Đề tài nghiên cứu thực trạng mang gen bệnh beta Thalassemia và kiến thức, thái độ, thực hành dự phòng bệnh ở phụ nữ dân tộc thiểu số, độ tuổi sinh đẻ, có chồng tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn được thực hiện dựa trên các cá thể có mặt trong quần thể vào thời điểm nghiên cứu nhằm tìm ra tần số lưu hành gen bệnh và mức độ kiến thức, thái độ, thực hành dự phòng bệnh Thalassemia của nhóm phụ nữ này. Nghiên cứu với thiết kế cắt ngang trong thời gian không quá dài, không có di biến dân cư đáng kể. Do vậy càng làm giảm những yếu tố gây nhiễu ảnh hưởng tới kết quả nghiên cứu.
Về nhóm tuổi tham gia nghiên cứu cho thấy phụ nữ tham gia nghiên cứu có độ tuổi từ 26-35 chiếm tỷ lệ cao nhất (56,5%) (bảng 3.1). Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và hầu hết đã có một con. Do đó, phần lớn phụ nữ trong nghiên cứu của chúng tôi có độ tuổi từ 26-35. Tại Chợ Mới các dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn chủ yếu là dân tộc Tày, dân tộc Dao. Vậy nên trong nghiên cứu của chúng tôi gặp hầu hết là phụ nữ dân tộc Dao (57,7%) và Tày (32,3%).
Số phụ nữ có trình độ học vấn ở mức dưới tiểu học chiếm tỷ lệ khá cao (38,1%), vẫn còn 6,5% số phụ nữ không biết chữ (bảng 3.2). Do điều kiện kinh tế khó khăn, vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình chưa được coi trọng đúng mức nên người phụ nữ chưa có điều kiện thuận lợi để học tập. Trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nghề nghiệp của phụ nữ là nghề làm ruộng chiếm đại đa số (91,5%), nghề nghiệp của chồng cũng phần lớn là làm ruộng (89,2%). Điều kiện kinh tế hộ gia đình chủ yếu là nghèo (37,3%) và cận nghèo (47,7%) (bảng 3.3). Địa bàn nghiên cứu của chúng tôi là vùng nông thôn nên nhận thấy nghề làm ruộng chiếm đa số là phù hợp. Những đối
tượng thuộc diện nghèo thường khó có điều kiện chăm sóc sức khoẻ một cách đầy đủ và cũng khó có điều kiện tiếp cận với những dịch vụ y tế có chất lượng nên thường dễ mắc bệnh hơn. Đồng thời những đối tượng thuộc diện nghèo thường ít có điều kiện tiếp cận với các nguồn thông tin nên thường thiếu kiến thức, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng bệnh, những yếu tố này sẽ góp phần làm cho họ có những hành vi dự phòng bệnh chưa được tốt.
Về độ tuổi kết hôn, trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, tỷ lệ tảo hôn ở phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Chợ Mới chiếm tỷ lệ khá cao (29,2%), tỷ lệ tảo hôn ở nam giới chiếm 12,7% (bảng 3.4). Đây là vấn đề không mới, mặc dù ở nước ta đã giảm đáng kể tỷ lệ đói nghèo, nâng cao dân trí song tỷ lệ tảo hôn vẫn chưa có xu hướng giảm. Địa bàn huyện Chợ Mới có tỷ lệ tảo hôn cao đồng nghĩa với việc có chỉ số phát triển con người thấp. Kết hôn sớm có nhiều nguy cơ khiến những người phụ nữ này sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, không có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Đây là một vấn đề cần có giải pháp can thiệp thích hợp.
Nghiên cứu của chúng tôi về tình trạng di trú của các cặp vợ chồng cho thấy có 30,8% cặp vợ chồng ở cùng xã, gần 70% số cặp vợ chồng kết hôn trong cùng huyện. Trình độ dân trí thấp, nghề nghiệp chủ yếu là làm ruộng, ít có điều kiện giao lưu với người dân ở các địa phương khác ngoài khu vực sống. Do đó, việc chọn bạn ở cùng địa phương, cùng nơi sinh sống để kết hôn chiếm tỷ lệ cao. Tình trạng di trú của đối tượng có thể ảnh hưởng lớn tới tần suất lưu hành gen bệnh Thalassemia, điều này dẫn đến làm tăng tần suất xuất hiện trường hợp mang gen bệnh thể nặng trong cộng đồng. Do đó việc nâng cao trình độ dân trí, phát triển kinh tế hộ gia đình của người dân trong cộng đồng là hết sức quan trọng tạo cơ hội cho người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên có thể giao lưu, trao đổi, học tập với các đối tượng ngoài khu vực sinh sống. Khi đó tình trạng di trú của đối tượng được mở rộng hơn góp
phần hạn chế tình trạng kết hôn cận huyết, kết hôn giữa đối tượng cùng sống trong khu vực có tỷ lệ lưu hành gen bệnh cao, góp phần giảm thiểu nguy cơ kết hợp gen bệnh tạo thành thể nặng trong cộng đồng dân cư đó.
Thực tế cho thấy, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân huyện Chợ Mới còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe khi triển khai cần nắm rõ tính chất công việc, trình độ học vấn và điều kiện kinh tế của từng nhóm đối tượng để xây dựng kế hoạch truyền thông phù hợp, đặc biệt là bố trí thời gian truyền thông phù hơpk để tránh ảnh hưởng đến thời gian lao động, sản xuất của người dân. Trong một số nghiên cứu trước ở trong và ngoài nước cho thấy trình độ học vấn có liên quan đến nhận thức và khả năng tiếp cận các thông tin về dự phòng bệnh Thalassemia. Cho nên việc xây dựng nội dung giáo dục truyền thông cần phải phù hợp để người dân có thể tiếp nhận thông tin hiệu quả nhất.