Nhà nước pháp quyền là một nhà nước dựa trên cơ sở của pháp luật, vai trò và nhiệm vụ của Nhà nước chỉ được thực hiện thông qua pháp luật và cũng bị hạn chế bởi chính pháp luật. Vì vậy, nhà nước pháp quyền hoàn toàn khác với các hình thức nhà nước trước đó (trong chế độ chiếm hữu nô lệ thì chỉ có một số người mới được xem là công dân, trong chế độ phong kiến thì pháp luật chỉ áp dụng cho tầng lớp dưới vua, còn “vua” thì không bị chi phối bởi pháp luật, đứng trên pháp luật).
Nhà nước pháp quyền luôn luôn tuân thủ, bảo vệ quyền công dân và quyền con người; giữa công dân và nhà nước, các đơn vị kinh tế và các tổ chức xã hội luôn luôn có mối quan hệ thông qua pháp luật, trách nhiệm pháp lý. Có nghĩa là nhà nước và công dân luôn luôn bình đẳng với nhau. Nhà nước pháp quyền là tổ chức chính trị của xã hội thông qua pháp luật để tạo các điều kiện là nhà nước dân chủ, nói cách khác, là nhà nước phải tạo ra thể chế, những yêu cầu để thực hiện dân chủ.
2. Xã hội công dân:
Bất kỳ hình thức nhà nước nào cũng có xã hội tương ứng với nó. Nhà nước pháp quyền phải có một xã hội tương ứng là xã hội công dân và là nhà nước bảo đảm sự bình đẳng giữa nhà nước và công dân. Xã hội công dân là một xã hội mà trong đó con người tự do phát triển cá nhân trong sự đảm bảo của Nhà nước bằng pháp luật theo ý chí của nhân dân. Đó là một tổ chức cộng đồng người của một nước có chủ quyền mà người dân có tư cách được hưởng quyền tự do của mình theo luật định, là một xã hội mà ý chí của nhân dân và chỉ có ý chí của nhân dân mới là cội nguồn hợp pháp của mọi quyền lực Nhà nước, mọi hoạt động của cơ quan và nhân viên nhà nước đều phụ thuộc vào ý chí và chủ quyền của nhân dân, một xã hội mà nhà nước phải có nghĩa vụ không thể thiếu đối với quyền tự nhiên và quyền công dân của con người, mọi cơ quan và nhân viên nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép, còn công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.
3. Nhà nước pháp quyền và xã hội công dân :
Nhà nước pháp quyền và xã hội công dân là một chỉnh thể không thể tách rời, cùng nhau từng bước hoàn thiện tương ứng với trình độ phát triển về “khế ước xã hội” của nhân dân. Sự tồn tại chính trị của xã hội công dân thông qua việc tham gia luật pháp của mỗi công dân, qua các chính đảng, các tổ chức chính trị xã hội mà biểu thị ý chí của nhân dân buộc nhà nước phải tuân theo. Giới hạn của quyền lực nhà nước đối với xã hội công dân chịu sự quy định của “khế ước xã hội". Như vậy, nhà nước pháp quyền là nhà nước được tổ chức và hoạt động một cách hợp pháp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Còn xã hội công dân là một xã hội mà con người tự do phát triển cá nhân trong sự đảm bảo của nhà nước theo ý chí của nhân dân.