Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh tại công ty điện lực duyên hải (Trang 72 - 75)

Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực là biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh doanh điện năng.

Một là, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực

Nhân tố quyết định nguồn lực là con người. Sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng đảm bảo duy trì, phát triển hoạt động kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh điện năng.

Trước hết PCDH tăng quyền tự chủ cho người lao động: tại các Đội sản suất nên thực hiện việc khoán, quản theo đường dây cho từng nhóm công nhân trong đó bao gồm toàn bộ những nhiệm vụ cần phải thực hiện như giảm tổn thất, quản lý khách hàng, công tác an toàn, sửa chữa thường xuyên, ghi chỉ số điện kế, theo dõi thu nộp tiền điện… từ đó tránh được tình trạng không phối hợp được với nhau khi xử lý các công việc, ví dụ hiện nay công nhân ghi chỉ số điện kế chỉ biết ghi chỉ số, không quan tâm đến có xảy ra việc câu, móc trộm điện hay không, đến công tác thu nộp tiền điện.. và ngược lại, tức là họ chỉ biết công việc mình làm mà không quan tâm tới công việc người khác. Nếu được khoán, quản theo nhóm họ sẽ phối hợp tốt với nhau. PCDH có thể chuyển từ cơ chế giám sát sang cơ chế ủy quyền để phát huy tối đa năng lực sáng tạo của người lao động, người quản lý theo nguyên tắc gắn trách nhiệm với lợi ích, tạo ra quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa những người lao động.

Ngoài ra cần bố trí lao động khoa học, hợp lý, đúng người, đúng việc. Để khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ nên điều tra, thu thập thông tin về thực trạng công việc của từng bộ phận, chi nhánh điện, phân xưởng, của từng CBCNV bằng cách yêu cầu mỗi người, mỗi bộ phận lập “bảng mô tả công việc” đang thực hiện, trên cơ sở đó lãnh đạo PCDH rà soát công việc của mỗi bộ phận, chi nhánh, người lao động bị chồng chéo chức năng, nhiệm vụ hoặc có công việc không đơn vị nào thực hiện, từ đó bố trí lại lao động, giao nhiệm vụ cho từng người, từng bộ phận kết hợp với việc rà soát, đánh giá lại năng lực, chất lượng làm việc của người lao động, rà soát định mức lao động để từ đó bố trí lao động khoa học, đúng người, đúng việc.

Công tác tuyển dụng cần được thực hiện nghiêm túc, việc đánh giá ứng viên phải khoa học để lựa chọn được những người vừa có tài vừa có đức. Có chính sách

thu hút nhân tài bằng chế độ đãi ngộ, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho người lao động.

Lập kế hoạch đào tạo và đào tạo lại phù hợp với yêu cầu của thực tế công việc. Nội dung đào tạo cần được thiết kế chi tiết cho từng đối tượng, hình thức đào tạo cần đa dạng thích hợp với khả năng cũng như đặc điểm của những đối tượng khác nhau.

Cải tiến hệ thống tiền lương, thưởng, gắn tiền lương với công việc cụ thể.Xây dựng một cơ chế đánh giá, khen thưởng kịp thời, chính xác làm động lực thúc đẩy người lao động phát huy khả năng tiềm tàng phục vụ công tác SXKD. Có hình thức xử lý thích đáng, cương quyết đối với người lao động thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ.

Hai là, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và nguồn vốn

Vốn là nguồn lực đầu vào rất quan trọng, việc sử dụng vốn có hiệu quả có tác động rất lớn đến hiệu quả kinh doanh.

Trong thời gian qua vốn lưu động của PCDH được sử dụng tương đối hiệu quả. Tuy nhiên vốn lưu động biểu hiện dưới hình thái tiền tệ, hình thái vật tư hàng hóa tồn kho và khoản phải thu còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số vốn lưu động. Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động cần thực hiện một số biện pháp:

- Đối với vốn bằng tiền, lập kế hoạch thu, chi tiền mặt, xác định lượng tiền dự trữ hợp lý phục vụ nhu cầu SXKD; số còn lại chuyển ngay ra ngân hàng để nộp về EVNHCMC kịp thời.

- Đối với vật tư, hàng hóa tồn kho: cần được phân loại, tận dụng sử dụng lại hoặc thực hiện thanh xử lý kịp thời để thu hồi vốn. VTTB tồn kho chỉ vừa đủ cho nhu cầu sử tránh để tồn kho, ứ đọng vốn.

- Đối với các khoản phải thu, hiện nay tại PCDH chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các khoản phải thu là tiền điện. Do đặc điểm kinh doanh điện năng là khách hàng tiêu dùng điện trước trả tiền sau, PCDH thường chỉ thu được từ 98% - 99% số tiền điện phát sinh, một số doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp và bệnh viên thường xuyên nợ tiền điện. PCDH nên chủ động làm việc với khách hàng để tiến hành tận thu tiền điện. Áp dụng linh hoạt các hình thức thanh toán tiền điện như trả qua ATM, qua tổ chức tín dụng…

Ngoài tiệc tổ chức các hình thức thu tiền điện trên Công ty cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác chấp hành quy định về sử dụng và thanh toán tiền điện để mỗi người dân tự giác chấp hành nghiêm chỉnh việc nộp tiền điện đúng quy định. Đồng thời tổ chức tốt việc xử lý những trường hợp vi phạm quy định về chế độ thu, nộp tiền điện.

Vốn cố định, chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số vốn kinh doanh.Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định, TSCĐ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh điện năng. Qua phân tích ở chương II cho thấy, PCDH sử dụng vốn cố định, TSCĐ có hiệu quả, tuy nhiên sản lượng điện thương phẩm của PCDH ngày một tăng, đòi hỏi nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn cố định và TSCĐ. PCDH cần chú trọng đến việc đổi mới và hiện đại hóa TSCĐ, giảm hệ số hao mòn, không để xảy ra tình trạng quá tải làm ảnh hưởng đến toàn hệ thống điện, gây mất an toàn cho người và tài sản, nhưng nếu chỉ sử dụng nguồn vốn khấu hao cơ bản để cải tạo, nâng cấp TSCĐ thì không đáp ứng được yêu cầu đầu tư mới TSCĐ, đây cũng là một khó khăn của PCDH nói riêng và ngành điện nói chung, PCDH có thể nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định và TSCĐ bằng một số biện pháp:

- Đội Quản lý lưới điện là đơn vị được giao quản lý, vận hành, sử dụng TSCĐ phải nắm chắc đặc điểm của TSCĐ do đơn vị quản lý. Thường xuyên kiểm tra thực trạng của TSCĐ đặc biệt là đường dây tải điện, trạm biến áp, …trên cơ sở đó có kế hoạch (theo thứ tự ưu tiên) sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn kịp thời, tránh gây hư hỏng ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp điện năng cho khách hàng.

- Những TSCĐ đã hết khấu hao hoặc gần hết khấu hao nhưng đã hư hỏng, lạc hậu không có khả năng sử dụng nên tiến hành thanh lý và đổi mới để đảm bảo kinh doanh điện năng được liên tục, an toàn.

- Tận dụng sửa chữa TSCĐ trong những ngày cắt điện, tránh tình trạng cắt điện thường xuyên ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng điện, đến sản lượng điện thương phẩm.

- Thực hiện trích khấu hao nhanh đối với TSCĐ là những đường dây và trạm biến áp mới đưa vào sử dụng (trên cơ sở nguyên tắc nhất quán của chuẩn mực kế toán) để có thời gian thu hồi vốn nhanh, kịp thời sửa chữa lớn, đầu tư cải tạo, nâng cấp TSCĐ.

- Áp dụng công nghệ để nâng cao sự ổn định của hệ thống lưới điện, từng bước áp dụng công nghệ tự động hóa vào công tác vận hành lưới điện để giảm thời gian phát hiện, xử lý sự cố và tăng thời gian cung cấp điện cho khách hàng hệ thống SCADA (Supervisory Control And Data Acquisition- hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu) để quản lý hệ thống lưới điện an toàn ổn định, hạn chế và ngăn ngừa sự cố lưới điện.

- Thực hiện công nghệ tự động đo đếm từ xa. Hiện tại, PCDH đang sử dụng chủ yếu là hệ thống điện kế cơ, do vậy khi ghi điện năng sử dụng của khách hàng phải trực tiếp đọc thông số trên bộ số của điện kế. Với số lượng khách hàng ngày càng nhiều và trong điều kiện điện kế đang lắp trong nhà hoặc ngoài nhà thì việc ghi chỉ số của điện kế rất khó khăn, cần có số lượng nhân công lớn và thời gian kéo dài. Để khắc phục vấn đề trên, một số Công ty Điện lực đang từng bước áp dụng công nghệ tự động đo đếm từ xa để đọc số liệu trên điện kế. Áp dụng công nghệ này không chỉ tăng năng suất lao động, còn giảm thiểu những sai sót chủ quan của con người, đảm bảo tính toán hóa đơn chính xác, góp phần hỗ trợ công tác thu tiền. Để thực hiện giải pháp này, trước mắt PCDH nên triển khai thí điểm đọc chỉ số điện kế từ xa đối với khu vực đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.

- Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động.

PCDH đang bán điện cho hơn 72.000 khách hàng.Hệ thống lưới điện trung, hạ thế, thiết bị điện trải khắp địa bàn 02 huyện Cần Giờ và Nhà Bè. Để quản lý, vận hành công việc lớn như vậy PCDH cần ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, bằng cách xây dựng một kế hoạch tổng thể việc ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến với những mục tiêu rõ ràng, ưu tiên thực hiện trước một số khâu quan trọng như: quản lý lưới điện, quản lý vật tư thiết bị, quản lý tài chính, quản lý khách hàng, quản lý hệ thống đo đếm điện năng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh tại công ty điện lực duyên hải (Trang 72 - 75)