Tình hình tư liệu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ ngữ nghề rèn của người nùng ở phúc sen (quảng uyên, cao bằng) (Trang 43 - 48)

Chương 1 : CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN

2.1. Tình hình tư liệu

a) Để thu thập từ ngữ nghề rèn ở Phúc Sen, chúng tôi đã tiến hành hai đợt nghiên cứu điền dã thực tế tại địa bàn xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên,

tỉnh Cao Bằng với các cộng tác viên là những người làm nghề rèn lâu năm ở đây. Đợt 1 được tiến hành trong 20 ngày, đợt 2 tiến hành 15 ngày.

Từ ngữ trong nghề rèn ở Phúc Sen có số lượng khá lớn. Những từ ngữ này đã được những người thợ rèn đầu tiên của làng nghề sử dụng và cho đến ngày nay, những người thợ rèn đời con cháu của họ vẫn tiếp tục sử dụng. Đó là những từ ngữ như:

- Về nghề nghiệp của họ hon lếch (nghề rèn – danh từ, rèn – động từ),

cằm keèm (thợ cả, thợ rèn), tẩu lìu hung (thợ phụ), ...

- Về công cụ sản xuất: lìu (búa), keèm (kìm), táng (đe), ... - Về sản phẩm: mịt (dao), cúuc (cuốc), lìm (liềm), ...

- Về thao tác sản xuất: hon (đập), slạm (cắt), pẳn (mài), khịn (tôi) .v.v... Số lượng những từ ngữ được thu thập qua đợt một (ghi chép khách quan những từ ngữ được sử dụng trong nghề rèn ở Phúc Sen) có số lượng 379 từ ngữ (Xin xem phụ lục 1a, 1b và 2).

b) Như đã nói ở phần a, việc thu thập tư liệu được chúng tôi tiến hành hai đợt, đợt một đã thu thập được một danh sách từ đã trình bày. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thỏa mãn với số lượng từ ngữ đã thu được ở đợt một vì trong quá trình chế tác (rèn), chẳng hạn, để cho ra đời một sản phẩm, người thợ rèn ở Phúc Sen không chỉ đơn giản là slạm lếch (cắt sắt), sli (nung), hon (đập),

khịn (tôi), mà thành một sản phẩm mịt, cúuc (dao, cuốc) mà còn biết bao nhiêu kinh nghiệm, kể cả những kinh nghiệm lìu sòi dàu tha (căn chỉnh bằng mắt hay được nói ví von là “rèn bằng mắt”) cần rất nhiều thao tác kỹ thuật mới cho ra được một sản phẩm “nổi tiếng thương hiệu Phúc Sen”. Do vậy chúng tôi đã tiến hành đợt điền dã thứ hai với mục đích làm rõ những điều đó.

Trong đợt điền dã thứ hai, chúng tôi đã thu thập được một số lượng đáng kể từ ngữ của một số sản phẩm chưa được đặt tên và những thao tác mà lâu nay người thợ rèn chỉ làm theo thói quen hoặc kinh nghiệm gia truyền nghề rèn mà chưa hề gọi tên cho những thao tác đó..

Một số ví dụ từ đợt thu thập tư liệu lần hai:

Ví dụ 1: Khi đi cùng đồng bào ra nương nhổ sắn, chúng tôi thấy đồng bào sử dụng một dụng cụ rèn hình chữ V mặt trong của chữ V có răng cưa, một cạnh của chữ V được gắn với một ống hình trụ. Một cây gỗ hoặc tre dài khoảng 2m, chắc, khỏe được luồn qua ống hình trụ của dụng cụ hình chữ V sao cho dụng cụ chữ V nằm ở vị trí một phần năm cây gỗ, cách một đầu cây gỗ khoảng 30 - 40 cm. Đồng bào tì đầu cây gỗ xuống đất, dụng cụ chữ V ôm sát gốc sắn, rồi nhấc đầu còn lại của cây gỗ lên. Nhờ lực cánh tay đòn, gốc sắn được nhấc lên khỏi mặt đất mang theo củ một cách nhẹ nhàng. Chúng tôi hỏi dụng cụ đó có tên là gì, đồng bào bảo “cái nhổ sắn” (ăn lốc sẳn). Dụng cụ này không có tên trong các sản phẩm rèn truyền thống của Phúc Sen, nhưng là dụng cụ được làm ra do nhu cầu và sự sáng tạo nhằm làm giảm nhẹ sức lao động. Từ cách gọi “cái nhổ sắn” của đồng bào, chúng tôi đã định danh cho dụng cụ này với tên gọi nẹp lốc sẳn (kẹp nhổ sắn) (vì chữ V có hình dạng như một cái kẹp). Cách định danh này được đồng bào ủng hộ ngay.

Ví dụ 2: Khi rèn một sản phẩm, chẳng hạn rèn một con dao (mịt) , ở công đoạn rèn và mài, chỉ kể riêng đối với sống dao đã có tới 7 thao tác khác nhau được tiến hành trong quá trình chế tác, đó là những thao tác sau:

- hon pìn slứưng sắn lăng (đập tạo dáng sống lưng ): đây là thao tác đầu

tiên để tạo dáng sống lưng của sản phẩm.

- hon đảng dàu sắn lăng ( đập nguội thẳng sống lưng ): thao tác đập

nguội sau khi tạo dáng thô sống lưng.

- hon chòi mằn sắn lăng ( đập chỉnh sửa sống lưng ): sau khi tạo dáng

thô hình dáng cần chỉnh sửa hình dáng sống lưng cho sản phẩm.

- mằn sắn lăng (chỉnh sống lưng): chỉnh lại sống lưng thêm lần nữa làm

sao cho hình dáng bộ phận này không bị méo, cong.

- pẳn sắn lăng (mài sống lưng): thao tác sau khi thành hình cần mài sản

- pẳn hào sắn lăng (mài thô sống lưng): thao tác mài để loại bỏ những phần bụi, (mạt sắt) bám trên sống lưng (hình thành trong quá trình nung) và làm cho sống lưng được thẳng.

- pẳn lẩư sắn lăng (mài bóng sống lưng): thao tác cuối cùng để mài

bóng lấy màu cho sống lưng được bóng đẹp.

Những thao tác trên là những thao tác khi chế tác phần sống lưng của sản phẩm. Những thao tác này không phải được thực hiện cùng lúc mà trải qua các khâu, các bước khác nhau. Người thợ rèn Phúc Sen rất ý thức được từng thao tác khác nhau này cũng như thứ tự của những thao tác. Tuy nhiên, trong quá trình rèn, người thợ chỉ làm theo thói quen mà không có tên gọi cho từng thao tác. Trước tình hình đó, chúng tôi đã “định danh hóa” cho từng thao tác khác nhau này bằng những khái niệm khác nhau với mục đích lưu giữ tên gọi và nội dung của từng thao tác mà với công nghệ hiện đại của máy móc (thay thế dần các hoạt động thủ công) sẽ làm mất đi những thao tác vốn có này.

Với cách định danh sản phẩm như ở ví dụ 1 và “định danh hóa” nhằm lưu giữ tên gọi và nội dung của thao tác trong nghề rèn ở Phúc Sen trong ví dụ 2, chúng tôi đã thu thập được một danh sách khá lớn gồm 117 thao tác được định danh hóa (chủ yếu là các thao tác từ các kinh nghiệm cá nhân người thợ rèn) của nghề rèn ở Phúc Sen. (xin xem phụ lục 3 và 4).

Toàn bộ các thao tác chế tác sản phẩm cũng như các kinh nghiệm được chúng tôi định danh hóa đã được đọc cho các thợ rèn cao tuổi ở Phúc Sen nghe và họ đều công nhận là hoàn toàn đúng.

Dưới đây là một số ví dụ về thao tác chế tác sản phẩmkinh nghiệm

của người thợ rèn Phúc Sen được chúng tôi định danh hóa:

1. Cắt lưỡi (slạm lỉn): Còn gọi là chạm lưỡi. Thao tác người thợ cả một tay cầm búa tay, một tay cầm chạm. Người thợ phụ cầm sản phẩm hoặc vật

cần chạm. Thợ cả chạm vào vị trí cần chạm từ vị trí đầu đến vị trí đuôi. Chạm từ trên xuống lưỡi, cách lưỡi 0,3 cm chạm sâu dần về phần lưỡi. Chạm lưỡi thường dùng trong chế tác liềm.

2. Cắt sắt (slạm lếch): Thao tác người thợ cả dùng kìm kẹp sắt đã được nung đỏ từ trong lò nung ra đặt lên đe, một tay cầm đục (chạm) đặt lên vị trí sắt cần cắt, người thợ phụ dùng búa tạ đập mạnh lên đục để tạo thành đường cắt sâu, sau đó dùng búa tạ đập mạnh lên sắt đã được chạm để tách đôi sắt ra.

3. Đập phá (hon quảng) : Thao tác người thợ dùng búa tạ đập mạnh vào sắt cần rèn với mục đích bước đầu dàn (mỏng) sắt, thép. Thao tác đập phá thường có ở những công đoạn đầu của quá trình chế tác.

4. Đánh bóng (hất boóng) : Thao tác đánh bóng lấy màu cho sản phẩm là công đoạn cuối cùng của quá trình chế tác một sản phẩm. Sau khi tôi và mài lại sản phẩm xong người thợ sẽ hơ sản phẩm trên lửa cho thật khô, tới khi mặt sản phẩm có màu xanh bóng, sáng là được. (nếu sản phẩm là dao, kéo thì được mài sắc sau khi tôi rồi mới đánh bóng lấy màu).

5. Căn chỉnh bằng mắt lần 1 (lìu sòi dàu tha pày đú): Thao tác người thợ rèn bằng kinh nghiệm và kỹ thuật của mình căn chỉnh bằng mắt sản phẩm sau công đoạn tạo dáng thô .

6. Căn chỉnh bằng mắt lần 2 (lìu sòi dàu tha pày sloong): Thao tác người thợ rèn bằng kinh nghiệm và kỹ thuật của mình căn chỉnh bằng mắt sản phẩm sau công đoạn tạo dáng sản phẩm.

7. Căn chỉnh bằng mắt lần 3 (lìu sòi dàu tha pày slam): Thao tác người thợ rèn bằng kinh nghiệm và kỹ thuật của mình căn chỉnh bằng mắt sản phẩm sau công đoạn tạo dáng hoàn chỉnh.

8. Căn chỉnh bằng mắt lần 4 (lìu sòi dàu tha pày slí): Thao tác người thợ rèn bằng kinh nghiệm và kỹ thuật của mình căn chỉnh bằng mắt sản phẩm sau công đoạn mài sản phẩm.

9. Căn chỉnh bằng mắt lần 5 (lìu sòi dàu tha pày hả): Thao tác người thợ rèn bằng kinh nghiệm và kỹ thuật của mình căn chỉnh bằng mắt sản phẩm sau khi sản phẩm đã hoàn chỉnh.

v.v…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ ngữ nghề rèn của người nùng ở phúc sen (quảng uyên, cao bằng) (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)