Mây do chuyển động trượt lên cao liên quan với front (Hình 5.17). Đó là hệ thống mây rất lớn kéo dài theo front với chiều dài hàng mấy nghìn km và chiều rộng vài trăm km. Bộ phận chính của hệ thống mây này có dạng những lớp mây dầy, vì vậy được gọi là mây dạng tằng. Front ngăn cách nêm không khí lạnh và không khí nóng hơn nằm cạnh và trên nó. Khi đó, thông thường không khí nóng chuyển động đi lên dọc theo nêm không khí lạnh (Hình 5.17.). Hệ thống mây front lạnh thường là mây vũ tằng (Ns), mây tằng (St), mây cao tằng As. Khi không khí nóng trước front lạnh đủẩm và bất ổn định thì có thể phát triển mây tích (Cu) và mây vũ tích (Cb) cho mưa rào và dông. Trên các hình 5.17 và 5.18 là hệ thống mây và giáng thuỷ của front lạnh và front nóng.
Hình 5.17
Hệ thống mây front lạnh
Trong xoáy thuận ngoại nhiệt đới front lạnh di chuyển nhanh hơn front nóng và chập với front nóng tạo nên hệ thống mây cố tù phức hợp (Hình 5.19).
Vì mặt front rất thoải (tang của góc nghiêng chỉ khoảng 0,01 hay nhỏ hơn), nên chuyển động của không khí nóng chủ yếu là chuyển động ngang. Dù sao, ngoài chuyển động ngang này cũng vẫn còn có thành phần thẳng đứng không lớn lắm, khoảng vài cm/s hay vài phần mười cm/s, trong 1 giây nhưng đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành hệ thống mây front.
Quá trình trượt dần của không khí nóng trên nền không khí lạnh dẫn tới sự lạnh đi đoạn nhiệt của những lớp không khí nóng dày và quá trình ngưng kết hơi nước. Kết quả là xuất hiện hệ thống mây trong không khí nóng trên nêm không khí lạnh.
Hệ thống mây đặc biệt biểu hiện rõ trong front nóng (Hình 5.18).
Phần dày duy nhất của hệ thống mây này ở gần đuôi front (nghĩa là gần đường giao tuyến của front với mặt đất) đó là mây vũ tằng chiều dày khoảng vài kilomet nằm giữa mực 1 – 2 và
6 – 8 km chẳng hạn. Cách xa đường front, mây chuyển sang dạng cao tằng mỏng hơn, xa hơn nữa là mây ti tằng, trước nó là những dãy mây ti ở khoảng vài trăm kilomet cách đường front.
Giáng thuỷ từ mây cao tằng không tới mặt đất, nhất là vào mùa hè. Như mây vũ tằng cho giáng thuỷ phùn với dải rộng khoảng 200 – 300 km hay hơn nữa. Cùng với sự chuyển động của front, mây và mưa liên quan với nó cũng chuyển động theo. Sự xuất hiện ởđường chân trời phía tây hay phía nam của những dải mây ti mở rộng về phía trước (hay hội tụ về phía đường chân trời) là dấu hiệu báo trước sự gần tới của front nóng cùng với lượng mây và giáng thuỷ tương đối lớn.
Hình 5.18
Hệ thống mây front nóng
Hình 5.19
Hệ thống mây front cố tù lạnh
Front lạnh cũng có hệ thống mây tương tự nhưng sắp xếp ngược lại như phản chiếu qua gương (Hình 5.17). Sự khác biệt chỉ ở chỗ hệ thống mây front lạnh hẹp hơn, ở phần phía trước mây có dạng vũ tích cho mưa rào, vì ở đây không khí nóng bốc lên mạnh hơn trong trường hợp front nóng.
.
Hình 5.20
ảnh mây front lạnh mùa đông ở miền Bắc Việt Nam
Ở Việt Nam chỉ có front lạnh ở ngoài rìa của cao áp Siberi cho màn mây dọc theo front lạnh và có thể rộng tới 200 – 300km bao gồm phần lớn là mây tằng tích, mây tằng, đầu và cuối mùa đông có thể có mây vũ tích cho mưa rào (Hình 5.20). Trên hình ta có thể thấy dải mây front lạnh dưới một dải mây trắng rộng chừng 200 – 300km và bao trùm miền Bắc Việt Nam và miền duyên hải Nam Trung Quốc.
Ở trên đã chỉ ra những dạng mây front điển hình do chuyển động trượt lên cao. Cùng với front còn có thể hình thành một số loại mây khác. Chẳng hạn, mây tằng tích đặc trưng cho front lạnh, những mảnh mây cao tích đặc trưng cho front cố tù. Mùa hè, trên lục địa, mây vũ tích cũng có thể phát triển trên front nóng.
Mây có thể phát triển mạnh lên khi front tới gần dãy núi. Khi các dòng không khí trườn lên cao theo sườn núi, mây do địa hình, thường là mây tích có thể phát triển độc lập.
Mây front gần như không có biến trình ngày tuy ban ngày chúng cũng phát triển mạnh hơn.
Ở miền ngoại nhiệt đới, mây do chuyển động trượt lên cao chiếm ưu thế. Còn ở miền nhiệt đới phần lớn là mây đối lưu.