Khái quát về người Nùng và tiếng Nùng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ ngữ nghề rèn của người nùng ở phúc sen (quảng uyên, cao bằng) (Trang 31 - 37)

Chương 1 : CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN

1.2. Khái quát nghề rèn ở Phúc Sen (Quảng Uyên Cao Bằng)

1.2.1. Khái quát về người Nùng và tiếng Nùng

1.2.1.1 Khái quát về người Nùng

Theo Thống kê dân số công bố năm 1999, dân số dân tộc Nùng là 856.412 người. Họ sống chủ yếu ở khắp các tỉnh thượng du và trung du Bắc Bộ, Việt Nam nhưng sống tập trung nhiều nhất ở các tỉnh vùng Đông Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang,… Người Nùng làm ruộng nên thường tụ cư ở các thung lũng, cánh đồng thuộc các lưu vực sông Chảy, sông Gâm, sông Lô, sông Kỳ Cùng, …

Đại bộ phận người Nùng là những người di cư từ Trung Quốc sang. Họ di cư theo từng nhóm, nguyên nhân của những cuộc thiên di chủ yếu là do bị áp bức bóc lột nặng nề, bị chèn ép, nhất là bị đàn áp, tàn sát đẫm máu sau các cuộc khởi nghĩa không thành công. Loạn lạc cướp bóc, đồng thời nạn thiếu ruộng cũng thúc đẩy họ đi tìm nơi sinh sống khác.

Người Nùng ở Việt Nam có nhiều nhóm địa phương với tên gọi khác nhau. Có nhóm gọi theo tên quê hương cũ thuộc các huyện Quảng Đông và

Quảng Tây… của Trung Quốc như: Nùng An (An Kết), Nùng Inh (Long Anh), Nùng Lòi (Hạ Lôi), Nùng Cháo (Long Châu), Nùng Phàn Sình (Vạn Thành)… Có nhóm lại gọi theo đặc điểm trang phục: Nùng U (có túi váy), Nùng Hu Lài (khăn đội đầu có đốm trắng), Nùng Khen Lài (ống tay áo có mảng hoa văn)… Ngoài những yếu tố chung của tộc người, còn có đặc điểm riêng của từng nhóm Nùng thể hiện qua trang phục, cấu trúc nhà cửa, các phong tục tập quán, lễ tết và các nghề thủ công truyền thống. Các nhóm Nùng ở Việt Nam cư trú chủ yếu theo nhóm địa phương như: Nùng Phàn Sình tập trung ở Lạng Sơn, Nùng U tập trung ở Quảng Ninh, Nùng Giang và Nùng An ở Cao Bằng.

Ở Cao Bằng, người Nùng có số dân đông thứ hai (toàn quốc). Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở của Cục thống kê Cao Bằng tháng 4/2009, Cao Bằng có 157.607 người Nùng cư trú, chiếm 31% dân số toàn tỉnh. Người Nùng phân bố rải rác ở các huyện trong tỉnh như: Hạ Lang, Thông Nông, Hòa An, Trà Lĩnh, Thạch An, Trùng Khánh, Phục Hòa, Quảng Uyên, Hà Quảng,…

1.2.1.2 Người Nùng ở Xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng * Về vị trí địa lý

Xã Phúc Sen nằm ở phía Tây của huyện Quảng Uyên, cách trung tâm huyện lỵ 4km với tổng diện tích tự nhiên là 1285 ha, xã có vị trí địa lý: Phía Bắc giáp xã Quốc Dân và Quốc Phong, Phía Đông giáp xã Chí Thảo, Phía Nam giáp xã Tự Do, Phía Tây giáp xã Đoài Khôn.

Trước Cách mạng tháng Tám, xã Phúc Sen ngày nay thuộc xã Đoài Khôn, tổng Cổ Nông, châu Quảng Uyên. Từ năm 1958, do số dân tăng lên nhanh chóng và do địa bàn quá rộng nên xã Đoài Khôn đã được tách thành ba xã: Đoài Khôn, Phúc Sen, Quốc Dân. Như vậy Đoài Khôn vẫn mang tên cũ từ trước, còn Quốc Dân và Phúc Sen là tên mới. Đặt tên xã Quốc Dân và Phúc Sen chính là để tưởng nhớ tới hai chiến sĩ cách mạng là con em của xã Đoài Khôn trước kia.

Hiện nay xã Phúc Sen có mười đơn vị thôn bản, hình thành hai khu vực chính là: Thung lũng cánh đồng thôn Khào gồm ba bản là Khào A, Khào B và Tẩu Đông. Thung lũng cách đồng Thanh Minh có sáu thôn là Chang Trên, Chang Dưới, Đâư Cọ, Pác Rằng, Tình Đông, Lũng Vài. Thôn Lũng Sâu ở riêng một thung lũng nhỏ có núi bao bọc xung quanh.

Xã Phúc Sen cách thành phố Cao Bằng 33 km, nằm dọc theo hai bên đường quốc lộ 3 từ thành phố vào các huyện miền đông của tỉnh, cách cửa khẩu Tà Lùng 25 km và chỉ cách thị trấn Quảng Uyên 4 km. Đặc điểm địa lý trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho Phúc Sen phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu buôn bán các mặt hàng nông nghiệp và thủ công nghiệp một cách dễ dàng thuận tiện với các vùng lân cận.

* Về điều kiện tự nhiên

Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 1285 ha với 1015 ha là diện tích núi đá vôi, chỉ còn lại 270 ha đất canh tác, trong đó có 103 ha trồng lúa một vụ, 167 ha trồng ngô và một số cây màu khác. Hiện nay ở Phúc Sen có các loại đất sau: Đất nâu vàng phát triển trên đá vôi, loại đất này tơi xốp và có độ ẩm cao thích hợp trồng ngô, cây ngắn ngày; Đất carbonat thích hợp trồng lúa, ngô; Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước, đất thích hợp trồng lúa nước nhưng cần bón thêm lân.

Phúc Sen nằm trên vùng có địa hình đá vôi, toàn xã là một thung lũng hình lòng chảo được bao bọc bởi núi đá vôi. Đây là vùng chịu ảnh hưởng sâu sắc của gió mùa Đông Bắc, mùa đông thường lạnh và mưa ít, mùa hè nóng ẩm mưa nhiều hơn, nhiệt độ trung bình là 200C, nhiệt độ cao nhất là 370C, nhiệt độ thấp nhất là -30C. Lượng mưa hằng năm không cao, thường có hạn hán kéo dài ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

* Về địa bàn cư trú

Dân tộc Nùng ở Cao Bằng tập trung đông nhất tại huyện Quảng Uyên với 23.063 người. Phân bố ở các xã như: Tự Do, Hồng Quang, Chí Thảo, Phi

Hải, Hồng Đại, … Trong đó tập trung nhiều nhất tại ba xã Phúc Sen, Đoài Khôn và Quốc Dân, đây là ba xã duy nhất có người Nùng An cư trú.

* Đời sống vật chất

- Lương thực :

Là cư dân nông nghiệp ở thung lũng bồn địa nên lương thực chính của người dân ở đây bao gồm gạo tẻ, gạo nếp và ngô. Ngoài ra còn có các loại cây lương thực phụ khác như khoai lang, kê, củ cải, đặc biệt có khá nhiều loại rau đậu như đậu tương, đậu trắng, đậu lạc, đậu xanh, ...

- Nhà ở:

Giống như người Tày, nhà sàn là ngôi nhà truyền thống của người Nùng ở Phúc Sen. Cho đến nay phần lớn nhà ở của các gia đình nơi đây đều là nhà sàn có độ tuổi trung bình từ hai mươi đến sáu mươi năm.

- Trang phục:

Trang phục của người Nùng ở Phúc Sen giản dị, chân phương, được cắt may đơn giản nhưng cẩn thận từ loại vải chàm do tự tay lọ trồng bông, kéo sợi, dệt vải đến nhuộm, hấp. Trang phục nam được cắt may theo kiểu áo 5 thân, cổ tròn, dài chấm ngang hông, có 5 khuy vải, 4 cúc ở bên sườn, một cúc ở cổ, ống tay rộng vừa phải và ngắn, áo được xẻ tà hai bên, quần may theo kiểu chân què, đũng rộng, ống quần rộng, cạp quần rộng, không khâu cạp luồn giải rút mà khi mắc quần chỉ vặn chéo lại rồi dắt đầu cạp vào hai bên hông. Áo nữ được cắt may theo kiểu 5 thân, cổ đứng thấp, tà xẻ cao,cài khuy cạnh. Áo thường dài chấm gối, gấu áo hình vòng cung, cổ tay có đáp thêm mảnh vải kẻ sọc trắng và xanh để trang trí. Quần nữ được may theo kiểu chân què, cạp lá tạo bằng vải trắng.

* Về văn hoá tinh thần

Đời sống văn hoá tinh thần của ngưòi Nùng ở Phúc Sen khá phong phú và đa dạng. Tiếng Nùng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Văn tự cổ của đồng bào ở Phúc Sen là chữ Hán và chữ Nôm Nùng được lưu truyền lại bởi

các thế hệ thầy Tào trong vùng. Người Nùng ở Phúc Sen có thể hát dân ca rất độc đáo gọi là “Hèo fưn” có nghĩa "mời", "gọi". Tín ngưỡng của người Nùng nơi đây là thờ tự chính trong nhà. Trong một vòng đời người, người Nùng ở Phúc Sen có một số nghi lễ khác, chẳng hạn:

- Lễ cúng tạ bà mụ đầu tiên: Lễ cúng này chỉ áp dụng đối với những bà mẹ mang thai đứa con đầu lòng.

- Lễ cúng trưởng thành: Lễ này chỉ áp dụng đối với con trai út trong gia đình. Lễ này được tổ chức khi người con trai tròn ba mươi sáu tuổi (gọi là lễ Tam lục khảm cám).

- Về lễ cưới: Đôi bên cha mẹ và ông thầy Tào là những ngưòi đóng vai trò quan trọng trong việc hôn nhân của trai gái ở đây. Các công việc liên quan đến cưới xin đều do cha mẹ sắp xếp, còn thầy Tào là người quyết định xem số mệnh của đôi trai gái có hợp nhau không và định ngày giờ làm lễ cưới đồng thời là người trực tiếp đón rước dâu.

- Về tang lễ: Giống như nhiều dân tộc khác, đồng bào ở đây cũng quan niệm rằng bên cạnh thế giới của người sống còn có thế giới của người chết. Họ cho rằng người chết sang thế giới bên kia vẫn có những nhu cầu như cuộc sống trần thế.

- Về những ngày Tết: Đồng bào ở đây ăn tết quanh năm. Có thể nói một năm có mười hai tháng thì gần như tháng nào cũng có tết, mỗi tết có một đặc trưng riêng.

- Tục kết bạn “tồng” : Tục kết bạn “tồng” (tồng là giống, cùng, tồng căn

có nghĩa là giống nhau), là một trong những phong tục tốt đẹp của các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, nhưng chủ yếu là kết bạn tồng cùng giới.

1.2.1.3. Vài nét về tiếng Nùng

Tiếng Nùng thuộc hệ Thái – Kadai, là tiếng nói của dân tộc Nùng, một trong những dân tộc thiểu số khá đông dân. Tiếng Nùng có nhiều nhóm phương ngữ khác nhau như Nùng Cháo, Nùng Phàn Sình, Nùng Inh, Nùng An, Nùng Lòi, Nùng Giang, ...

Xét về đặc điểm loại hình, tiếng Nùng thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập. Những đặc trưng đơn lập của tiếng Nùng được thể hiện:

- Về ngữ âm: Trong tiếng Nùng, âm tiết có tính tổ chức chặt chẽ và có vị trí quan trọng trong hệ thống ngôn ngữ. Âm tiết thường là vỏ của hình vị, trong nhiều trường hợp là vỏ của từ. Tiếng Nùng là một ngôn ngữ âm tiết tính, thuộc tiểu loại hình trung. Cũng như các ngôn ngữ đơn lập khác (tiếng Việt, tiếng Hán,..), từ trong Tiếng Nùng không có hiện tượng biến đổi hình thái.

- Về ngữ pháp: Ý nghĩa ngữ pháp, quan hệ ngữ pháp trong tiếng Nùng được biểu thị chủ yếu bằng trật tự từ và hư từ. Ví dụ: Người Nùng khi nói đến từ bút (bút), chúng ta rất khó xác định đây là từ chỉ số ít hay số nhiều. Muốn phân biệt được điều đó, người ta phải sử dụng hư từ nằm bên ngoài từ bút để thể hiện. Ví dụ: tu lăng (cửa sau); lăng tu (sau cửa).

Với những đặc điểm cơ bản trên, tiếng Nùng được coi là một ngôn ngữ điển hình cho ngôn ngữ đơn lập.

Đặc điểm về loại hình tiếng Tày Nùng có mối liên hệ khá chặt chẽ với các đặc điểm về cấu trúc (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) của chúng.

Vốn từ vựng tiếng Nùng khá phong phú, khá đầy đủ các lớp từ thường dùng để chỉ những hiện tượng tự nhiên trong đời sống con người, những mối quan hệ thân tộc, kể cả miêu tả tâm lý con người. Vốn từ vựng này trong tiếng Nùng gồm hai bộ phận.

Bộ phận thứ nhất và quan trọng nhất là các từ gốc Thái-Kadai, mà trực tiếp là các từ gốc của tiểu chi Thái trung tâm, là vốn từ của riêng dân tộc Nùng. Đây là lớp từ cơ bản nhất chỉ các sự vật, hiện tượng gần gũi nhất trong cuộc sống, được sử dụng nhiều nhất trong đời sống hằng ngày.

Bộ phận thứ hai là lớp từ vay mượn từ ngôn ngữ các dân tộc có tiếp xúc. Khi so sánh vốn từ tiếng Nùng với các ngôn ngữ có tiếp xúc trong khu vực, ở tiếng Nùng có những từ chung gốc với các ngôn ngữ Nam Đảo, Nam Á, Hán Tạng, Mông Dao, ... Đây là kết quả của quá trình tiếp xúc ngôn ngữ - văn hóa giữa các tộc người này.

Từ vay mượn từ tiếng Hán: do sự tiếp xúc về văn hóa cũng như kiểu sống xen kẽ với đồng bào dân tộc trong quá trình di cư một thời gian tương đối dài, mà từ mượn Hán trong tiếng Nùng khá phổ biến.

Các dân tộc Kinh, Tày, Nùng đã có hàng trăm năm tiếp xúc văn hóa, tiếng Việt ngày càng có ảnh hưởng khá sâu đậm vào tiếng Nùng. Các từ vay mượn Việt được sử dụng một cách phổ biến trong đời sống của người Nùng. Và càng ở những vùng sống gần người Việt thì việc vay mượn càng phổ biến. Trong tiếng Nùng ngày nay, lớp từ vay mượn này có xu hướng ngày càng tăng, bao gồm đủ mọi lớp từ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học kĩ thuật ...

Trật tự và hư từ là những phương thức chính để biểu hiện các ý nghĩa ngữ pháp. Thành phần câu trong tiếng Nùng có trật tự SVO, tức là: Chủ ngữ (S) - Vị ngữ (V), Bổ ngữ (O).

Những đặc điểm trên của tiếng Nùng ở Việt Nam là kết quả của quá trình biến đổi của các ngôn ngữ trong khu vực lục địa Đông Nam Á. Đó là:

1) Quá trình đơn tiết hóa.

2) Quá trình hình thành và phát triển hệ thống thanh điệu, từ loại hình ngôn ngữ không có thanh điệu đến loại hình ngôn ngữ thanh điệu (trong đó có tiếng Nùng).

3) Quá trình thay đổi hệ hình thái học kiểu chắp dính bằng hệ hình thái loại hình đơn lập.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ ngữ nghề rèn của người nùng ở phúc sen (quảng uyên, cao bằng) (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)