Thái độ đồng cảm, ngợi ca

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật phụ nữ trong truyện kỳ ảo việt nam đầu thế kỉ XX (Trang 52 - 56)

7. Đóng góp của luận văn

2.3.1. Thái độ đồng cảm, ngợi ca

Khi bàn về quan niệm nghệ thuật về con người trong sáng tác của thể loại truyền kỳ, PGS.TS Nguyễn Đăng Na đã viết: “Bằng Thánh Tông di thảo đặc biệt là

Truyền kỳ mạn lục, Lê Thánh Tông và Nguyễn Dữ đã phóng thành công con tàu văn xuôi tự sự vào quỹ đạo nghệ thuật: văn học lấy con người làm đối tượng và trung tâm phản ánh”[21, tr.355]. Đây chính là cuộc cách tân mới trong sự phát triển của truyện truyền kỳ. Từ Thánh Tông di thảo đến Truyền kỳ mạn lục, quan niệm về con người trở nên mới mẻ và sâu sắc hơn.

Đầu thế kỷ XX, cùng trào lưu từ văn học trung đại, cả bốn nhà văn đã giúp chúng ta thấy được quan niệm về con người đặc biệt là người phụ nữ thông qua thái độ của nhà văn đối với nhân vật của chính mình.

Các tác giả dù viết đề tài nào cũng đều gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình dù bộc lộ trực tiếp hay gián tiếp. Hướng vào mảng đề tài tâm linh cùng những biểu

hiện đa dạng của nó đã dành được sự quan tâm đặc biệt.Hướng vào mảng hiện thực cao nhất trong đời sống con người vốn luôn bí ẩn, phức tạp, cảm hứng chung trong những sáng tác của Nhất Linh, Thế Lữ, Tchya Đái Đức Tuấn, Nguyễn Tuân đã cho thấy sự cảm thông, đề cao trước số phận của người phụ nữ.

Nàng Trương thị của Thế Lữ “nhan sắc hơn cả. Trương thị khảng khái trinh liệt, một mực không chịu để người nhục phạm mình. Mã Hồng dụ dỗ chỉ uổng lời, đe dọa cũng không mấy chuyển. Sau cùng Hồng sai lột hết xiêm áo của Trương thị, trói chân tay lại mà hành hạ, dùng cách tàn ngược để bắt phải theo. Trương thị phần đau đớn phần hổ thẹn, đến đêm thứ ba Mã Hồng mở cửa thì đã thấy người đàn bà cắn lưỡi mà chết”[9, tr.74]. Nếu không vì một lòng chung thủy, yêu thương, tiết nghĩa với chồng, nàng Trương thị đã không ra đi như vậy. Dù đó là một cái chết đau đớn nhưng người đọc vẫn thấy trân trọng người phụ nữ này.

Chúng ta có thể thấy thái độ trân trọng của nhà văn khi nói về nàng Peng Slao - một hồn ma Thổ đẹp từ ngoại hình đến tính cách. Vẻ đẹp ngoại hình của nàng được kể tả “Nàng ở đâu mà đẹp quá! Toàn thân mặc đồ trắng, không mặc vải lam như những đàn bà con gái khác. Y phục nàng là y phục bản thổ. Cũng cái khăn trùm mái tóc, cũng cái váy quấn ngang lưng và dài xuống tận mắt cá, cũng cái yếm che ngang ngực và mảnh áo dài bó sát lấy vai rồi thướt tha rủ xuống. Nàng là một thiếu nữ Mường, nhưng một thiếu nữ Mường tuyệt sắc, có lẽ đẹp hơn nhiều cô ả dưới tỉnh thành. Áo quần nàng làm sao không có vẻ thô bẩn như những quần áo vải trắng, nó trông óng ả như tơ,mềm mại như lụa; nó còn có một dấu hiệu lạ hơn nữa là trông nó ẩn như mà hiện, rõ mà lại tựa hồ bản chất nó là sương, là khói…Thiếu nữ đi như không bước, thế mà nàng tiến lại mé động người. Môi nàng đỏ thắm như hoa, cười một nụ cười say đắm. Hàm răng ai trắng nõn như ngà.Trong bầu không khí ảm đạm, mịt mờ, đôi con mắt đen sáng như gương, dưới vành lông mày dài, phăn, vành cong bán nguyệt, chiếu ra một luồng quang tuyến dị kỳ”[9, tr.207]. Phải nói rằng, cô vô cùng xinh đẹp, vô cùng quyến rũ. Dù là một hồn ma nhưng chính vẻ đẹp về ngoại hình đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn, thu hút cho tác phẩm. Số phận hẩm hiu đã khiến người đọc càng trân trọng nàng hơn. Peng yêu Khẳng “chỉ muốn

tính mạng người mình yêu thương “Nhưng sợ lúc bất kỳ không gìn giữ, có khi anh bị thiệt mình. Vì thế, em cho anh uống một đạo bùa, đạo bùa ấy sẽ làm cho anh có một phép ẩn hình; mỗi khi anh thấy hổ, anh trông thấy nó mà nó không thấy anh. Như vậy, nó không thể nào làm hại anh được”[9, tr.225]. Và kết thúc truyện “bố chúng nó, bạn tôi, một người đã ngạo ngược lấy ma rừng, lại can đảm dám tranh hùng với cọp”[9, tr.244]. Nếu không phải bằng tình yêu chân thành, hết lòng vì người yêu của Peng Slao, Lầm Khẳng sẽ không bao giờ làm những chuyện ghê gớm, lạ lùng đến vậy.

Bên cạnh hình ảnh người phụ nữ toàn tâm toàn ý với người mình thương yêu thì còn là hình ảnh người vợ gắng sức giúp chồng xây dựng sự nghiệp. Cô Dó trong Xác ngọc lam - Nguyễn Tuân đã đại diện cho phẩm chất ấy. Sự cố gắng của cô với cậu Năm được thể hiện ngay từ lúc cô tự nguyện từ bỏ rừng xanh về làm vợ cậu, chấp nhận thay đổi môi trường sống để giúp chồng, dòng họ nhà chồng phát triển sự nghiệp.

Ngoài nét đẹp tâm hồn là sự thủy chung mà người phụ nữ dành cho người mình yêu thương, thì còn là tình cảm mẹ dành cho con. Lòng mẹ thương con đã được văn học dân gian, văn học trung đại ngợi ca, truyền tụng bao đời. Dòng nước mát trong lành ấy đến thể loại kỳ ảo lại càng ngọt ngào, thắm thiết hơn. Mụ ké trong

Tiếng hú ban đêm - Thế Lữ tiêu biểu cho vẻ đẹp ấy. Người mẹ đã chấp nhận từ bỏ quê hương, sống cuộc đời thiếu thốn, nhọc nhằn, cặm cụi vì con. Khi biết con gái bị hổ bắt đi “Thế là xong; thế là biến mất cái vui sướng mà bà ta đã tốn biết bao nhiêu công lao mới được hé thấy…

Bà già bỗng thét lên khóc rồi văng mình xuống chân chõng, dứt tóc, cào đất, vùng đứng dậy rồi lại gieo mình! Khóc đã khản cổ, đã mất cả tiếng: tâm thần muốn cho say mê để quên khổ, trời đất muốn cho tan nát để tiêu diệt mình…”[9, tr.87]. Bà mẹ đau khổ ấy đã trả thù cho con gái mình bằng hành động chấp nhận từ bỏ cuộc sống, chấp nhận một kết cục đau đớn “Lúc ấy mặt người với mặt hổ gần nhau cùng ghê gớm như nhau: bốn mắt long lộn con ngươi nhìn nhau trao tráo lộ ra không biết bao nhiêu cay độc, bao nhiêu hằn học, căm hờn, lẫn với chút cảm giác bi ai trước khi phải chết”[9, tr.92].

Trong văn học trung đại, đề tài tình yêu cũng đã được nhắc đến thông qua những sáng tác của Nguyễn Dữ trong Truyền kỳ mạn lục. Đương thời, tác phẩm ấy có sức lan tỏa rộng rãi khi đã dám đề cập đến một phạm trù vốn bị coi là thứ tình cảm tầm thường, thậm chí dung tục trong xã hội phong kiến. Cho đến khi các sáng tác của bốn tác giả ra đời, đề tài tình yêu đã trở thành đề tài lớn. Trong những trang viết của mình, họ đã miêu tả các cuộc gặp gỡ hoan lạc bằng những lời văn dạt dào cảm xúc yêu thương. Mọi trạng thái tâm tư yêu đương của lứa đôi tuổi trẻ đã được các tác giả miêu tả say sưa. Một chàng Quang tìm vào bản Lang để thuê ngựa rồi đi lạc, dám bỏ lại tất cả để đi tìm cô gái Thổ sau những cuộc ái ân của hai người “Cô Sao mừng rỡ vừa nói vừa kéo tay Quang chạy vào trong đám hoa. Hương thơm ngát. Quang thấy đầu óc choáng váng; chàng mơ màng thấy cô Thổ kéo mình ngồi xuống giũa rừng lan. Chàng lắc đầu dịu mắt để cố nhìn cho rõ, nhưng không thể được. Trong lúc bàng hoàng,chàng thấy hình như tất cả những bông hoa trong rừng đều ngả về phía chàng, những bông hoa mềm và mát rung rinh bên má chàng như mơn man, ve vuốt…

Lúc chàng mở mắt ra chàng thấy mình nằm trên cỏ, chung quanh chỗ nằm, những bông lau đều ngả dẹp xuống đất”[9, tr.30]. Một không gian phồn thực rất đẹp, rất lãng mạn.

Một cuộc tình giữa người và ma cũng được Thế Lữ tập trung miêu tả sinh động và lôi cuốn. Trong Trại Bồ Tùng Linh, cuộc gặp gỡ giữa một nhà văn trẻ và một hồn ma đã khơi gợi cho người đọc biết bao cảm xúc. Những cuộc ái ân của họ được tác giả miêu tả say sưa “Nàng đặt một tay lên vai Tuấn, cười một tiếng khẽ và ấm như hơi thở. Lần thứ nhất - Tuấn gợn người tự gót chân tới chân tóc - Tuấn chạm tới bàn tay mĩ nhân. Tuấn thấy tay mình đã nắm những ngón tay nhỏ, mát, trong làn da nhung dịu như cánh hồng non. Một cánh tay anh đã quàng ở ngang tấm lung thon và gọn. Anh được thấy bên người anh cả một sự xúc động âu yếm và tấm thân giai nhân thực hiện: một giai nhân “đúc bằng xương bằng thịt” có quả

tim hồi hộp và có những huyết mạch nồng nàn”[9, tr.107]. Những cuộc ân ái của họ diễn ra nhiều lần và có những hành động tự do hơn, táo bạo hơn rất nhiều

Khi viết về tình yêu, các tác giả đã thể hiện sự đồng tình, ngợi ca tình yêu - hạnh phúc đời thường, những tình cảm tự nhiên của con người, của tuổi trẻ, vượt qua khỏi tập tục, sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến để phản ánh một góc nhìn mang tư tưởng nhân văn sâu sắc.

Như vậy, cuộc đấu tranh giải phóng để tìm hạnh phúc cho con người đến lúc này được bàn luận nhiều hơn. Sự quan tâm đến quyền sống con người, đặc biệt là hạnh phúc lứa đôi đã đạt đến đỉnh cao của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa thế kỷ XX.

Nhân vật người vợ trong Bóng người trên sương mù của Nhất Linh, là nhân vật được tạo ra bởi tình huống kì ảo. Thông qua tình huống ấy, nhân vật bộc lộ trọn vẹn tính cách, giá trị thẩm mĩ của tác phẩm được phát huy tối đa. Sự cảnh báo của con bướm giống “một cái hình người đàn bà mặc áo rộng đứng dang tay” và việc hãm phanh đột ngột để cứu nguy cho đoàn tàu của người chồng là một minh chứng cho hiện tượng thần giao cách cảm chỉ có thể xảy ra đối với những ai luôn yêu thương, gắn bó, sống vì nhau hết lòng. Đằng sau tiếng vỗ khẩn thiết của cánh bướm lạ lùng là đồng vọng của bao thanh âm đẹp đẽ về một tình yêu chung thủy, cảm động.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật phụ nữ trong truyện kỳ ảo việt nam đầu thế kỉ XX (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)