ công cộng.
Tóm lại, qua nghiên cứu chương này, luận văn rút ra một số vấn đề chủ yếu sau đây:
Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi NSNN là một nội dung quan trọng trong cơ chế phân cấp quản lý ngân sách của các cấp chính quyền địa phương, nhằm quản lý ngân sách có hiệu lực và hiệu quả hơn, phát huy vai trò và chức năng của ngân sách nhà nước với tư cách là phương tiện vật chất duy trì sự tồn tại của bộ máy nhà nước và công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế - xã hội.
Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi NSNN là yêu cầu khách quan, bởi mỗi quốc gia đều có những vùng lãnh thổ khác nhau, mỗi địa phương đều có từng vùng miền khác khau. Việc phân chia dân cư theo đơn vị hành chính lãnh thổ, vùng miền, hình thành các cấp hành chính là đặc trưng của Nhà nước. Do đó, để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, cần thiết phải phân cấp quản lý NSNN, mà yếu tố quan trọng đó là cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi NSNN giữa ngân sách các cấp.
Căn cứ phân cấp quản lý ngân sách ở địa phương phải dựa vào mô hình tổ chức bộ máy hành chính, phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội và năng lực trình độ quản lý của mỗi cấp cấp chính quyền.
Các nguyên tắc phân cấp quản lý ngân sách nhà nước là phải bảo đảm sự tương ứng giữa hệ thống ngân sách với hệ thống hành chính; bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách cấp trên, phát huy tính năng động sáng tạo của ngân sách cấp dưới; đảm bảo tính thống nhất của nền tài chính quốc gia; đảm bảo tính công bằng, hiệu lực, hiệu quả, khách quan trong toàn hệ thống.
Từ nhận thức trên giúp cho việc đánh giá thực trạng phân cấp nguồn thu nhiệm vụ chi NSNN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng một cách khách quan. Qua đó đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm đổi mới và hoàn thiện cơ chế phân cấp hiện hành.
Chương 2