Sau thời gian thực tập và tìm hiểu thực tế tại Công ty cùng với kiến thức được học ở trường, em xin được nêu ra một số giải pháp để công ty xem xét, tham khảo giúp hoạt động kinh doanh của Công ty ngày càng phát triển hơn.
- Khi tuyển nhân viên kế toán ở chi nhánh cần yêu cầu trình độ cao hơn do số lượng nhân viên kế toán ở chi nhánh chỉ cần 1-2 người và người đó phải làm tất cả các công việc giống kế toán tổng hợp như theo dõi công nợ, thủ kho, làm báo cáo thuế và báo cáo tài chính định kỳ…Bên cạnh đó, vào những ngày đầu kế toán chi nhánh cần về công ty để được hướng dẫn trực tiếp giúp nắm bắt nhanh chóng quy trình làm việc.
- Tuy phần mềm kế toán đã giúp không ít cho công việc nhưng kế toán cũng cần phải rà soát các số liệu thật kỹ nhằm tránh xảy ra sai sót.
- Về việc sắp xếp chứng từ: Khi phát sinh nghiệp vụ, kế toán nhập liệu vào phần mềm đồng thời cần phân loại chứng từ theo ngày để thuận tiện hơn trong việc sắp xếp và
tìm kiếm. Bên cạnh đó, kế toán nên chủ động sắp xếp chứng từ theo thứ tự mỗi ngày để tránh tình trạng ứ đọng làm tốn thời gian lâu hơn.
- Để tránh ảnh hưởng đến quá trình thu hồi vốn của công ty, kế toán công nợ cần theo dõi và đôn đốc khách hàng thường xuyên hơn. Kế toán phải thường xuyên liên lạc với nhân viên kinh doanh để theo dõi tình hình thu hồi nợ của khách hàng do kế toán là người nắm rõ nhất khách hàng đã thanh toán bao nhiêu và còn nợ bao nhiêu.
- Công ty cần phải quy định cụ thể ngày chốt doanh số hàng tháng để kế toán có thời gian điều chỉnh nếu sai lệch về giá, mã hàng hóa và gửi sổ chi tiết công nợ phải thu cho khách hàng chính xác về số liệu và đúng thời hạn. Việc chạy doanh số hàng tháng là không thể thiếu nên công ty có thể quy định ngày 2 hàng tháng là ngày chốt doanh số của tháng trước và không chấp nhận đề nghị với mọi lý do.
- Về TK 641 và 642: nên mở sổ chi tiết theo từng loại chi phí phát sinh để thuận tiện trong việc đánh giá tình hình sử dụng chi phí và có kế hoạch cụ thể trong việc cắt giảm chi phí, có thể phân loại thành:
• 6411 – Chi phí nhân viên
• 6412 – Chi phí vật liệu, bao bì
• 6413 – Chi phí dụng cụ, đồ dùng
• 6414 – Chi phí khấu hao TSCĐ
• 6415 – Chi phí bảo hành
• 6417 – Chi phí dịch vụ mua ngoài
• 6418 – Chi phí bằng tiền khác TK 642 cũng tương tự như TK 641.
KẾT LUẬN
Kết quả kinh doanh là một chỉ tiêu tài chính giúp nhà quản lý phân tích, đánh giá công việc và có những chiến lược kinh doanh trong tương lai. Đồng thời, nhờ có công tác kế toán xác định kết quả kinh doanh mà doanh nghiệp có thể xác định được ưu và nhược điểm, từ đó đề ra những phương hướng khắc phục để việc kinh doanh ngày càng hoàn thiện và phát triển.
Trong quá trình thực hiện đề tài “Thực trạng công tác kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty Cổ phần Sơn Hà Sài Gòn”, em đã được áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Em đã được tìm hiểu và học hỏi thêm nhiều điều về nghiệp vụ kế toán tại Công ty như cách định khoản, phản ánh nghiệp vụ kinh tế phát sinh, cách sắp xếp và lưu trữ chứng từ… Điều này giúp em có những kiến thức vững chắc để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai và hiểu rõ hơn tầm quan trọng của kế toán trong công ty.
Vì thời gian thực tập còn hạn chế nên không thể tránh khỏi sai sót trong bài báo cáo. Kính mong nhận được ý kiến đóng góp từ quý Thầy Cô và các anh chị trong Công ty. Một lần nữa, em xin chân thành cảm ơn Cô Trần Thị Kỳ cùng toàn thể anh chị trong Công ty CP Sơn Hà Sài Gòn đã luôn ủng hộ, đóng góp và hướng dẫn tận tình để em hoàn thành tốt bài báo cáo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Tài chính, Quyết định số 15/2006-QĐ/BTC, 2006. 2. Bộ Tài chính, Thông tư số 161/2007/TT-BTC, 2007. 3. Bộ Tài chính, Chuẩn mực kế toán số 01, 2002. 4. Bộ Tài chính, Chuẩn mực kế toán số 14, 2001.
5. Trịnh Ngọc Anh, Đào Thị Kim Yến (2012). Nguyên lý kế toán. NXB Kinh tế TP.HCM.
6. Chứng từ, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính năm 2014 của Công ty Cổ phần Sơn Hà Sài Gòn.