5. Kết cấu của luận văn
4.1.3. Định hướng với thị trường khách
Thị trường khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế được xác định trên cơ sở nhu cầu đi du lịch, đặc điểm tâm lý xã hội của khách, các sản phẩm du lịch hiện có và sản phẩm du lịch tiềm năng có thể đáp ứng phục vụ khách kết hợp với các xu hướng đi du lịch.
Khách du lịch nội địa có ý nghĩa rất quan trọng trong cơ cấu nguồn khách du lịch của Vân Đồn. Khách du lịch đến Vân Đồn bao gồm nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần khác nhau. Trong tương lai cần lưu ý đến đối tượng chính là:
Khách nghỉ cuối tuần: Chủ yếu là khách nghỉ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương...
Khách thăm quan, nghỉ biển: Khách trong tỉnh, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc Khách đi theo tour trọn gói: Từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành trong cả nước.
Khách đi nghỉ tuần trăng mật: Các cặp vợ chồng từ Hà Nội, các tỉnh phía bắc. Thanh niên, học sinh trong tỉnh, Hà Nội và các khu vực phụ cận.
Dự báo tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010 - 2015 là 21% như vậy số lượng khách đến Vân Đồn vào năm 2010 sẽ đạt khoảng 350 ngàn lượt khách nội địa và năm 2015 là khoảng 700 lượt.[29]
Khách du lịch quốc tế sẽ là thị trường khách quan trọng trong nguồn khách du lịch đến Vân Đồn. Khách du lịch quốc tế đến Vân Đồn có nhiều nguồn gốc, quốc tịch khác nhau. Chưa có một thống kê cụ thể nào từ phía các cơ quan quản lý du lịch của tỉnh cũng như của huyện về cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Vân Đồn. Tuy nhiên căn cứ vào nhu cầu du lịch, đặc điểm tâm lý xã hội của khách, các sản phẩm du lịch đặc trưng của Vân Đồn cũng có thể đưa ra mục tiêu hướng tới thị trường khách quốc tế sau:
- Châu Á: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Với các sản phẩm đặc trưng: du lịch thăm quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.
- Châu Âu: Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch...Các đối tượng khách bao gồm nhiều thành phần từ thanh niên, trung niên đến những người đã nghỉ hưu. Với các sản phẩm: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, lặn biển, câu cá.
- Châu Úc: Otrxaylia, Niudilan với các đối tượng khách là học sinh, sinh viên, công chức. Các sản phẩm du lịch đáp ứng thị trường này bao gồm: du lịch thăm quan, du lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch cộng đồng.
- Khách Việt Kiều: Tập chung vào tất cả các đối tượng khách từ các nước trở về du lịch.
- Châu Mỹ: Hoa Kỳ, Canada cần tập chung vào đối tượng khách là thanh niên, trung niên, cựu chiến binh. Với các sản phẩm du lịch: thăm quan nghỉ biển, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm.
Dự báo mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 - 2015 là 45%. Như vậy số lượng khách du lịch quốc tế đến thăm quan du lịch Vân Đồn vào năm 2010 sẽ đạt khoảng hơn 6 ngàn lượt và năm 2015 ước đạt khoảng 39 ngàn lượt.
Trước cơ hội phát triển mới này của Vân Đồn, Quảng Ninh đã tổ chức nhiều đoàn nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong, ngoài nước và tham vấn các
bộ, ngành, tổ chức quốc tế. Trên cơ sở các chỉ đạo, định hướng của Trung ương và Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, mời các đơn vị tư vấn, chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới phối hợp với tỉnh nghiên cứu, đề xuất hướng phát triển của Vân Đồn theo mô hình khu hành chính - kinh tế (HC-KT) đặc biệt có tính liên kết vùng và đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ, khả thi. Hiện nay, Đề án thành lập Khu HC- KT đặc biệt Vân Đồn đã cơ bản hoàn thiện và trình các bộ, ngành Trung ương xem xét. Với quyết tâm lớn, Quảng Ninh xác định rõ: Khu HC - KT đặc biệt Vân Đồn phải cạnh tranh được toàn cầu ở mức cao nhất, được quy định trong Luật Đơn vị HC - KT đặc biệt. Với ý tưởng này, trong tương lai không xa, Vân Đồn sẽ sớm trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế nằm trong hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN.
Trong quá trình hình thành Đặc khu Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra các hoạch định chính sách mở rộng thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn như Sun Group, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Vân Đồn với mức vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, điều này sẽ là những điều kiện thuận lợi giúp cho Vân Đồn chuyển mình trong những năm tiếp theo. Các dự án trọng điểm được triển khai tại Vân Đồn, gồm: Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; Dự án cảng và khu đô thị Bắc Cái Bầu; Dự án khu phi thuế quan - khu công nghiệp sạch tại Khu kinh tế Vân Đồn… Đặc biệt, Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là điểm nhấn quan trọng trong kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, động lực để phát triển Vân Đồn trở thành Khu HC - KT đặc biệt. Mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một trong những dự án trọng điểm của Khu kinh tế Vân Đồn nhằm tạo động lực phát triển cho Khu kinh tế Vân Đồn thu hút đầu tư, từng bước xây dựng, phát triển Khu kinh tế Vân Đồn trở thành trung tâm thương mại, du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thông quốc tế; đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững cho Quảng Ninh; khai thác, phát huy hiệu quả chuỗi giá trị di
sản - kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long; đảm bảo cho chiến lược an ninh quốc phòng vùng biển, đảo khu vực duyên hải Bắc Bộ.
Xác định muốn đột phá phát triển Đặc khu Vân Đồn không chỉ dựa hoàn toàn vào thể chế, Quảng Ninh còn đang tập trung tăng cường kết nối hạ tầng giao thông vùng và các nước trong khu vực. Chính vì vậy, trong 3 năm qua, hàng tỉ USD đã được tỉnh và các nhà đầu tư bỏ ra cho việc xây dựng hạ tầng giao thông. Tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng nối với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội và cao tốc Hạ Long- Vân Đồn đang ở giai đoạn nước rút, dự kiến hoàn thành trong quý I/2018. Không dừng lại ở đó, Quảng Ninh đã chủ động xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư gần 14.000 tỉ đồng để xây dựng tiếp tuyến cao tốc huyết mạch từ Vân Đồn đi thành phố biên giới Móng Cái, với tổng chiều dài gần 100km, góp phần cho sự phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng.
Cùng với bước chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện của tỉnh, huyện Vân Đồn cũng xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc xây dựng đặc khu. Cụ thể, huyện đã tích cực trong việc phối hợp với Tổ công tác hoàn thiện Đề án Đơn vị HC - KT đặc biệt để trình Bộ Chính trị; phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế và các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại... Cùng với đó, huyện tổ chức, sắp xếp lại bộ máy từ huyện đến cơ sở theo mô hình tổ chức của Đề án tinh gọn, hiệu quả thông qua việc thành lập các cơ quan giúp việc chung Khối Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; nhất thể hóa chức danh một số phòng, ban; giao quyền tự chủ về biên chế, tài chính đối với 3 đơn vị sự nghiệp kinh tế.
Đặc biệt, huyện kiện toàn lại hoạt động của Trung tâm Hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại cơ sở, xây dựng chính quyền điện tử, công dân điện tử để đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được huyện tăng cường thu hút nhân tài, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, đội ngũ cán bộ, công chức hiện có thông qua các hình thức đào tạo tập trung, mở rộng. Các chính sách ưu đãi và ngành nghề đào tạo đối với lao động địa phương được định hướng lại, phù hợp hơn với cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển dịch vụ - du lịch... Để hỗ trợ các dự án đầu tư vào địa bàn đảm bảo
tiến độ, Vân Đồn đã đẩy nhanh tiến độ GPMB, tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư; tăng cường quản lý các quy hoạch, đất đai, tài nguyên, ổn định tình hình; đẩy mạnh vận động, tuyên truyền để nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân.
4.1.4.Định hướng về tổ chức hoạt động du lịch
Trong các quyết định của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh Quảng Ninh về quy hoạch xây dựng Vân Đồn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đều khẳng định “Khu kinh tế Vân Đồn trở thành một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và đầu mối giao thương quốc tế theo hướng tập trung, phát triển nhanh du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế”.
Theo đó, du lịch Vân Đồn sẽ phát triển bền vững theo hướng hiện đại để trở thành điểm đến “hấp dẫn - sang trọng - mới lạ”. Phát triển du lịch đi đôi với việc khai thác tối đa các đối tượng để tạo ra sản phẩm du lịch, cảnh quan tự nhiên, bãi biển, hang động các di tích văn hoá, di tích lịch sử, đồng thời phải coi trọng công tác bảo vệ, tu bổ cải tạo, nâng cấp; giữ được cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy các thuần phong mỹ tục, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.
Vân Đồn sẽ mở rộng không gian liên kết phát triển du lịch với các địa phương như huyện đảo Cô Tô và thành phố Cẩm Phả, Hạ Long để khai thác tốt nhất về tiềm năng thế mạnh của vịnh Bái Tử Long gắn với vịnh Hạ Long; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đón trên 1 triệu lượt khách; từ năm 2016 - 2020 tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân 14%/năm; doanh thu xã hội từ du lịch năm sau cao gấp 1,5 lần so với năm trước và đến năm 2020 cơ cấu dịch vụ - du lịch chiếm 44,3%....[29]