7. Đóng góp của luận văn
1.4.1. Tác giả: Nhất Linh
Tác giả Nhất Linh (1906 - 1963), tên khai sinh là Nguyễn Tường Tam, còn có các bút danh khác: Bảo Sơn, Đông Sơn, Tân Việt. Quê gốc ở Quảng Nam, sinh ra ở phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình viên chức gốc quan lại.
Sau khi đỗ bằng Thành chung, ông vào làm ở Sở Tài chính và bắt đầu sáng tác. Năm 1924, ông thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật và đỗ đầu, nhưng học được một năm ông xin thôi, sau đó sang Pháp học và năm 1930 về nước với bằng Cử nhân khoa học.
Từ 1930, ông dạy học ở Trường Thăng Long, kết bạn với Khái Hưng. Năm 1932, ông ra Báo Phong hóa bộ mới và thành lập Tự lực văn đoàn, chủ trương hiện đại hóa nền văn học tiếng Việt, phê phán lễ giáo phong kiến, hô hào “Âu hóa” và đấu tranh cho “chủ nghĩa cá nhân”.
Từ 1942, ông bí mật thành lập Đảng Hưng Việt rồi làm Tổng thư ký Đảng Đại Việt dân chính chống Pháp. Bị Pháp khủng bố, ông trốn sang Trung Quốc, liên lạc với các đảng phái người Việt tại Trung Quốc, trở thành một trong những người Việt Nam lãnh đạo Quốc dân đảng.
Cuối năm 1945, các đảng phái người Việt ở Trung Quốc trở về nước theo chân quân Tưởng Giới Thạch vào giải giáp quân Nhật. Nguyễn Tường Tam cũng về nước ít lâu sau đó và được mời tham gia Chính phủ liên hiệp với chức danh Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Năm 1946, ông cầm đầu phái bộ Việt Nam dự Hội nghị Đà Lạt. Tiếp đó, ông được cử đi dự Hội nghị Fontainebleau nhưng viết thư từ chức và bỏ sang Trung Quốc. Năm 1951, ông trở về Hà Nội và tuyên bố không làm chính trị nữa. Về sau, ông vào Sài Gòn, có thời gian lên Đà Lạt ẩn cư.
Năm 1963, ông tự tử do bị chính quyền miền Nam xem là có dính líu vào vụ đảo chính Ngô Đình Diệm bất thành trong năm này và bị gọi ra tòa. Trước khi chết, ông có để lại một lá thư tuyệt mệnh trong đó có câu: “Đời tôi để cho lịch sử xử”.
Sự nghiệp của Nhất Linh được ghi dấu bằng rất nhiều những tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn: Nho phong (1925); Người quay tơ (1927); Anh phải sống
(chung với Khái Hưng, 1934); Gánh hàng hoa (chung với Khái Hưng, Hà Nội, 1934); Đời mưa gió (chung với Khái Hưng, Hà Nội, 1934); Nắng thu (Hà Nội, 1934); Đoạn tuyệt (Hà Nội, 1935); Đi Tây (Hà Nội, 1935); Lạnh lùng (Hà Nội, 1936); Tối tăm (chung với Khái Hưng, Hà Nội, 1935); Hai buổi chiều vàng (Hà Nội,1937); Thế rồi một buổi chiều (Hà Nội, 1937); Đôi bạn (Hà Nội, 1937); Bướm trắng (Hà Nội,1939); Xóm Cầu Mới (Sài Gòn, 1958); Dòng sông Thanh Thủy (Sài Gòn, 1960 - 1961); Mối tình chân (Sài Gòn,1961).
Trong số các sáng tác của Nhất Linh, có những câu truyện có màu sắc truyền kỳ: Người quay tơ; Anh phải sống; Hai buổi chiều vàng. Có thể nói, nếu như Người quay tơ mang màu sắc truyền kỳ thì đến Hai buổi chiều vàng thủ pháp truyền kỳ đậm hơn và cũng có thể nói là gần với truyền kỳ cổ điển hơn hẳn các loại truyện truyện truyền kỳ hiện đại đương thời.