Chương 1 : TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
3.2. Điều kiện kinh tế, xã hội
Hà Giang là vùng miền núi nên dân số ít, mật độ dân số thấp, người Mông chiếm đa số, còn lại là các dân tộc khác như: Thổ, La Chí, Tày, Dao, Mán, Nùng, Giáy và Lô Lô… Phần đông đều thờ cúng tổ tiên, thần linh và đều có những sắc thái văn hóa đặc thù.
Cũng vì địa thế toàn rừng núi nên kinh tế Hà Giang tương đối kém phát triển. Lâm sản chính là vài loại gỗ quý như Lát hoa và các loại gỗ cứng như Lim, Sến, Trai, Táu, Đinh. Củ nâu, Vầu, Nứa ở đâu cũng có. Nông sản gồm Lúa, Ngô, Khoai và các loại đậu đỗ. Vùng chân núi Tây Côn Lĩnh trồng nhiều Trà. Người dân cũng trồng cây ăn trái, Mận và Lê ở vùng Đồng Văn, Hoàng Su Phì rất nổi tiếng. Nghề nuôi ong lấy mật khá thịnh hành. Rừng Hà Giang có nhiều động vật hoang dã như Trăn, Rắn, Công, Trĩ...
Nền thương mại Hà Giang chỉ giới hạn ở sự trao đổi lâm sản với miền xuôi và với Trung Quốc.
Các vùng núi thấp như Vị Xuyên, Bắc Quang có kinh tế phát triển hơn vùng núi. Dựa vào sông Lô và lượng mưa lớn, các ngành nông nghiệp ở khu
vực này rất phát triển, không kém gì vùng núi, trung du. Nơi đây có vùng trồng cam sành nổi tiếng, những cánh đồng phì nhiêu...
Rải rác từ Vĩnh Tuy lên đến Vị Xuyên là các nhà máy sản xuất trà, đặc sản của Hà Giang có trà Shan tuyết cổ thụ (xã Cao Bồ). Đặc điểm trà Shan Tuyết là sạch sẽ, không có thuốc trừ sâu và thuốc kích thích, các nhà máy sản xuất trà hiện nay còn khuyến khích nhân dân trong vùng trồng xen kẽ cây Gừng giữa các luống trà. Trà Shan tuyết cổ thụ của Hà Giang thường được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản và một số nước Tây Âu, chưa thịnh hành trong thị trường nội địa như trà Tân Cương - Thái Nguyên.
Hiện nay, huyện Mèo Vạc có 17 xã và 1 thị trấn, gồm thị trấn Mèo Vạc và các xã: Thượng Phùng, Pải Lủng, Xín Cái, Pả Vi, Giàng Chu Phìn, Sủng Trà, Sủng Máng, Sơn Vĩ, Tả Lủng, Cán Chu Phìn, Lũng Pù, Lũng Chinh, Tát Ngà, Nậm Ban, Khâu Vai, Niêm Tòng, Niêm Sơn.
Trên địa bàn huyện đang xây dựng 2 nhà máy thủy điện Nho Quế 1 và Nho Quế 3; 100% xã của huyện có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó có 13/18 xã, thị trấn có đường nhựa đi qua.
Nền kinh tế chủ yếu của các dân tộc huyện Mèo Vạc là nông nghiệp, cây lương thực chính là ngô, ngô chiếm phần lớn diện tích trồng trọt. Ngô được xay thành bột đồ lên thành “mèn mén”, đây là lương thực chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số trên cao nguyên đá Đồng Văn này.
Trong lĩnh vực văn hóa truyền thống, mỗi dân tộc ở Mèo Vạc có văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc riêng. Các lễ hội truyền thống được tổ chức vào dịp lễ tết như: Lễ Cúng cơm mới, lễ hội Cầu Mùa của dân tộc Lô Lô, múa trống của dân tộc Giáy, lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày. Đặc biệt, Mèo Vạc còn được du khách trong và ngoài nước biết đến bởi lễ hội chợ tình Khau Vai [32].