Cho đến nay có rất nhiều quan niệm khác nhau về đảng chính trị, trong đó đáng chú ý là hai loại quan niệm cơ bản : một của các học giả tư sản và một của chủ nghĩa Mác Lênin. Các học giả tư sản cho rằng :
Đảng là một tổ chức chính trị của những người tự nguyện, có chung mục tiêu chính trị, quyền lực nào đó; mục đích ra đời của đảng là giành quyền lực nhà nước và bằng phương pháp bầu cử để Đảng tham gia nắm chính quyền. Theo quan niệm của CN Mác-Lênin : Đảng là một tổ chức chính trị của một giai cấp, đại biểu lợi ích cho giai cấp đó. Đảng ra đời nhằm mục đích đấu tranh giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước. Đảng lãnh đạo
giai cấp đấu tranh giành chính quyền bằng phương pháp cách mạng, bằng bạo lực cách mạng. Từ quan niệm này, có định nghĩa về Đảng như sau: “Đảng là tổ chức chính trị của những người cùng chung hệ tư tưởng, đại biểu giác ngộ nhất, tích cực nhất của một giai cấp, đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp ấy và lãnh đạo giai cấp ấy trong cuộc đấu tranh chính trị”.
Đảng chính trị ra đời bắt đầu từ cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống phong kiến và phát triển mạnh mẽ trong XH hiện đại. Đảng sẽ mất ý nghĩa tồn tại khi sứ mệnh lịch sử của giai cấp đã hoàn thành. Mục tiêu của các đảng chính trị là hướng tới lãnh đạo, điều hành chính quyền nhà nước, tổ chức cho giai cấp và các lực lượng ngoài giai cấp tiến hành đấu tranh theo đường lối chính trị của mình. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc.
Đảng chính trị bao giờ cũng mang bản chất giai cấp. Đảng chính trị luôn đại diện cho hệ tư tưởng, quyền lực và lợi ích của giai cấp nhất định. Một giai cấp có thể có nhiều đảng chính trị (điều này là phổ biến ở các nước tư bản chủ nghĩa) nhưng mỗi đảng đều mang bản chất của một giai cấp nhất định. Không thể có đảng chính trị nào là phi giai cấp, là siêu giai cấp.Thực tế đã chứng minh, dù ở thời đại nào, nước nào cũng không thể có một đảng chính trị vừa đại diện cho lợi ích của giai cấp bóc lột thống trị lại vừa đại diện cho lợi ích của giai cấp, tầng lớp bị bóc lột. Lênin viết: “Cuộc đấu tranh của các chính đảng là biểu hiện hoàn chỉnh, đầy đủ và rõ rệt nhất của các cuộc đấu tranh chính trị của các giai cấp”.
Bản chất giai cấp quy định vai trò lịch sử của đảng chính trị. Vai trò của một đảng chính trị đối với sự phát triển XH chủ yếu là phụ thuộc vào địa vị lịch sử và bản chất giai cấp của đảng đó. Cho nên khi xem xét toàn diện một đảng, phải tìm cho được bản chất của nó. Lênin nhấn mạnh “Để nhận rõ được cuộc đấu tranh của các đảng, thì không nên tin ở lời nói, mà nên nghiên cứu lịch sử thật sự của đảng, nghiên cứu chủ yếu là việc làm chứ không phải là những lời họ nói về bản thân họ, xem họ giải quyết các vấn đề chính trị như thế nào, xem thái độ họ như thế nào trong những vấn đề có liên quan đến lợi ích thiết thân của các giai cấp khác nhau trong XH”.
Đảng chính trị có 3 chức năng cơ bản: Một là, đề ra cương lĩnh chính trị, chỉ rõ mục tiêu, phương hướng
chính trị và các biện pháp chủ yếu nhằm đạt được mục tiêu đó. Đối với các đảng cầm quyền, cương lĩnh chính trị của đảng là định hướng hoạt động của nhà nước và cả xã hội nói chung. Hai là, tuyển chọn các nhà chính trị của đảng để bố trí vào bộ máy chính quyền nhà nước. Ba là, đảng là công cụ để hình thành những chủ trương, chính sách của đảng.
Sự tác động của các đảng chính trị đến đời sống xã hội ở những mức độ khác nhau mà đảng cầm quyền bao giờ cũng là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước. Tác động của các đảng chính trị không chỉ ở mặt tích cực mà còn có cả mặt tiêu cực; tác dụng tích cực hay tiêu cực đến đâu là tùy thuộc vào sứ mệnh lịch sử và bản chất giai cấp của đảng chính trị. Cho nên, khi đánh giá một đảng không phải chủ yếu chỉ dựa vào cương lĩnh, đường lối, mà cơ bản hơn là xem xét tính hiệu quả chính trị - xã hội của nó, sự ủng hộ của nhân dân và địa vị của đảng trong bộ máy chính quyền nhà nước.