Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm hình thái, mật độ, khả năng tái sinh tự nhiên và hoạt tính kháng khuẩn của loài cáp đài loan (capparis formosana hemsl ) ở tỉnh hà giang​ (Trang 25 - 29)

Chương 1 : TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

3.1.Điều kiện tự nhiên

3.1.1. Vị trí địa lý

Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang. Về phía Bắc, Hà Giang giáp châu tự trị dân tộc Choang và Miêu Văn Sơn thuộc tỉnh Vân Nam và địa cấp thị Bách Sắc thuộc tỉnh Quảng Tây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Với diện tích 7.884,37km2, phía bắc và tây bắc giáp nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, có đường biên giới dài 274km; phía đông giáp tỉnh Cao Bằng; phía tây giáp tỉnh Lào Cai, Yên Bái; phía nam giáp tỉnh Tuyên Quang. Tại điểm cực bắc Lũng Cú của lãnh thổ thuộc tỉnh Hà Giang có vĩ độ 23015’00”, điểm cực nam có vĩ độ 21001’0”. Điểm cực tây tại Xín Mần có kinh độ 104024'05” và mỏm cực đông tại Mèo Vạc có kinh độ l05030’04”.

Huyện Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 164km và cách thủ đô Hà Nội hơn 480km, nơi có đèo Mã Pì Lèng được mệnh danh là đệ nhất hùng quan nơi cực Bắc tổ quốc, là điểm cuối cùng của trục đường Hạnh Phúc Hà Giang – Đồng Văn. Là huyện nằm trong địa bàn Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Vị trí địa lý của huyện nằm trong tọa độ từ 22022’- 33019’ vĩ độ Bắc, 105012’-105024’ kinh độ Đông. Phía Đông giáp Trung Quốc và huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng; phía Nam giáp huyện Yên Minh, Hà Giang và huyện Bảo Lâm, Cao Bằng; phía Tây giáp huyện Đồng Văn; Phía Bắc giáp Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và Trung Quốc.

3.1.2. Địa hình

Nhìn chung Hà Giang nằm trong khu vực địa bàn vùng núi cao phía Bắc lãnh thổ Việt Nam, đây là một quần thể núi non hùng vĩ có độ cao trung bình từ 800-1.200m so với mực nước biển, đặc biệt là đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.427m.

Tuy vậy, về cơ bản địa hình Hà Giang có thể phân thành 3 vùng như sau: - Vùng núi đá cao phía Bắc hay còn gọi là cao nguyên Đồng Văn, gồm các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ với 90% diện tích là núi đá vôi đặc trưng cho địa hình Karst. Ở đây có những núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp cùng nhiều vách đá dựng đứng.

- Vùng núi đất phía tây gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần là một phần của cao nguyên Bắc Hà. Địa hình nơi đây phổ biến dạng vòm hoặc nửa vòm, có sự chia cắt mạnh, nhiều nếp gấp. Nơi đây có đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.427m và được mệnh danh là nóc nhà thứ hai của Đông Dương.

- Vùng núi thấp bao gồm địa bàn các huyện thị còn lại, khu vực này có những dải rừng già xen kẽ những thung thũng tương đối bằng phẳng nằm dọc theo sông suối, đây là vùng đất đai phì nhiêu thích ứng với nhiều loại cây trồng cho phát triển kinh tế, đồng thời đây cũng là những vựa lúa lớn của tỉnh.

Trong đó, huyện Mèo Vạc có địa hình khá phức tạp, chủ yếu của là núi đá vôi, độ cao trung bình 1.150m so với mực nước biển, độ dốc trung bình là 25o-35o. Núi đá chiếm hơn 34.000ha, đất nông nghiệp chỉ chiếm gần 15.000ha, lâm nghiệp hơn 10.000ha, còn lại là đất chuyên dùng và đất ở. Về tổng thể, địa hình Mèo Vạc phân thành ba tiểu vùng có địa hình, địa chất và thế mạnh kinh tế khác nhau.

3.1.3. Địa chất, thổ nhưỡng

Do cấu tạo địa chất phức tạp, trong quá trình hình thành tạo lòng đất, Hà Giang đã hình thành nhiều mỏ khoáng sản. Hà Giang có nhiều tiềm năng khoáng sản với trữ lượng lớn và một số kim loại quý như vàng sa khoáng tập trung ở nhiều nơi, gặp nhiều ở sông Lô và sông Gâm... các tài nguyên này hiện nay chưa có điều kiện khai thác, chưa xác định được trữ lượng.

Hà Giang có khoáng sản phong phú và đa dạng. Hiện nay đã phát hiện được 28 loại khoáng sản khác nhau với 149 điểm và mỏ quặng. Đáng chú ý nhất là quặng antimon ở Mậu Duệ, Bó Mới (Yên Minh), Lũng Thầu (Đồng Văn) và

Lạc Nông (Bắc Mê) có trữ lượng khá lớn. Mỏ sắt ở Tùng Bá, Phong Quang (Vị Xuyên), Quyết Tiến (Quản Bạ) có trữ lượng 20 triệu tấn. Ngoài ra còn có mangan, ferit, chì kẽm, đồng, thiếc, boxit, vàng, đá quý, cao lanh, nước khoáng....

Thổ nhưỡng ở Hà Giang khá phong phú với 9 nhóm đất chính, trong đó nhóm đất xám chiếm diện tích lớn nhất với 585.418 ha (chiếm 74,28%) diện tích tự nhiên. Đây là nhóm đất thích hợp để trồng và phát triển các loại cây ăn quả, cây công nghiệp và cây dược liệu.

Nhìn chung đất đai của Hà Giang còn dồi dào, trong chiến lược phát triển tổng thể sử dụng đất đai của tỉnh, ngoài diện tích để sử dụng vào mục đích đô thị hoá, công nghiệp hoá, xây dựng kết cấu hạ tầng như đường giao thông, thủy lợi, trường học ... thì diện tích đất chưa sử dụng còn khoảng 400.000 ha (chiếm trên 50% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh), trong đó có khoảng 300.000 ha là đồi núi, rất phù hợp cho việc trồng cây nguyên liệu giấy như Thông, Mỡ, Bồ đề...., trồng cây công nghiệp dài ngày như Chè, Cà phê, Quế..., các cây dược liệu như Đỗ trọng, Thảo quả...., cây ăn quả như Cam, Quýt, Lê, Mận, Đào,...

3.1.4. Khí hậu, thủy văn

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và là miền núi cao, khí hậu Hà Giang về cơ bản mang những đặc điểm của vùng núi Việt Bắc - Hoàng Liên Sơn, song cũng có những đặc điểm riêng, mát và lạnh hơn các tỉnh miền Đông Bắc, nhưng ấm hơn các tỉnh miền Tây Bắc...

Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 21,6-23,90C, biên độ nhiệt trong năm có sự dao động trên 100C và trong ngày cũng từ 6-70C. Mùa nóng nhiệt độ cao tuyệt đối lên đến 400C (tháng 6, 7); ngược lại mùa lạnh nhiệt độ thấp tuyệt đối là 2,20C (tháng l).

Chế độ mưa ở Hà Giang khá phong phú. Toàn tỉnh đạt bình quân lượng mưa hàng năm khoảng 2.300-2.400mm, riêng Bắc Quang hơn 4.000mm, là một trong số trung tâm mưa lớn nhất nước ta. Dao động lượng mưa giữa các vùng, các năm và các tháng trong năm khá lớn. Năm 2001, lượng mưa đo được ở

trạm Hà Giang là 2.253,6mm, Bắc Quang là 4.244mm, Hoàng Su Phì là 1.337,9mm... Tháng mưa cao nhất ở Bắc Quang (tháng 6) có thể đạt trên 1.400mm, trong khi đó lượng mưa tháng 12 ở Hoàng Su Phì là 3,5mm, ở Bắc Mê là 1,4mm.

Độ ẩm bình quân hàng năm ở Hà Giang đạt 85% và sự dao động cũng không lớn. Thời điểm cao nhất (tháng 6, 7, 8) vào khoảng 87-88%, thời điểm thấp nhất (tháng l, 2, 3) cũng vào khoảng 81%, đặc biệt ở đây ranh giới giữa mùa khô và mùa mưa không rõ rệt. Hà Giang là tỉnh có nhiều mây (lượng mây trung bình khoảng 7,5/10, cuối mùa đông lên tới 8/10-9/10) và tương đối ít nắng (cả năm có 1.427 giờ nắng, tháng nhiều là 181 giờ, tháng ít chỉ có 74 giờ). Các hướng gió ở Hà Giang phụ thuộc vào địa hình thung lũng. Thung lũng sông Lô quanh năm hầu như chỉ có một hướng gió đông nam với tần suất vượt quá 50%. Nhìn chung gió yếu, tốc độ trung bình khoảng 1-l,5m/s. Đây cũng là nơi có số ngày giông cao, tới 103 ngày/năm, có hiện tượng mưa phùn, sương mù nhiều nhưng đặc biệt ít sương muối. Nét nổi bật của khí hậu Hà Giang là độ ẩm trong năm cao, mưa nhiều và kéo dài, nhiệt độ mát và lạnh, đều có ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Các sông lớn ở Hà Giang thuộc hệ thống sông Hồng. Ở đây có mật độ sông - suối tương đối dày. Hầu hết các sông có độ nông sâu không đều, độ dốc lớn, nhiều ghềnh thác, ít thuận lợi cho giao thông thuỷ.

Sông Lô là một sông lớn ở Hà Giang, bắt nguồn từ Lưu Lung (Vân Nam, Trung Quốc), chảy qua biên giới Việt - Trung (khu vực Thanh Thuỷ), qua thành phố Hà Giang, qua huyện Bắc Quang (Hà Giang) về Tuyên Quang. Đây là nguồn cung cấp nước chính cho vùng trung tâm tỉnh.

Sông Chảy bắt nguồn từ sườn tây nam đỉnh Tây Côn Lĩnh và sườn đông bắc đỉnh Kiều Liên Ti, mật độ các dòng nhánh cao (1,1km/km2), hệ số tập trung nước đạt 2,0km/km2. Mặc dù chỉ đoạn đầu nguồn thuộc địa phận tỉnh nhưng là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho khu vực phía tây của Hà Giang. Sông Gâm

bắt nguồn từ Nghiêm Sơn, Tây Trù (Trung Quốc) chảy qua Lũng Cú, Mèo Vạc về gần thành phố Tuyên Quang nhập vào sông Lô. Đây là nguồn cung cấp nước chính cho phần đông của tỉnh.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn có các sông ngắn và nhỏ hơn như sông Nho Quế, sông Miện, sông Bạc, sông Chừng, nhiều khe suối lớn nhỏ cung cấp nguồn nước phục vụ cho sản xuất và đời sống dân cư.

Huyện Mèo Vạc có hai con sông chảy qua là sông Nho Quế và sông Nhiệm. Sông Nho Quế bắt nguồn từ Trung Quốc chảy theo hướng Bắc – Nam qua địa phận huyện Đồng Văn, chảy qua 9 xã của huyện Mèo Vạc với chiều dài là 20km. Sông Nhiệm bắt nguồn từ huyện Yên Minh chảy qua hai xã phía nam của huyện Mèo Vạc là Nậm Ban và Niêm Sơn với chiều dài 8km. Sông Nho Quế và Sông Nhiệm hợp lưu tại nơi tiếp giáp với tỉnh Cao Bằng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm hình thái, mật độ, khả năng tái sinh tự nhiên và hoạt tính kháng khuẩn của loài cáp đài loan (capparis formosana hemsl ) ở tỉnh hà giang​ (Trang 25 - 29)