5. Kết cấu của luận văn
4.2.4. Giải pháp xử lý rủi ro tín dụng
Rủi ro là vấn đề không thể tránh khỏi trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ với những thông tin bất cân xứng trong nền kinh tế thị trường. Vì thế khi rủi ro xảy ra các ngân hàng cho vay phải có biện pháp khắc phục để hoạt động kinh doanh của mình được tiếp diễn, đó là:
Thứ nhất,tăng cường xử lý nợ xấu
- Giám sát nợ xấu một cách có hiệu quả thông qua hoạt động phân tích, phân loại nợ xấu theo định kỳ. Để việc xử lý nợ xấu được kịp thời, đạt được hiệu quả cao thì khâu cảnh báo, phát hiện sớm nợ xấu phát sinh là rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến quá trình xử lý nợ sau này. Duy trì thường xuyên việc kiểm tra, phân tích, đánh giá thực trạng nguyên nhân phát sinh nợ xấu, làm rõ trách nhiệm của cá nhân có liên quan, nhất là ở những bộ phận, cá nhân phụ trách có tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh, gắn trách nhiệm thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro với trách nhiệm của các cá nhân trong quyết định cho vay.
- Đẩy mạnh công tác thu hồi nợ trực tiếp: Trên cơ sở kết quả việc phân tích và phân loại nợ xấu, ngân hàng cần tiến hành các biện pháp thích hợp đôn đốc khách hàng huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ vay ngân hàng trong thời gian ngắn nhất.
- Cơ cấu lại nợ cho khách hàng trên cơ sở nguồn thu đảm bảo, chắc chắn và phương án trả nợ sau cơ cấu khả thi: Đối với khoản nợ xấu phát sinh do nguyên nhân khách quan nhưng chưa phải là bất khả kháng, khách hàng còn tồn tại và hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường và ngân hàng có đủ thông tin để đánh giá khách hàng có khả năng phát triển trong tương lai, thì ngân hàng có thể xem xét thực hiện việc cơ cấu lại nợ cho khách hàng nhằm giảm bớt sức ép trả nợ đến hạn, giúp cho khách hàng có được cơ hội để tiếp tục sản xuất kinh doanh và có nguồn thu để trả nợ cho ngân hàng.
- Trích lập và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro hợp lý và có hiệu quả: Để đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh trong trường hợp có rủi ro xảy ra, ngân hàng cần tuân thủ các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD.
- Phân loại nợ và có hướng xử lý đối với các khoản nợ xấu. Cụ thể: + Đối với các khoản vay chuyển nợ quá hạn do khách hàng gặp khó khăn tài chính, Chi nhánh cần phối hợp chặt chẽ với khách hàng khi khách hàng đưa ra phương án kinh doanh hợp lý, có khả năng thay đổi tình hình hiện tại để tái cơ cấu lại nợ cho khách hàng.
+ Đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo: Chi nhánh có thể xử lý tài sản đảm bảo bằng biện pháp thu hồi tài sản, cho thuê tài sản, liên doanh hoặc góp vốn bằng chính tài sản đó để trừ nợ, bán nợ cho công ty mua bán nợ.
+ Đối với những khách hàng cố ý chây ỳ có thể sử dụng hình thức khởi kiện ra tòa án để xử lý.
+ Bán các khoản nợ xấu: Đối với các khoản nợ khó có khả năng thu hồi được xử lý bằng việc tham gia thị trường mua bán nợ, ngân hàng có thể xem xét bán các khoản nợ xấu cho các công ty mua bán nợ, các ngân hàng hoặc các chủ thể kinh tế khác theo quy định hiện hành.
+ Xóa nợ: Đây là giải pháp sau cùng trong tất cả các giải pháp xử lý nợ để làm sạch bảng tổng kết tài sản NH cho các khoản nợ không có khả năng thu hồi.
Thứ hai,phân tán rủi ro bằng cách sử dụng công cụ bảo hiểm tiền vay, tài sản bảo đảm hoặc đa dạng hóa trong việc cấp tín dụng và cho vay đồng tài trợ với các ngân hàng khác
Đối với việc sử dụng công cụ bảo hiểm tiền vay
Rủi ro tín dụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân rất đa dạng mà đôi khi những rủi ro đó ngân hàng không thể lường trước được. Việc sử dụng các
công cụ bảo hiểm và áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay để hạn chế tổn thất khi rủi ro xảy ra là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro tín dụng Chi nhánh cần yêu cầu khách hàng vay phải mua bảo hiểm trong quá trình xây dựng và bảo hiểm công trình (đối với các dự án đầu tư), bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm cho chính người vay… Trên thực tế thời gian qua, nhờ sử dụng yêu cầu này mà những tổn thất vốn vay do thiên tai gây ra hay người vay ốm đau, bệnh tật, tai nạn giao thông đã được cơ quan bảo hiểm thanh toán, giảm thiểu đáng kể những tổn thất.
Đối với việc sử dụng công cụ tài sản đảm bảo tiền vay
- Hoàn thiện về mặt pháp lý các tài sản bảo đảm tiền vay để thuận lợi trong xử lý tài sản bảo đảm, nguồn thu nợ thứ hai khi rủi ro tín dụng xảy ra. Qua xử lý một số tài sản bảo đảm tiền vay cho thấy sở hữu về tài sản không rõ ràng, không có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nên việc bán tài sản rất khó khăn (cơ quan công chứng không công chứng hợp đồng, người mua e ngại…). Nguyên nhân của tình trạng này là do khách hàng ngại tốn chi phí nên không đăng ký sở hữu tài sản (đặc biệt là đối với nhà xưởng, công trình trên đất), ngân hàng không đôn đốc khách hàng hoàn thiện các thủ tục về tài sản bảo đảm, việc đăng ký sở hữu tài sản trên đất gặp nhiều khó khăn về thủ tục, mất thời gian và tốn kém chi phí…nên khá nhiều tài sản trên đất, đặc biệt là nhà xưởng, công trình xây dựng trên đất thế chấp tại Chi nhánh chưa có giấy tờ về sở hữu tài sản. Do đó hồ sơ bảo đảm tiền vay không đầy đủ, gây khó khăn cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Ðể giảm thiểu những rủi ro về mặt pháp lý, cần thỏa thuận việc hoàn thiện về thủ tục đăng ký sở hữu tài sản sau khi dự án hoàn thành là một điều kiện tín dụng, đồng thời thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, liên tục rà soát hồ sơ pháp lý và thực trạng của tài sản bảo đảm.
Đa dạng hóa trong việc cấp tín dụng và cho vay đồng tài trợ với các ngân hàng khác
Một trong những biện pháp quản trị rủi ro tín dụng là đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư. Trước hết là đối với lĩnh vực tín dụng, Chi nhánh cần đa dạng hóa loại hình cấp tín dụng, đa dạng hóa khách hàng và sản phẩm, thời hạn nhằm phân tán rủi ro tín dụng. Mặt khác, xu hướng của các ngân hàng hiện đại ngày nay là đa dạng hóa đầu tư vào cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng khác. Vì hoạt động tín dụng là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro, nên Chi nhánh cần phát triển các hoạt động kinh doanh khác như cung ứng các sản phẩm phi tín dụng: dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ cho thuê két sắt, quản lý dòng ngân lưu,….
Ngoài ra, Chi nhánh có thể thực hiện cho vay đồng tài trợ. Vay đồng tài trợ là quá trình tổ chức thực hiện việc cấp tín dụng của bên đồng tài trợ với sự tham gia của hai hay nhiều tổ chức tín dụng, trong đó Agribank làm đầu mối hoặc là thành viên cho một hoặc một phần dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đầu tư phát triển và đời sống. Sử dụng hình thức này, Chi nhánh có thể khắc phục nhược điểm về năng lực cấp tín dụng bằng các đồng tài trợ với các NH khác. Đặc biệt, Chi nhánh còn có thể tiếp cận với năng lực quản trị rủi ro tín dụng của các ngân hàng lớn và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Việc nhiều ngân hàng cùng cho vay sẽ giúp chia sẻ tổn thất khi RRTD xảy ra.
Thứ ba,tính toán hợp lý con số trích lập dự phòng bù đắp rủi ro tín dụng
Trích lập dự phòng rủi ro dựa trên việc tính các khoản tổn thất dự tính, kết hợp mô hình đánh giá nội bộ nhằm tìm ra các khoản tổn thất dự tính. Việc trích lập được tiến hành ngay khi khoản cho vay được cấp, phương pháp này được gọi là phương pháp dự phòng thống kê. Ở một số quốc gia, ngân hàng ước lượng được các khoản vay bị tổn thất, sau đó điều chỉnh tùy thuộc vào chu kỳ kinh tế. Muốn vậy, Chi nhánh cần hoàn thiện công tác phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Hiện nay, ở hầu hết các quốc gia phát triển, ngân hàng thương mại áp dụng CMKTQT số 39 để phân loại nợ và trích lập DPRR tín dụng. Về cơ bản IAS 39 chỉ chú trọng đến khả năng hoàn trả của khoản vay bất luận thời gian quá hạn chưa tới 90 ngày hoặc chưa quá hạn. Phương pháp để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng thường là phương pháp phân tích dòng tiền tương lai hoặc xếp hạng khoản vay (khách hàng). Do vậy, để phù hợp với thông lệ quốc tế trong quá trình hội nhập, Chi nhánh cần kiến nghị với Hội sở từng bước áp dụng chuẩn mực kế toán này trong phân loại nợ và trích lập DPRR. Cụ thể như sau:
- Bổ sung thêm giá trị khoản vay phải được tính theo giá trị khấu hao. - Số dự phòng rủi ro tín dụng được ghi nhận theo VAS thường nhỏ hơn số dự phòng rủi ro tín dụng theo IAS 39 do việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo VAS chưa sử dụng phương pháp lãi suất thực tế để xác định luồng tiền chiết khấu trong việc ghi nhận sự suy giảm giá trị của các khoản cho vay và tạm ứng khách hàng. IAS 39 yêu cầu tính dự phòng rủi ro tín dụng bằng phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ và giá trị hiện tại của dòng tiền ước tính thu hồi trong tương lai chiết khấu theo tỷ lệ lãi suất gốc, bao gồm giá trị có thể thu hồi của tài sản bảo đảm (nếu có). Theo ý kiến của một số công ty kiểm toán quốc tế tại Việt Nam, việc xác định số dự phòng rủi ro tín dụng theo IAS 39 tại các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay có những hạn chế nhất định do tình trạng thông tin bất cân xứng, hệ thống chấm điểm tín dụng nội bộ chưa hoàn thiện và chương trình phần mềm tin học của các ngân hàng chưa đáp ứng được việc tính toán luồng tiền chiết khấu theo lãi suất thực tế của từng khế ước nhận nợ, từng hợp đồng tín dụng.