Giọng ngợi ca

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn ma văn kháng thời kì đổi mới (Trang 109 - 113)

Truyện ngắn Ma Văn Kháng sau đổi mới là lời ngợi ca nhiệt thành dòng đời sinh hoá, bình dị, hồn nhiên thể hiện niềm tin của tác giả vào con người và cuộc đời. Thực ra, truyện ngắn Ma Văn Kháng không chỉ là “tiếng nói ngậm ngùi, cảm khái chứa đựng tình thương và nỗi buồn mênh mông trước một nhân thế đang phai lạt nhân tình” mà còn là “tiếng reo ca hân hoan trước sự thăng hoa của tình đời, tình người”(Lã Nguyên). Có thể nhận thấy điều này qua một loạt các nhân vật là người tốt, người tài nhưng gặp tai ương bất hạnh trước trò đùa của số mệnh. Song, nhân vật của ông không bao giờ chịu đầu hàng số phận mà luôn đi tìm sự dẫn mở, tin ở lý trí và khát vọng hành động để cải biến thực tại cùng cách ứng xử trên thế “thượng phong”.

Truyện ngắn Ma Văn Kháng luôn ngợi ca những con người biết hành động để cải biến thực tại như Kiểm (Kiểm, chú bé, con người), mẹ và vợ Luyến (Mất điện), bà Sẹc (Miền an lạc vĩnh hằng), Tâm (Mưa lớn đầu mùa) … họ là những người gặp biết bao tai ương trong cuộc sống: Kiểm bị dì ghẻ đối xử tàn tệ; bà Sẹc luôn bị trù dập, hãm hại; Tâm hết bị cưỡng đoạt, hành hạ lại bị đẩy vào tù… Mặc dù vậy, họ vẫn sống hồn nhiên theo lẽ đời, tin tưởng vào nghị lực của bản thân. Bị đối xử tàn nhẫn, chú bé Kiểm bỏ nhà đi nhưng không phải là sa ngã mà là lập thân bằng con đường học tập và lao động. Kiểm không hề tỏ ra thù ghét mà luôn một lòng rộng mở, bao dung. Viết về Kiểm, nhà văn luôn một giọng ngợi ca khẳng định: “Bị vùi dập và dồn vào cảnh thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm, nó vẫn còn giữ được một khoảng cách, chưa đồng hóa với cái xấu…. Ngược lại nó tràn đầy lòng yêu thương” [41 , tr.235]. Giọng điệu đầy tin tưởng, ngợi ca của nhà văn dành cho chú bé Kiểm có khi lại bộc lộ một cách công khai, trực tiếp “chú bé Kiểm đã tự nguyện trở về và hoàn toàn không một chút hả hê hay ngấm ngầm thích thú trước sự rủi ro của kẻ đã gây ra bao khốn khổ cho đời mình… mà tràn đầy trong từng âm tiết, ngữ điệu câu nói và thái độ của em đều bộc lộ một tình

thương yêu vừa non tơ, vừa quảng đại và quả cảm trước cơn tai biến của những người ruột thịt, thân thương” [41 , tr.251]. Giọng ngợi ca, tin yêu có khi lại bộc lộ như một tiếng reo vui, hạnh phúc như vừa phát hiện ra điều gì: “chú bé Kiểm, cái mầm non mạnh mẽ, hình tượng biểu trưng cho bản chất nhân hậu vốn có ở cuộc đời, tồn tại một cách gần như hồn nhiên, không cần giải thích và đang cần được bồi đắp ở cuộc đời mới này” [41 , tr.251]. Còn chị cả (Thanh minh trời trong sáng) sau bao thăng trầm của cuộc đời giờ đây chị vẫn đứng vững và tạo lập một cơ nghiệp mới. Đồng thời chị là chỗ dựa vững chắc cho đại gia đình họ Đinh ấy. Viết về chị, Ma Văn Kháng không khỏi ngưỡng mộ, kính phục yêu thương “Ôi, chị cả! Người phụ nữ ít chữ nghĩa nhất nhà nhưng sống trọn vẹn với cuộc đời bằng toàn bộ tâm lực của mình. Chị cả là sự sáng tỏ, là điều minh triết” [22, tr. 66]. Đó là vợ Luyến (Mất điện), một con người chính trực ngay thẳng dám đương đầu với thằng điên trong lúc cả tập thể phải sợ nó, kể cả Luyến. Chính chị đã quả quyết với chồng "Tôi không thích khôn ngoan như thế. Đây cũng là quyền lợi, cũng là trách nhiệm của mình nữa".[41,tr.279].

Bên cạnh những con người biết hành động để cải biến thực tại, nhà văn còn ngợi ca cả những con người biết vượt lên trên thế sự đảo điên bằng tài hoa, lòng nhân ái và bao dung, bằng niềm tin hướng thiện. Ông Thại (Tóc huyền màu bạc trắng) hiện ra dưới ngòi bút của Ma Văn Kháng cái cốt cách của một nhà nho, của bậc trượng phu, của anh hàn sỹ. Ông hiện ra trong sự đồng cảm, kính trọng yêu thương của nhà văn: “Quan sát bạn đồng liêu của ông mới thấy họ khác ông lắm… Bảy mươi rồi, lắm cụ còn lao vào thương trường, giở đủ trò mánh khóe… Ông Thại không như vậy, ông vẫn cặm cụi với đèn sách… Ông không sống với thế sự, môn trường. Ông ở trên những buồn phiền, lo âu, ở ngoài những nhọc nhằn đau đớn” [41 , tr.255]. Cũng giống như ông Thại, ông Huỳnh, ông Khoa (Phiên chợ hoa áp tết) được Ma

Văn Kháng miêu tả với niềm kính trọng và sự tin yêu ca ngợi trước lòng nhân ái bao dung và niềm tin hướng thiện của họ.

Ngoài ra, truyện ngắn Ma Văn Kháng còn thấm đẫm một tinh thần lạc quan. Niềm tin vào con người, vào sự chiến thắng của cái đẹp ở đời. Nhà văn không chỉ ngợi ca con người có nghị lực, có lòng nhân ái bao dung mà ông còn ngợi ca vẻ đẹp của “dòng đời sinh hóa hồn nhiên” này. Trong cái dòng đời sinh hóa ấy, con người không chỉ hăm hở trong mưu sinh mà trong tình ái còn hăm hở hơn nhiều. Nhà văn đã viết được những truyện như thế. Cái đẹp của cuộc sống tình ái được ông đề cao khẳng định. Truyện Những người đàn kể về cuộc sống của những người đàn bà ở khu chung cư thích kể chuyện tục tĩu, thích dòm ngó vào đời sống riêng của người khác, nhất là đời sống tình dục, thích kể về mối tình vụng trộm của chính mình. Họ bị cuốn vào những câu chuyện bất tận về đời sống tình dục, nhờ vậy mà họ cởi mở với nhau hơn, sống hồ hởi hào hứng hơn. Ma Văn Kháng đã viết về lòng đắm dục, ái dục của con người đầy “khoái hoạt và hả hê”. Qua câu chuyện của họ “hóa ra còn một cuộc sống thầm thào chảy, ở bên dưới cuộc sống lộ thiên nhìn thấy. Thầm thào chảy nhưng dào dạt vô cùng” [52 , tr.239]. Truyện Anh thợ chữa khóa là câu chuyến ái tình của anh Thiều. Dường như nhà văn đứng ra chiêu tuyết cho những cuộc tình vụng trộm. Thực ra Ma Văn Kháng không ngợi ca nó mà ông muốn trả lại cuộc sống cái đẹp nguyên dạng của nó. Cuộc sống vốn giàu chất thơ nhưng phải thiết tha yêu cuộc sống ta mới phát hiện ra vẻ đẹp của nó. Tác phẩm gợi dậy ở người đọc niềm vui, nỗi buồn như chính cuộc đời – đầy những vui buồn. Quan trọng hơn, thiên truyện mài sắc cái nhìn của ta, để ta thêm yêu cuộc sống ngay cả ở những nơi lấm láp nhất, nhiều lụy tục nhất.

Có thể nói giọng ngợi ca trong sáng tác của Ma Văn Kháng xuất phát từ tình yêu và niềm tin của ông với con người, cái đẹp ở đời. Dù hoàn cảnh thế nào thì con người cũng biết vượt qua để sống, để tồn tại.

Tóm lại từ sau 1986, truyện ngắn Ma Văn Kháng đã chuyển từ tiếng nói đơn thanh, một giọng sang tiếng nói đa thanh nhiều giọng, một sự “đa giọng điệu”: vừa có sự xót xa ngậm ngùi, vừa có sự hài hước, hóm hỉnh, vừa có giọng triết lý, tranh biện… Nhưng dù giọng điệu nào thì người đọc vẫn bắt gặp trong đó những trăn trở, suy tư của nhà văn trước cuộc đời lắm đa đoan, đa sự này. Nổi bật lên là một trái tim đầy tình yêu thương và độ lượng với con người. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng là một sáng tạo độc đáo của nhà văn đóng góp cho văn xuôi đương đại Việt Nam.

KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn ma văn kháng thời kì đổi mới (Trang 109 - 113)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(121 trang)
w