Trong những khối khí ổn định (khối khí nóng và khối khí địa phương trên lục địa vào mùa đông), quá trình phát triển mây là quá trình rối vận chuyển hơi nước mặt đất lên cao và quá trình lạnh đi đoạn nhiệt tương ứng tương đối yếu (Hình 5.16). Những lớp nghịch nhiệt ngăn cản quá trình này. Dưới lớp nghịch nhiệt thường xảy ra hiện tượng tụ tập và sự lạnh đi do phát xạ của hơi nước.
Chính vì vậy, mây phần lớn phát triển dưới lớp nghịch nhiệt. Theo bảng phân loại mây quốc tế, thì đó là mây tằng và mây vũ tằng, còn ở tầng giữa là mây cao tích. Những đám mây này tương đối mỏng và trải rộng ra theo chiều ngang. Ngoài ra, người ta thường thấy cấu trúc dạng sóng, chính vì vậy mà chúng còn được gọi là mây dạng sóng.
Nguyên nhân của cấu trúc sóng của mây là ở chỗ, trong quá trình tạo mây đôi khi còn có quá trình sóng tham gia. Những lớp nghịch nhiệt và ở hai phía của lớp này xuất hiện những sóng trong khối khí có bước sóng khoảng 50 – 2000 m gây nên bởi sự khác biệt của tốc độ gió và mật độ (nhiệt độ) của không khí. ởđỉnh sóng, không khí bốc lên cao, còn ở chân sóng, không khí hạ xuống thấp (Hình 5.16).
Vì vậy, mây có thể chia ra thành những dải hình sóng riêng biệt đặc trưng cho dạng bên ngoài của mây tằng tích hay mây cao tằng.
Cấu trúc sóng của mây tằng ít thấy rõ, nếu quan sát từ phía dưới vì bước sóng trong mây này lớn, hơn nữa mây thường nằm gần mặt đất. Khi quan sát bằng máy bay từ phía trên, dạng sóng của nó rất rõ.
Ngoài những sóng tự do, trong khí quyển còn xuất hiện những sóng đứng cưỡng bức khi không khí vượt qua núi. ởđỉnh sóng đứng này xuất hiện mây gần như bất động nhưng thực tế mây luôn xuất hiện trong không khí mới di chuyển tới. Người ta gọi những mây này là mây do vật cản hay mây do địa hình.
Hình 5.16
Mây dạng sóng trong biến trình ngày có tần suất cực đại vào ban đêm. Mây tằng chủ yếu đặc trưng cho mùa lạnh và ban đêm.