2.4.1. Cơ quan quản lý thuế
Cơ quan thuế được tổ chức theo ngành dọc thống nhất theo hệ thống hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương để quản lý thu các khoản thuế, thu NSNN phát sinh trong nội địa. Cơ quan hải quan được tổ chức tập trung tại cấp trung ương và khu vực địa bàn hải quan để quản lý thu các khoản thuế, thu NSNN phát sinh tại cửa khẩu hải quan. Trong giới hạn của đề tài, tác giả chỉ nghiên cứu những vấn đề liên quan đến công tác thu thuế tại Cơ quan thuế:
Tổng cục thuế:
Tổng cục Thuế là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về các khoản thu nội địa trong phạm vi cả nước, bao gồm: thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của NSNN; tổ chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.[9]
Cục Thuế ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức trực thuộc Tổng cục Thuế, có chức năng tổ chức thực hiện công tác quản lý thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của NSNN thuộc phạm vi nhiệm vụ của ngành thuế trên địa bàn theo quy định của pháp luật.[10]
Chi cục thuế:
Chi cục Thuế ở các quận ,huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức trực thuộc Cục Thuế, có chức năng tổ chức thực hiện công tác quản lý thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của NSNN thuộc phạm vi nhiệm vụ của ngành thuế trên địa bàn theo quy định của pháp luật.[11]
2.4.2. Các nguyên tắc trong quản lý thuế
Thuế là nguồn thu chủ yếu của NSNN. Nộp thuế theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức, cá nhân. Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội đều có trách nhiệm tham gia quản lý thuế.
Việc quản lý thuế được thực hiện theo quy định của Luật quản lý thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc quản lý thuế phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NNT.