Khí hậu, thủy văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu một số đặc điểm hình thái, sinh thái, hoạt tính kháng khuẩn và khả năng nhân giống 1 số loài cây thuốc thuộc họ màn màn (capparaceae juss ) ở tỉnh thái nguyên​ (Trang 38 - 40)

4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

3.1.4. Khí hậu, thủy văn

- Do nằm gần chí tuyến Bắc trong vành đai Bắc bán cầu, nên khí hậu của tỉnh Thái Nguyên mang tính chất của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Trên địa bàn tỉnh vào mùa nóng từ tháng 5 tới tháng 10 thì nhiệt độ trung bình khoảng 23- 280C và lượng mưa trong mùa này chiếm tới 90% lượng mưa cả năm. Mùa đông có khí hậu lạnh từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên do có sự khác biệt rõ nét về độ cao và địa hình, địa thế nên trên địa bàn Thái Nguyên hình thành 3 tiểu vùng khí hậu khác nhau:

- Tiểu vùng 1 (vùng lạnh nhiều): Bao gồm các xã thuộc phía Tây Bắc huyện Đại Từ, Định Hóa, Bắc Phú Lương và Võ Nhai, có độ cao trung bình từ 500 m trở lên. Đây là vùng có mùa đông tương đối lạnh và kéo dài.

- Tiểu vùng 2 (vùng lạnh vừa): bao gồm các xã thuộc phía đông huyện Đại Từ, Nam huyện Phú Lương, Định Hóa và Đồng Hỷ, có độ cao từ 200 - 500 m.

- Tiểu vùng 3 (vùng ấm): Bao gồm các xã thuộc Thị xã Phổ Yên, huyện Phú Bình, Thành phố Sông Công, Thành phố Thái Nguyên, Nam huyện Đồng Hỷ và Phú Lương. Độ cao trung bình từ 30 đến 50m. Sự đa dạng về khí hậu của Thái Nguyên đã tạo sự đa dạng, phong phú về cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt tại Thái Nguyên có thể tìm thấy cả cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới và ôn đới. Đây chính là cơ sở cho sự đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm nông nghiệp.

Thái Nguyên là một tỉnh có mạng lưới sông suối khá dầy đặc và phân bố tương đối đều. Mật độ sông suối trung bình khoảng 1,2 km/km2. Dưới đây là một số sông suối chính chảy qua địa bàn tỉnh:

- Sông Cầu: là sông lớn nhất tỉnh có lưu vực 3.480km2. Sông này bắt nguồn từ chợ Đồn (Bắc Kạn) chảy theo hướng Bắc Đông Nam qua Phú Lương, Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên, Phú Bình gặp sông Công tại Phù Lôi. Chiều dài sông chảy qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên khoảng 110 km. Lượng nước đến bình quân năm khoảng 2,28 tỷ m3 /năm. Trên sông này hiện nay đã xây dựng hệ thống thủy nông. Theo số liệu quan trắc tại thác Bưởi huyện Phú Lương, lưu lượng nước trung bình của sông này là 51,4 m3/s, lưu lượng nhỏ nhất (tháng 2) là 11,3 m3/s và lưu lượng lớn nhất tháng 8 là 128 m3/s.

- Sông Công: có lưu vực 951km2 bắt nguồn từ vùng núi Ba Lá huyện Định Hóa chảy dọc chân núi Tam Đảo, nằm trong vùng có lượng mưa lớn nhất trong tỉnh. Dòng sông đã được ngăn lại ở Đại Từ thành hồ Núi Cốc có mặt nước rộng trong khoảng 25 km2 , chứa khoảng 175 triệu m3 nước, điều hòa dòng chảy và có khả năng tưới tiêu cho khoảng 12.000 ha lúa 2 vụ, cây công nghiệp cho các xã phía Đông Nam huyện Đại Từ, Thành phố Sông Công, Thị xã Phổ Yên và cung cấp nước sinh hoạt cho Thành phố Thái Nguyên và Thành phố Sông Công.

- Sông Dong: sông này chảy trên địa phận huyện Võ Nhai chảy về Bắc Giang. Lưu lượng nước vào mùa mưa là 11,1 m3/s và lưu lượng mùa kiệt là 0,8 m3/s. Tổng lượng nước đến trong mùa mưa là 146 triệu m3 và trong mùa khô là 6,2 triệu m3. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn nhiều sông nhỏ khác phân bố đều khắp và một số hồ chứa tương đối lớn tạo ra nguồn nước mặt khá phong phú phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu một số đặc điểm hình thái, sinh thái, hoạt tính kháng khuẩn và khả năng nhân giống 1 số loài cây thuốc thuộc họ màn màn (capparaceae juss ) ở tỉnh thái nguyên​ (Trang 38 - 40)