Khái quát về nghề rèn ở Phúc Sen

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ ngữ nghề rèn của người nùng ở phúc sen (quảng uyên, cao bằng) (Trang 37 - 43)

Chương 1 : CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN

1.2. Khái quát nghề rèn ở Phúc Sen (Quảng Uyên Cao Bằng)

1.2.2. Khái quát về nghề rèn ở Phúc Sen

1.2.2.1 Lịch sử ra đời nghề rèn

Là một trong những nghề thủ công truyền thống còn tồn tại tới ngày nay, nghề rèn ở Phúc Sen đã gắn bó với người Nùng An từ rất lâu đời. Nghề rèn ở Phúc Sen có từ bao giờ và do ai truyền dạy? Câu hỏi này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người nhưng cho tới nay vẫn chưa có được chứng cớ xác thực về mốc thời gian nghề rèn có mặt ở đây và cũng chưa tìm ra “ông tổ” của

nghề rèn là ai. Tuy nhiên, trong dân gian vẫn lưu truyền những câu chuyện khác nhau về nguồn gốc ra đời của nghề rèn.

Câu chuyện thứ nhất cho rằng: nghề rèn vào Phúc Sen theo con đường di dân. Vào khoảng thế kỷ 18, 19 người Nùng di cư từ Trung Quốc sang, khi đoàn người di cư dừng chân ở thung lũng Phya Chang (nay chia thành 2 bản Chang Trên và Chang Dưới thuộc xã Phúc Sen) lập bản định cư. Trong ba gia đình thì họ Hoàng là họ có nghề rèn sắt gia truyền ở nơi quê cũ bên Trung Quốc mang sang. Ông này bèn tập hợp hai gia đình kia lại cùng dựng lò rèn để rèn các dụng cụ lao động phục vụ việc khai khẩn đất đai và dựng nhà cửa tại đất mới. Nghề rèn từ đó được lưu truyền từ đời này đến đời khác và tồn tại cho tới ngày nay.

Câu chuyện thứ hai lại cho rằng: nghề rèn ở Phúc Sen là kế thừa nghề rèn từ thời nhà Mạc để lại. Nhà Mạc lên Cao Bằng vào khoảng thế kỷ 16, trong những năm tháng nhà Mạc đóng phiên triều ở Cao Bằng đã mở các lò rèn ở châu Quảng Uyên cũ (nay thuộc Quảng Hòa) để rèn đúc vũ khí. Sau khi nhà Mạc tan rã, các thợ rèn đã di tản vào sống cùng với dân địa phương. Khi người Nùng An tới cư trú ở vùng đất này, việc đầu tiên là họ đi tìm người rèn sắt để chế tác các dụng cụ lao động. Sau nhiều ngày tìm kiếm họ gặp được một lão thợ rèn già không rõ quê quán và nhờ lão rèn các dụng cụ lao động như dao, cuốc, búa. Sau đó họ đã mời lão thợ rèn về sống ở bản và dựng một căn nhà nhỏ cho lão ở và một lò rèn. Sau này lão đã truyền nghề rèn cho dân bản, dạy dân bản cách chế súng kíp, làm đạn súng kíp và đúc lưỡi cày gang... Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng: trong thời gian ở Cao Bằng để mở mang lực lượng nhà Mạc đã có chính sách khuyến khích và lôi kéo nhiều người từ bên kia biên giới sang Cao Bằng. Họ đã cử người sang tận Long An, Quảng Tây Trung Quốc đón các thợ rèn người Nùng về giúp việc rèn súng ống, sau đó họ ở lại lập nên các làng với làng nghề truyền thống như hiện nay.

Cho tới nay chưa ai có thể kiểm chứng mức độ thực hư của những câu chuyện nói trên, tuy nhiên chúng vẫn tồn tại trong tâm thức người dân nơi đây, ảnh hưởng tới tập quán tín ngưỡng của đồng bào. Có một điều chắc chắn đó là nghề rèn đã xuất hiện từ lâu đời, khoảng 200 năm tồn tại và phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển của đồng bào Nùng An ở Phúc Sen.

1.2.2.2. Các giai đoạn phát triển của nghề rèn

Nghề rèn ở Phúc Sen cũng như các nghề thủ công truyền thống khác đã trải qua quá trình phát triển lâu dài với nhiều cách thức tổ chức sản xuất khác nhau. Có thể chia làm 4 giai đoạn phát triển của nghề rèn nơi đây như sau:

a) Giai đoạn từ 1945 trở về trước.

Giai đoạn này nghề rèn chỉ được coi là nghề phụ của từng gia đình, họ chỉ rèn khi nào cần có các dụng cụ lao động nên sản phẩm rèn chỉ mang tính chất tự túc tự cấp. Có thể phân thành hai thời kỳ nhỏ như sau:

Tự cấp trong nội bộ gia đình, nội bộ bản: Đây là thời kỳ người Nùng

An mới đến lập bản, các sản phẩm rèn chủ yếu là dụng cụ lao động phục vụ trực tiếp cho lao động sản xuất như lưỡi cày, xẻng, dao, búa, .. Tất cả các sản phẩm đó trước đây khi cư dân còn thưa thớt thì chỉ phục vụ tại chỗ theo phương thức tự túc tự cấp.

Tự cấp trong nội bộ đồng bào Nùng An: Càng về sau khi dân cư phát

triển ngày một đông, do nhu cầu về những dụng cụ lao động từ rèn của từng gia đình không đáp ứng kịp nên dân bản đã tập hợp hai, ba gia đình làm một tổ cùng góp sức để rèn vừa đỡ vất vả, vừa tăng năng suất lao động mà tiết kiệm được than, sắt thép. Từ chỗ lúc đầu các sản phẩm rèn của Phúc Sen chỉ phục vụ trong gia đình sau đã phát triển sang phục vụ cho cả khu vực cư trú của người Nùng An.

b) Giai đoạn từ 1945 – 1960.

Từ những năm sau năm 1945, sản phẩm của Phúc Sen đã được nhiều nơi khác biết đến thông qua mối quan hệ giữa những người Nùng An sống

gần các nhóm Tày Nùng khác, dân tộc khác. Lúc đầu họ mượn dụng cụ lao động của người Nùng An sau đó thấy tốt thì nhờ mua giúp, lâu dần sản phẩm của Phúc Sen được bà con nhiều vùng khác tín nhiệm. Do nhu cầu về dụng cụ lao động của đồng bào ngày càng nhiều nên người dân Phúc Sen đã đưa các sản phẩm rèn của mình ra chợ đổi lấy dầu, muối và các nhu yếu phẩm khác phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của mình. Có thể nói, sản phẩm của nghề rèn đến đây không hoàn toàn mang tính tự cung tự cấp nữa, ngoài việc phục vụ nhu cầu gia đình làng bản, các vật dụng do họ làm ra đã đáp ứng phần nào nhu cầu của đồng bào lân cận và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên. Giai đoạn này đồng bào Nùng An vẫn chỉ sản xuất với quy mô nhỏ, sản phẩm chưa thực sự phong phú về chủng loại.

c) Giai đoạn từ 1960 – 1979

Từ năm 1960 hợp tác xã nông nghiệp ở Phúc Sen được thành lập theo khu vực hành chính là bản, mỗi bản có một hợp tác xã. Khi hợp tác xã nông nghiệp đi vào ổn định, đời sống kinh tế xã hội được phát triển nhờ các biện pháp thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng và một phần nhờ có thu nhập thêm từ các nghề phụ, trong đó sản phẩm của nghề rèn là nguồn thu nhập thêm chủ yếu. Tháng 9 năm 1960, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đầu tiên của xã Phúc Sen được thành lập tại bản Phya Chang. Sau đó, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp lần lượt được thành lập tại các bản khác như bản Pắc Rằng, Tình Đông, Lũng Vài, … Tới năm 1976 cả xã Phúc Sen có 7 bản hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Cũng giống như khi gia nhập hợp tác xã nông nghiệp, các hộ gia đình ở đây đều đưa tài sản của gia đình mình vào hợp tác xã và được hưởng mọi quyền lợi của người xã viên với phương thức làm việc tập trung và ăn chia sản phẩm theo công điểm.

Năm 1975, Liên minh các hợp tác xã thủ công nghiệp xã Phúc Sen

được thành lập trên cơ sở tập hợp 7 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp của 7 bản thuộc xã Phúc Sen. Liên minh các hợp tác xã thủ công nghiệp xã Phúc Sen

tồn tại và phát triển trong vòng 5 năm từ năm 1975 đến năm 1979 dưới sự chỉ đạo và quản lý của Hiệp hội liên minh các hợp tác xã tỉnh Cao Bằng. Thời kỳ này hợp tác xã thủ công nghiệp của xã Phúc Sen đã được Hiệp hội liên minh các hợp tác xã tỉnh Cao Bằng đầu tư trang bị cho một số thiết bị máy móc tương đối hiện đại để phục vụ cho khâu chế tác như máy mài, máy tiện,… Các sản phẩm rèn của hợp tác xã thời gian này một phần phục vụ tại chỗ người tiêu dùng, một phần do Hiệp hội liên minh các hợp tác xã tỉnh điều tiết phân phối cho người tiêu dùng trên phạm vi toàn tỉnh.

Từ khi thành lập các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là sau khi Hiệp hội liên minh các hợp tác xã thủ công nghiệp xã Phúc Sen được thành lập sản phẩm của nghề rèn ở đây tăng nhanh về số lượng và chất lượng cũng được nâng cao. Các thợ rèn có điều kiện giao lưu học hỏi kinh nghiệm của nhau, vì vậy kỹ thuật sản xuất của các xã viên cũng được nâng lên đáng kể so với thời kỳ sản xuất cá thể đơn lẻ tại gia đình.

d) Giai đoạn từ 1979 đến nay

Trong khi Hợp tác thủ công của xã Phúc Sen đang trên đà phát triển, thị trường tiêu thụ sản phẩm đang được mở rộng thì tới năm 1979 ở biên giới tỉnh Cao Bằng xảy ra chiến sự, sự kiện này đã làm gián đoạn công việc sản xuất ở Phúc Sen bởi giặc phá hoại hầu hết các cơ sở vật chất ở đây. Bắt đầu từ năm 1979, hợp tác xã thủ công xã Phúc Sen giải thể. Khi không còn hợp tác xã thủ công, thợ rèn của các bản lại trở về với lò rèn gia đình tiếp tục sản xuất các sản phẩm phục vụ tại chỗ cho bà con trong làng bản và người dân trong và ngoài tỉnh.

Năm 1984 và 1985 sản phẩm của xã đã được gửi tới tham dự hội chợ triển lãm kinh tế - kỹ thuật toàn quốc và được Ban tổ chức hội chợ tặng huy chương vàng về chất lượng. Sản phẩm rèn của Phúc Sen ngày càng được nhiều người biết tới bởi chất lượng của nó. Những người thợ rèn rất nhanh nhạy, nắm bắt thị trường, chế tác các sản phẩm theo yêu cầu của người tiêu

dùng Tây Nguyên và các tỉnh lân cận, chiếm được cảm tình của nhiều người. Cho đến nay các sản phẩm của Phúc Sen vẫn là sự lựa chọn tin cậy của rất nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh Cao Bằng.

Tiểu kết

Trong chương một chúng tôi đã giới thiệu khái quát về người Nùng và làng rèn của người Nùng ở Phúc Sen (Quảng Uyên, Cao Bằng). Trong chương, chúng tôi cũng đề cập đến lý thuyết về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa. Chúng tôi cũng đã trình bày một số khái niệm cơ bản về: hình vị, từ, ngữ, nghĩa của từ và vấn đề định danh.

Trên đây là những cơ sở lý thuyết và thực tiễn quan trọng trong quá trình nghiên cứu đề tài về từ ngữ nghề rèn ở Phúc Sen của chúng tôi.

Chương 2

ĐẶC ĐIỂM TỪ NGỮ NGHỀ RÈN Ở PHÚC SEN XÉT VỀ MẶT HÌNH THỨC

DẪN NHẬP

Tiếng Nùng thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính nên âm tiết là đơn vị hiện diện trong nhận thức của người Nùng. Một đặc điểm cơ bản của loại hình ngôn ngữ này là từ không biến đổi hình thái, từ chỉ tồn tại ở dạng thức duy nhất. Đặc điểm này khác hẳn với đặc điểm biến đổi hình thái của ngôn ngữ Ấn Âu.

Ngôn ngữ học đại cương thừa nhận rằng trong các ngôn ngữ mà âm tiết là đơn vị hiện diện trong nhận thức của người sử dụng ngôn ngữ đó thì việc xác định ranh giới từ ngữ trở nên hết sức khó khăn. Một trong những biểu hiện của việc xác định ranh giới chính là ở chỗ ranh giới giữa từ ghép và ngữ rất khó xác định. Vì vậy, trong quá trình xác định các đơn vị từ vựng trong tiếng Nùng sẽ có trường hợp không rõ ràng, chồng chéo nhau về ranh giới giữa từ ghép và ngữ. Để nhất quán trong việc phân loại từ ngữ xét về mặt cấu tạo và tìm hiểu đặc điểm cấu tạo của các từ ngữ trong nghề rèn ở Phúc Sen, Quảng Uyên, Cao Bằng, chúng tôi lấy ngữ nghĩa làm tiêu chí xác định. Đây là cơ sở mà Đỗ Hữu Châu đã vận dụng để phân loại từ và tìm hiểu đặc điểm cấu tạo từ Tiếng Việt [4],[5].

Việc nắm được đặc điểm cấu tạo từ ngữ nghề rèn có vai trò rất quan trọng. Nó không những giúp ta hiểu đặc điểm cấu tạo về cú pháp, mà còn giúp ta hiểu được đặc điểm ngữ nghĩa của các từ ngữ trong nghề rèn để từ đó có cơ sở hiểu được đặc điểm văn hóa của người Nùng thông qua ngôn ngữ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ ngữ nghề rèn của người nùng ở phúc sen (quảng uyên, cao bằng) (Trang 37 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)